Thái Bình sau 03 năm triển khai thực hiện Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020

Thứ 5, 24/09/2015 | 07:44:33
512 lượt xem

Nhận thức tầm quan trọng của Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản đã tham mưu triển khai thực hiện đầy đủ nội dung chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau 03 năm triển khai, tỉnh Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, cụ thể như sau:

Công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn kiến thức về bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tới cán bộ và nhân dân trong tỉnh được tăng cường và làm tốt bằng nhiều hình thức, nhiều kênh thông tin khác nhau nên đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia hưởng ứng như: Tập huấn, hội nghị, tổ chức ký cam kết. Kết quả từ năm 2012-2014, đã tập huấn 36 lớp với 3.060 lượt người tham dự; xây dựng 06 phóng sự trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, phát thanh 180 lượt trên các đài Phát thanh của tỉnh, huyện, xã; đăng 07 bài báo; dán 935 panô, áp phích ở các công sở, nơi công cộng, trên tàu cá; phát 900 tờ bướm; ký cam kết với 529 chủ tàu khai thác thuỷ sản về việc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Qua đó nâng cao nhận thức của ngư dân trong việc chấp hành các quy định về đăng ký, đăng kiểm, đóng mới và cải hoán tàu cá; ngăn chặn có hiệu quả việc sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và ngư cụ cấm khai thác thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh.

Công tác bảo tồn và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản
Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều tổ chức phát động tháng hành động bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản trong toàn tỉnh nhằm phát động các tổ chức và cá nhân thả giống thủy sản ra vùng nước tự nhiên, các huyện ven biển phát động khai thác vụ cá Nam.
Từ năm 2012-2014, đã tổ chức thả 55.000 con giống thủy sản ra các vùng nước tự nhiên đây là hoạt động thiết thực, thể hiện vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân quan tâm chung tay giữ gìn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải đã được kiện toàn và bước đầu hoạt động có hiệu quả.

Công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm
Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thủy sản thường xuyên phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, ban ngành như: Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Diêm Điền, Đồn Biên phòng Cửa Lân, Hải đội 02 và cửa khẩu cảng Diêm Điền thường xuyên tổ chức kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành Chỉ thị 01/1998/CT-TTg, kiểm tra phát hiện, bắt giữ xử lý nghiêm người, phương tiện vi phạm pháp luật. Chi cục Khai thác và BVNLTS Thái Bình còn phối hợp với Chi cục Khai thác và BVNL Thuỷ sản các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định và Thanh Hoá thường xuyên kiểm tra kiểm soát và xử lý các vi phạm về lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển vịnh Bắc Bộ.
Trong 03 năm qua, Chi cục đã tổ chức tuần tra, kiểm soát 33 đợt, phát hiện 186 vụ vi phạm lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; lập biên bản thu giữ 03 giã điện, 07 kích điện, 01 bình ác quy 12V, củ phát điện 06 chiếc, 280m dây dẫn điện và xử phạt 23.700.000 đồng. Do vậy, việc ngư dân sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thuỷ sản trên vùng biển Thái Bình đã giảm.

Tuy nhiên, việc triển khai Chương trình tại tỉnh Thái Bình vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Công tác quy hoạch của Trung ương và địa phương còn bị chồng lấn, dẫn đến việc triển khai lập đề án xây dựng khu bảo tồn vùng nước nội địa ở địa phương gặp nhiều khó khăn, chưa thực hiện được; thanh tra chuyên ngành thuỷ sản chưa được kiện toàn đầy đủ, đặc biệt là chế độ chính sách, trang phục cho cán bộ, thuyền viên làm công tác trên tàu thanh tra; ngân sách địa phương hạn chế nên bố trí đầu tư kinh phí thực hiện các chương trình theo Quyết định số 188/QĐ-TTg chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế.

Để Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2020 triển khai hiệu quả hơn tại Thái Bình trong thời gian tới, cần thiết phải bố trí, đầu tư kinh phí để triển khai đồng bộ các nội dung chương trình đã được phê duyệt; đầu tư đóng mới Tàu thanh tra thuỷ sản hiện đại, công suất lớn để công tác kiểm tra, kiểm soát trên biển kịp thời, thường xuyên và hiệu quả.

Phạm Ngọc Điều
(Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản Thái Bình)


  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...