Tại sao nông sản Việt còn xa lạ với thế giới?

Thứ 7, 02/08/2014 | 15:44:29
1,361 lượt xem

Rau, quả xuất khẩu Việt Nam đang tích cực tìm kiếm thị trường mới, muốn làm được điều này phải làm chủ được công nghệ và vùng nguyên liệu.

Còn “xa lạ” với thế giới 

Theo Cục Chế biến nông lâm sản và Nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT), hiện rau, quả Việt Nam được xuất khẩu đi hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, chiếm 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch, trong khi Trung Quốc thường xuyên áp dụng các chính sách thương mại biên giới linh hoạt với các hình thức buôn bán không rõ ràng, theo các thỏa thuận bằng miệng, không có văn bản hợp đồng mua bán nên gặp không ít khó khăn và rủi ro. 


Đối tác thứ hai là Nhật Bản, chiếm khoảng 7-8% tổng kim ngạch xuất khẩu rau, quả. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là các loại rau, quả lạnh đông như: đậu nành rau, cải bó xôi, dưa chuột, nấm, sơ ri, thanh long, xoài. Vị trí thứ ba là Hoa Kỳ, chiếm khoảng 5-6% tổng kim ngạch xuất khẩu rau, quả.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), tính chung 6 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu rau, quả ước đạt 658 triệu USD, tăng 132% so với cùng kỳ 2013. Cùng thời gian này, xuất siêu 400 triệu USD rau, quả. Tại thị trường châu Âu, ngoại trừ thanh long có số lượng xuất khẩu lớn, các mặt hàng khác như bưởi, xoài, chôm chôm có khối lượng khá khiêm tốn. Các mặt hàng rau cũng đã được xuất khẩu trở lại bình thường nhưng lượng không nhiều. Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Vinafruit cho biết, cuối tháng 5 vừa qua, Đại sứ New Zealand tại Việt Nam và Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã ký kết chương trình đảm bảo chính thức xuất khẩu trái thanh long sang New Zealand. Như vậy, trong năm nay sẽ có nhiều lô hàng thanh long xuất khẩu đủ điều kiện chất lượng phục vụ người tiêu dùng thị trường này.

Mặc dù xuất khẩu rau, quả trong các tháng đầu năm tăng trưởng khá nhưng khó khăn cũng đã bắt đầu xuất hiện. Nhiều DN thừa nhận, bấy lâu nay ­­­­­­vẫn quanh quẩn với thị trường gần, chưa đầu tư xúc tiến thương mại đến các thị trường xa, thị trường mới, dẫn đến phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Vinafruit nêu lên thực tế đáng ngại: “Nhiều mặt hàng của Việt Nam khá mới lạ với một số nước châu Âu, điển hình là trái vải. Trong khi đó, ngay cả các nước lân cận như Singapore, Malaysia, Indonesia, đều nhập vải của Trung Quốc vì có giá rẻ hơn. Với mặt hàng thanh long, hiện tiêu thụ rất khó khăn, vì lâu nay, Trung Quốc mua đến 90% tổng lượng thanh long xuất khẩu của nước ta. Vì vậy, cần giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiện tại, Ấn Độ, Bangladesh được xem là các thị trường rất tiềm năng, nhưng người dân các nước này chưa biết đến trái thanh long Việt Nam”.

Hiện nay, chôm chôm và thanh long xuất khẩu rất tốt sang Hoa Kỳ. Vì vậy, Việt Nam cần đẩy nhanh đàm phán với Hoa Kỳ để có thể đưa nhiều mặt hàng khác vào thị trường này. Bên cạnh đó, thị trường Nhật Bản đang nhập tới 90% rau quả đông lạnh từ Trung Quốc. Nhật Bản mong muốn tìm thêm các đối tác khác, trong đó có Việt Nam. Hàn Quốc cũng có nhu cầu tương tự. 

Theo ông Huỳnh Quang Đấu, Phó chủ tịch Vinafruit, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), để xuất khẩu rau quả giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải làm chủ được công nghệ và vùng nguyên liệu, có như vậy rau, quả Việt Nam mới có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ… 

Chọn tiêu chuẩn quốc tế 

Từ chỗ xuất khẩu 70-80% lượng thanh long vào Trung Quốc, Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) đã chuyển hướng sang các thị trường khó tính hơn. Đến nay, 60% lượng thanh long của công ty này được xuất sang Mỹ, châu Âu và cho giá trị cao hơn nhiều. “Đặt chân vào thị trường Hoa Kỳ không đơn giản”, Giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu, ông Trần Ngọc Hiệp cho biết. Người Mỹ là đối tượng tiêu dùng khó tính nhất thế giới, họ rất sợ sâu bệnh và các chất hóa học. Mất gần 3 năm đàm phán, tháng 7/2008, Cục Kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ mới cấp phép nhập khẩu thanh long Việt Nam với điều kiện Việt Nam phải chuẩn bị hàng theo đúng tiêu chuẩn: đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ, được Hoa Kỳ chứng nhận không có sâu bệnh hại, được chiếu xạ khử trùng... Để chiếm lĩnh những thị trường khó tính, Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu đã gây dựng hàng trăm hecta trồng thanh long hữu cơ theo tiêu chuẩn GlobalGAP. 

Còn ông Trần Tấn Tài, trợ lý Ban quản trị Hợp tác xã (HTX) sản xuất và tiêu thụ bưởi Năm Roi Mỹ Hòa cho biết, sản phẩm bưởi Năm Roi của HTX vừa được tái công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP đến năm 2015. Do đạt được tiêu chuẩn GlobalGAP nên HTX nhận được rất nhiều đơn đặt hàng xuất khẩu đi các nước châu Âu. 

Hiện, quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP đang được nhiều địa phương áp dụng. Tuy nhiên, VietGap chưa được các nước trên thế giới công nhận. Vì vậy, nhiều người trong cuộc cho rằng xây dựng tiêu chuẩn an toàn cho nông sản phải theo yêu cầu của nhà nhập khẩu. PGS.TS Võ Phước Tấn, Hội Chất lượng TP.Hồ Chí Minh cho rằng, nâng giá trị cho hàng nông sản Việt Nam thông qua việc áp dụng rộng rãi các hệ thống tiêu chuẩn bảo đảm quốc tế GlobalGAP và ISO 22000 là việc làm cấp thiết nhất hiện nay. ISO 22000 trong ngành nông nghiệp được xây dựng bởi 187 quốc gia, được áp dụng từ năm 2005. Còn GlobalGAP hiện nay được hơn 123.000 nông trại và nhà sản xuất trên thế giới áp dụng. Thế nhưng, ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp, nhà sản xuất áp dụng GlobalGAP và ISO chưa nhiều. Chỉ khoảng vài chục đơn vị ở miền Tây tham gia chăn nuôi sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP. 

Mới đây nhất là chuyện đưa quả vải sang thị trường Nhật Bản. Theo quy trình hiện nay, chúng ta phải đưa cho họ một sản phẩm mẫu. Sau khi họ chấp nhận chúng ta mới ký được hợp đồng. Ngay cả khi họ đã chấp nhận thì việc đưa một sản phẩm vào một quốc gia có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe như Nhật Bản và các nước châu Âu cũng không dễ dàng. Vì thế, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân khuyến cáo nông dân trồng vải phải tổ chức sản xuất lại, phải gieo trồng, chăm bón, thu hoạch theo quy trình trước mắt là VietGAP, còn về lâu dài là những tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP. 

Muốn tham gia cuộc chơi chung, người dân và doanh nghiệp cần liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế. Chỉ khi có một phương pháp sản xuất thích hợp gắn với các tiêu chuẩn chất lượng ổn định thì nông sản Việt Nam mới vượt qua rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu một cách an toàn.

Thời gian qua, xuất khẩu rau quả luôn tăng trưởng ở mức cao và trở thành một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt gần 1,1 tỷ USD, tăng gần 200 triệu USD so với kế hoạch. Với đà này, chuyên gia dự báo, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2014 có thể đạt 1,2 tỷ USD.

 

Trần Trọng

Theo: kinhtenongthon.com.vn

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...