Kỹ thuật chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học

Thứ 3, 27/10/2015 | 07:50:54
812 lượt xem

Chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học là việc áp dụng tổng hợp và đồng bộ các biện pháp kỹ thuật và quản lý nhằm ngăn ngừa sự tiếp xúc giữa gia cầm và mầm bệnh nhằm bảo đảm cho đàn gia cầm được hoàn toàn khỏe mạnh và không bị dịch bệnh.

Mô hình chăn nuôi gia cầm theo hướng  an toàn sinh học ( Nguồn: Internet)

Mục tiêu là ngăn cản sự xâm nhập của mầm bệnh từ bên ngoài trại vào trong trại. Không để mầm bệnh lây lan giữa các khu vực trong trại. Không để gia cầm trong trại phát bệnh. Ngăn cản sự lây lan mầm bệnh từ trong trại (nếu có) ra ngoài trại.

* Biện pháp thứ 1: Nhập nuôi gia cầm đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Bà con phải mua gia cầm ở nơi được phép kinh doanh sản xuất con giống. Giống gia cầm mua phải khỏe mạnh, đảm bảo chất lượng con giống. Không nên mua gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm bị bệnh ở những vùng có dịch hay ở những vùng có nguy cơ không an toàn dịch bệnh. Gia cầm mua về phải nuôi cách ly ít nhất 2 tuần và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho gia cầm theo quy định của thú y.

* Biện pháp thứ 2: Cách ly gia cầm khỏi sự lây nhiễm của mầm bệnh

Đối với khu vực chăn nuôi phải có tường bao hay hàng rào ngăn cách với khu vực xung quanh. Trước cổng trại hay cổng chuồng phải có hố khử trùng bằng vôi bột hoặc hóa chất sát trùng. Phải bảo đảm diện tích chuồng nuôi thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Phải tách nuôi riêng từng loài, từng giống và từng tuổi gia cầm khác nhau. Thực hiện tốt nguyên tắc cùng vào cùng ra để hạn chế nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh và tạo điều kiện để vệ sinh tiêu độc khử trùng và có thời gian trống chuồng trong chăn nuôi. Kiểm soát chặt chẽ sự ra vào của người và các phương tiện trong khu vực chăn nuôi. Kiểm soát chặt chẽ sự ra vào của việc vận chuyển thức ăn, gia cầm và sản phẩm gia cầm trong khu vực chăn nuôi.

Khi gà ốm, gà chết cần phải xử lý và bỏ đúng nơi quy định. Không được bán chạy gia cầm ốm, gia cầm bị bệnh hay vứt xác gia cầm chết bừa bãi để tránh lây lan dịch bệnh. Chất thải trong chăn nuôi cũng phải được thu gom, xử lý để bảo đảm vệ sinh môi trường.

* Biện pháp thứ 3: Phòng bệnh cho gia cầm bằng vắc xin.

Nuôi thả gà vườn theo hướng an toàn sinh học ( Nguồn: Internet)

Đây là biện pháp tạo sự chủ động cho gia cầm chống lại mầm bệnh khi lây nhiễm. Để đạt hiệu quả cao khi sử dụng vắc xin người chăn nuôi cần lưu ý những vấn đề sau đây: Sử dụng vắc xin đúng chủng loại, đúng lứa tuổi của gia cầm theo đúng quy định của ngành thú y. Việc bảo quản vắc xin phải đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Chỉ sử dụng vắc xin cho gia cầm khỏe mạnh và sử dụng vào lúc thời tiết thuận lợi. Tránh sử dụng vào lúc nắng nóng và sau khi gia cầm ăn quá no. Trước và sau khi sử dụng vắc xin bà con nên bổ sung chất tăng sức đề kháng cho gia cầm. Có thể dùng vitamin hoặc chất điện giải.

* Biện pháp thứ 4: Kiểm soát dịch bệnh theo từng khu vực chăn nuôi.

Công việc hàng ngày là bà con theo dõi tình trạng sức khỏe của gia cầm, nếu phát hiện thấy có những biểu hiện bất thường như giảm ăn, bỏ ăn, ốm hay chết phải báo ngay cho cán bộ thú y để được tư vấn, hướng dẫn, có biện pháp xử lý kịp thời. Định kỳ lấy mẫu huyết thanh để xét nghiệm, giám sát dịch bệnh.

* Biện pháp thứ 5: Vệ sinh tiêu độc khử trùng.

Đây là biện pháp nhằm giảm tồn dư của chất độc hại, giảm mầm bệnh và tăng sức đề kháng cho gia cầm. Hàng ngày phải vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống sạch sẽ để đảm bảo cung cấp cho gia cầm thức ăn và nước uống sạch sẽ, hợp vệ sinh. Phải định kỳ phun tiêu độc khử trùng 1 - 2 lần trong 1 tuần.

Người chăn nuôi cần lưu ý việc phun tiêu độc khử trùng có thể tăng lên tùy theo quy mô đàn, tùy theo điều kiện thời tiết điều kiện vệ sinh thú y. Đặc biệt, tùy theo mức độ nguy cơ lây nhiễm bệnh dịch trong từng hộ, từng vùng, từng địa phương (nếu có). Kết thúc sau mỗi đợt chăn nuôi phải thu gom xử lý chất thải theo đúng nơi quy định để đảm bảo vệ sinh môi trường, sau đó, quét dọn sạch sẽ để trống chuồng ít nhất là 2 tuần.

Theo Trung tâm Khảo nghiệm Khuyến nông khuyến ngư Thái Bình

 

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...