Các hộ chăn nuôi chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thứ 3, 17/11/2015 | 08:37:42
1,700 lượt xem

Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa là thời điểm thuận lợi để các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm có điều kiện bùng phát. Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Bình tích cực thực hiện các biện pháp nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

 Tiêm phòng cho đàn gia cầm tại trang trại nhà ông ông Phạm Văn Tràng

Trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng của ông Phạm Văn Tràng (thôn 1, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư) có quy mô lớn nhất xã Vũ Đoài với 21.000 con gà, trong đó, 14.000 con gà đang đẻ trứng, 7.000 con gà hậu bị. Đầu tư chăn nuôi gà với số lượng lớn, ông Tràng chú trọng công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Ông đã xây dựng 5 khu chuồng trại riêng biệt được thiết kế hiện đại.

Tại tất cả các khu chuồng trại, ông đều dự trữ lượng vôi bột lớn được hòa vào nước để tẩy rửa chuồng trại. Đồng thời, trong trang trại luôn dự phòng đầy đủ các loại vắc xin, hóa chất phòng dịch bệnh theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã. Do vậy, đàn gà phát triển tốt, khỏe mạnh. Hàng năm, trang trại mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng cho gia đình.

Ông Phạm Văn Tràng chia sẻ kinh nghiệm: “ Muốn phát triển chăn nuôi bềnvững thì thứ nhất phải có môi trường sạch an toàn, vệ sinh thú y làm thường xuyên, tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình vacxin. Có như thế vật nuôi mới có sức khỏe tốt, đề kháng tốt chống lại dịch bệnh.”

Cũng tại thôn 1, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư, gia đình chị Nguyễn Thị Hậu phát triển chăn nuôi lợn và gà thịt. Nhiều năm nay, trong chuồng nuôi của gia đình chị lúc nào cũng có hơn trăm con lợn lớn nhỏ và hàng nghìn con gà. Bước vào thời điểm giao mùa, thời tiết mưa nắng thất thường làm cho sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho các mầm bệnh tồn tại, lây lan. Vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh được chị Hậu chủ động thực hiện thường xuyên, liên tục để đảm bảo an toàn cho gia súc, gia cầm và hạn chế thiệt hại kinh tế.

Mô hình chăn nuôi phòng chống dịch bệnh từ xa của chị Nguyễn Thị Hậu

Chị Hậu chia sẻ: “ Gia đình tôi rất chú trọng việc tiêm phòng cho gia súc và gia cầm. Chúng tôi đã tiêm cho các loại lợn. Việc giữ ấm cũng được chú trọng, cho ăn đầy đủ hơn, chăm sóc chu đáo hơn và nền chuồng phải khô ráo hơn trước nhiều”.

Nuôi gà thả vườn theo mô hình sinh học tại huyện Vũ Thư

Với đặc thù là một trong những địa phương có tổng đàn gia súc, gia cầm lớn của huyện Vũ Thư với trên 7.000 con lợn, 65.000 gia cầm, trên 400 con trâu bò, những năm qua, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn được cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể, các thôn trong xã Vũ Đoài chú trọng. Thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, xã đã tổ chức tiêm phòng đại trà vụ thu đông cho đàn gia súc cúm gia cầm, đạt trên 90%.

Bà Hồ Thị Hiền- Trưởng ban Chăn nuôi thú y xã Vũ Đoài ( huyện Vũ Thư) cho biết: “ Bám sát chỉ đạo của huyện và cơ quan chuyên môn, Đài truyền thanh xã cũng đã tuyên truyền để người dân hiểu về tiêm phòng cho gia súc, gia cầm trong phòng bệnh trên đàn vật nuôi. Hàng ngày, chúng tôi cũng tiếp xúc với người dân tiêm phòng cũng tuyên truyền cho họ biết phòng là chính và để hạn chế dịch bệnh xảy ra thì càng phải chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh. Khi có dịch bệnh cũng khuyến cáo bà con quây vùng những con ốm bệnh và chữa trị triệt để”.

Không riêng gì ở Vũ Đoài, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm dịp cuối năm được các địa phương trong huyện Vũ Thư triển khai thực hiện một cách nghiêm túc. Bà Tô Thị Hồng Nguyên- Trạm trưởng trạm Chăn nuôi thú y huyện Vũ Thư cho hay: "Ngay từ đầu vụ, chúng tôi đã chỉ đạo các xã triển khai tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, kết quả tiêm phòng đạt 91,2 %. Đồng thời, tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học”.

Thái Bình chủ động tiêm phòng cho đàn vật nuôi

Hiện tại, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong nước đang diễn biến phức tạp. Dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm, long móng diễn ra ở một số địa phương, trong đó, có tỉnh Nam Định ( giáp ranh với Thái Bình). Mặt khác, các hộ chăn nuôi trong tỉnh đang tích cực nhập con giống vào nuôi để chuẩn bị nguồn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Do đó, nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc và tai xanh ở lợn là rất cao.

Ông Phạm Thành Nhương, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi thú y Thái Bình cho biết: “Chúng tôi phối hợp với cơ quan truyền thông đẩy nhanh công tác tuyên truyền tình hình dịch bệnh, đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi nhằm nâng cao nhận thức của người dân về phòng chống dịch. Chỉ đạo các địa phương kiểm tra các hoạt động buôn bán, kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm và rà soát lại các đối tượng chưa tiêm phòng để tiêm bổ sung vắc-xin.”

Kiểm soát dịch bệnh ngay từ các bến đò, bến phà tại Thái Bình

Cùng với đó, Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh đã thành lập Đội kiểm dịch lưu động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại các bến phà, bến đò, kịp thời xử lý những trường hợp vận chuyển gia súc gia cầm nhiễm bệnh vào địa bàn.

Ông Đặng Trung Đảng- Phó trưởng phòng thanh tra, pháp chế- Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Thái Bình cho hay: “ Đội kiểm dịch lưu động có 10 thành viên, hoạt động 24/24 giờ và chú trọng thời điểm ban đêm và rạng sáng. Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi đã phát hiện và xử lý 1 trường hợp chủ hàng ở Vũ Lễ ( huyện Kiến Xương) vận chuyển 2 con lợn có dấu hiệu bệnh tai xanh từ Hà Nam về Thái Bình tiêu thụ. Chúng tôi đã lập biên bản và xử lý tiêu hủy theo quy định của pháp lệnh thú y”.

Với nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ trong công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, nhìn chung đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa xảy ra dịch bệnh nguy hiểm nào. Tuy nhiên, với đặc điểm giao mùa và tình trạng nhập đàn, buôn bán tăng cao nên mầm bệnh sẵn có trong đàn gia súc, gia cầm từ tỉnh ngoài xâm nhập vào ,có thể tái phát và lây lan là rất cao. Vậy nên, người chăn nuôi cần chủ động đề phòng dịch bệnh, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho gia súc, tiêm phòng dịch bệnh, sát trùng, vệ sinh chuồng trại,... để gia súc, gia cầm phát triển khỏe mạnh.

Thu Trang

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...