Sản xuất vụ đông 2014 các tỉnh phía Bắc: Khuyến cáo trồng cây ưa ấm

Thứ 2, 25/08/2014 | 16:08:00
1,413 lượt xem

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, theo dự báo thời tiết năm nay sẽ ít mưa và mùa đông sẽ ấm hơn nên ngành trồng trọt khuyến cáo người dân nên tăng cường trồng các cây ưa ấm.

 

Sản xuất cây vụ đông tại một huyện ngoại thành Hà Nội.
Được biết Cục Trồng trọt đã có kế hoạch triển khai sản xuất cây vụ đông năm 2014, vậy ông có nhận định gì về điều kiện thời tiết cho sản xuất vụ đông năm nay?
- Năm nay, các địa phương đã xây dựng và ban hành kế hoạch sản xuất vụ đông từ rất sớm. Ban đầu chúng tôi có dự báo gặp khó khăn về thời vụ do lúa vụ xuân bị ảnh hưởng bởi rét kéo dài, tuy nhiên, với sự hỗ trợ của cơ giới hóa nên tới thời điểm này, hầu hết các diện tích lúa đảm bảo trỗ kịp thời và sẽ có một quỹ đất tương đối rộng rãi cho việc đưa cây vụ đông vào sản xuất. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn T.Ư, năm nay hiện tượng El Nino sẽ quay trở lại, cùng với ảnh hưởng của mưa bão, đặc biệt là mưa cuối vụ ít hơn so với nhiều năm, nền nhiệt mùa đông cao hơn nên sẽ thuận lợi hơn cho việc gia tăng cây ưa ấm.
Cụ thể, Cục Trồng trọt sẽ đưa ra cơ cấu cây trồng vụ đông cho các địa phương triển khai như thế nào?
- Về mặt khoa học, cây vụ đông được chia làm 2 nhóm, trong đó nhóm cây ưa ấm gồm ngô, đậu tương, khoai lang, nhóm rau, dưa, bầu bí; nhóm cây ưa lạnh chủ lực gồm khoai tây, cải bắp, su hào, cà rốt… Thông thường, hàng năm cây ưa ấm chiếm tỷ lệ nhiều hơn, khoảng 47 - 48% và ưa lạnh trên 60%. Tuy nhiên, năm nay do thời tiết dự báo ấm hơn nên chúng tôi khuyến cáo các địa phương chỉ đạo người dân đảo ngược tỷ lệ của nhóm cây trên theo hướng gia tăng cây ưa ấm. Bà con cần lưu ý tuân thủ đúng khung thời vụ để đạt hiệu quả kinh tế cao.
Tùy vào từng loại cây trồng sẽ có khung thời vụ quy định cụ thể, nhưng đối với cấy ưa ấm thì sau khi thu hoạch lúa, bà con trồng cây vụ đông sớm bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Ví dụ như ngô, thời vụ càng sớm càng tốt vì có thể sử dụng được giống tiềm năng năng suất cao hơn, gia tăng mật độ trồng. Hiện có nhiều giống ngô thân lá gọn, mật độ trước đây trung bình 5 vạn/1ha, giờ chúng tôi khuyến cáo trồng 5-7 vạn, kèm theo là các gói kỹ thuật hỗ trợ. Ở mỗi địa phương sẽ có chương trình huấn luyện cho bà con nông dân trước khi bước vào vụ đông, ví dụ với cây khoai tây thì có chuyên đề tập huấn khoai tây; vùng nào trồng ngô trọng điểm sẽ có tập huấn khuyến nông về canh tác, sử dụng giống, mật độ, phân bón...
Được biết, rất nhiều địa phương đã cố gắng triển khai vụ đông nhưng diện tích và năng suất vẫn không tăng, theo ông nguyên nhân là do đâu?
"Vụ đông phải được xem như một vụ chính, mang lại thu nhập cao cho người dân. Không có vụ đông, thu nhập của người dân không nâng cao được." Ông Trần Xuân Định
- Đúng là những năm gần đây, diện tích và sản lượng cây vụ đông tuy có tăng nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra, thậm chí một số loại cây trồng còn giảm cả diện tích, sản lượng và năng suất. Đối với sản xuất cây vụ đông, hiện có rất nhiều khó khăn, trong đó có khó khăn chung của ngành nông nghiệp là lao động ngày càng già hóa. Hiện, ở nhiều địa phương không còn thanh niên làm nông nghiệp mà chủ yếu là những người già yếu nên tới vụ đông, họ thường bỏ ruộng hoang; hệ thống tưới tiêu cũng gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nơi đã bị khu đô thị mới, khu nuôi trồng thủy sản chặn mất kênh dẫn nước và thoát nước, trong khi nhiều chỗ chỉ cần mưa ở mức 80–100mmđã ngập trắng. Bên cạnh đó, vấn đề liên kết sản xuất theo chuỗi còn lỏng lẻo, nhất là việc tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh cũng khiến nhiều nông dân không mặn mà với cây vụ đông.
Tuy nhiên, theo tôi khó khăn lớn nhất vẫn là thời tiết biến đổi thất thường. Những năm vừa qua, nhiều địa phương gieo trồng cây ưa ấm thì gặp mưa lớn, bão lụt nên bị ngập trắng, thiệt hại hoàn toàn. Qua quan sát của chúng tôi, một số cây vụ đông quan trọng, ví dụ ngô đang có xu hướng giảm trong 5 năm gần đây. Song hiện nay chúng ta đang có nhiều tiến bộ kỹ thuật hỗ trợ nên chúng tôi đề nghị các địa phương phối hợp với các viện và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai các mô hình trình diễn thực hiện gói kỹ thuật hoàn thiện hơn, đảm bảo thời vụ gieo cấy… nhằm tăng năng suất ngô, đảm bảo hiệu quả kinh tế cho người dân.
Trước những khó khăn trên, ông có thể cho biết Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ gì để người dân đẩy mạnh phát triển cây vụ đông?
- Hiện nay, về phía Chính phủ chưa có chính sách gì thực sự mạnh mẽ cho phát triển cây vụ đông mà chỉ có hỗ trợ giữ đất lúa, hỗ trợ hạt giống khi có mưa bão, lũ lụt… Trên thực tế, Nhà nước đã phân cấp cho các địa phương chủ động căn cứ vào lợi thế của địa phương để xác định cây gì được hỗ trợ. Việc hỗ trợ phát triển theo từng loại cây trồng và để địa phương lựa chọn sẽ phù hợp hơn với lợi thế của từng vùng. Hiện cũng đã có nhiều tỉnh ban hành các chính sách khuyến khích phát triển cây vụ đông như Hà Nội hỗ trợ 50% chi phí sản xuất đậu tương, 100% tiền giống, 30% vật tư cho trồng khoai tây làm đất tối thiểu, trồng bí xanh, bí đỏ, ngô nếp lai giống mới; Vĩnh Phúc hỗ trợ 5,4 triệu đồng/ha bí đỏ, 6 triệu đồng/ha bí xanh, 7 triệu đồng/ha cà chua; Hải Phòng cũng trích gần 2,6 tỷ đồng để xây dựng 4 mô hình cánh đồng mẫu lớn vụ đông; Hưng Yên hỗ trợ 300.000 đồng/ha cây vụ đông…
Xin cảm ơn ông!
Thanh Xuân
Theo Danviet.vn
  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...