Phát biểu của Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng bế mạc hội nghị "Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững"

Thứ 4, 19/12/2018 | 08:32:57
713 lượt xem

Thưa Ngài Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU,

Thưa các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân,

Thưa các vị đại biểu Bộ, Ban, Ngành,

Thưa các quý Bà, quý Ông,

Sau một ngày rưỡi làm việc với tinh thần tích cực, trách nhiệm, Hội nghị về “Quốc hội và các Mục tiêu phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc” và phổ biến nội dung Bộ Công cụ đã hoàn thành mục tiêu, nội dung và chương trình đề ra.

Thay mặt Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thay mặt bà chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, tôi xin trân trọng cảm ơn Liên minh Nghị viện thế giới, Ngài Martin Chungong, Tổng Thư ký IPU và Liên hợp quốc, Ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú LHQ tại Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam, thông qua Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức thành công Hội nghị quan trọng này. Tôi cũng trân trọng cảm ơn đồng chí Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành viên Chính phủ; các cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế, các chuyên gia quốc tế; lãnh đạo các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các vị đại biểu Quốc hội và lãnh đạo Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố … đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị. Xin cảm ơn Lãnh đạo Thành phố Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị.

Kính thưa các đồng chí và các bạn,

Những tham luận, ý kiến phát biểu và thảo luận tại Hội nghị đều có nội dung sâu sắc, mang đến nhiều kiến thức, thông tin mới, nhiều đóng góp tâm huyết về những vấn đề cụ thể liên quan đến việc thực thi các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam và việc áp dụng Bộ công cụ nghị viện tự đánh giá.  

Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị đều khẳng định Bộ Công cụ tự đánh giá do IPU và UNDP xây dựng và ban hành có nội dung hết sức cô đọng, mang tính chất định hướng, có các tiêu chí cụ thể để Quốc hội các nước cùng tham khảo, áp dụng nhằm tăng cường vai trò của Quốc hội đối với việc triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở mỗi quốc gia. Đối với Bộ Công cụ, tùy điều kiện, hoàn cảnh và trình độ phát triển mà mỗi nước có thể xem xét áp dụng ở các mức độ khác nhau. Các chuyên gia quốc tế đã giới thiệu kinh nghiệm của nghị viện một số nước trong việc triển khai Bộ Công cụ này như: Fiji, Serbia, Djibouti, Mali, SriLanka, Bangladesh, Indonexia và đánh giá cao tính thực tiễn và toàn diện của nội dung Bộ Công cụ. Các kinh nghiệm quốc tế sẽ là những bài học hữu ích cho Quốc hội Việt Nam trong việc triển khai các Mục tiêu phát triển bền vững và áp dụng Bộ Công cụ tự đánh giá trong thời gian tới.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cũng khẳng định các Nghị viện thành viên đóng vai trò quan trọng vào việc thực hiện SDGs; và cho rằng, các mục tiêu SDGs, nhất là những mục tiêu liên quan tới xóa đói, giảm nghèo, bình đẳng giới, chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường v.v. là các mục tiêu tốt đẹp, hướng tới sự công bằng, phát triển toàn diện của xã hội và điều này cũng phù hợp với quan điểm phát triển của Việt Nam.

Tuy vậy, việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam còn có nhiều khó khăn và thách thức, do nguồn lực để thực hiện các SDGs là rất lớn, nhất là nguồn lực về tài chính. Hiện nay, Việt Nam vẫn chỉ đang là nước có thu nhập trung bình thấp; cơ sở dữ liệu để đánh giá, phân tích các vấn đề liên quan đến các mục tiêu còn chưa đầy đủ và đồng bộ; hệ thống các cơ quan của Quốc hội chưa có đầu mối trực tiếp phụ trách về SDGs; việc áp dụng một số tiêu chí trong Bộ công cụ để đánh giá việc thực hiện SDGs tại Việt Nam trong nhiều trường hợp còn chưa phù hợp với thực tế, ví dụ như các vấn đề liên quan đến phân bổ ngân sách, giám sát ngân sách… cần được cụ thể hóa cho phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam về quản lý ngân sách nhà nước. 

Mặc dù còn nhiều khó khăn như vậy, nhưng các ý kiến đều đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế. Thực tế, Việt Nam đã luôn là quốc gia tiên phong và là tấm gương trong việc thực hiện và hoàn thành các cam kết về phát triển bền vững trong cả khu vực và thế giới; hệ thống pháp luật của Việt Nam tương đối hoàn thiện để nội luật hóa các cam kết quốc tế hoặc bảo đảm sự tương thích với pháp luật quốc tế; Việt Nam đã hoàn thành được nhiều mục tiêu thiên niên kỷ; chấp hành Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ Việt Nam với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã có những hành động thực tế, phân công một phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phụ trách, nghiên cứu và lên kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Nay cả hệ thống chính trị và toàn xã hội ủng hộ và thống nhất ý chí trong việc thực hiện SDGs.

Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện các mục tiêu SDGs và sử dụng Bộ Công cụ có hiệu quả cho các đại biểu dân cử của Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội cần tổ chức nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo để tập huấn, cung cấp thông tin… nhằm nâng cao nhận thức của các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân về các Mục tiêu phát triển bền vững; cụ thể hóa hơn nữa các nội dung của Bộ Công cụ để việc áp dụng có tính hiệu quả và khả thi cao tại Việt Nam. Quốc hội cũng cần có cơ chế giám sát việc thực thi SDGs hiệu quả thông qua việc tổ chức giám sát chuyên đề hoặc lồng ghép trong việc giám sát các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước; tăng cường hơn nữa nhiệm vụ giải trình của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội trong việc thực hiện SDGs; đánh giá và quan tâm sâu sát hơn nữa các vấn đề thực hiện SDGs ở các địa phương để kịp thời có những giải pháp cho phù hợp; nâng cao nhận thức và quyết tâm chính trị lan tỏa đến mọi người dân và toàn xã hội về lợi ích của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Chúng tôi mong muốn IPU, UNDP và các tổ chức quốc tế, các nghị viện thành viên của IPU tiếp tục hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam thực hiện thành công các hoạt động này trong thời gian tới.

Chúng ta khẳng định quyết tâm chính trị của của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, “Không có ai bị bỏ lại phía sau” và Việt Nam mong muốn sẽ nghiên cứu sử dụng Bộ Công cụ của IPU để Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện công tác giám sát một cách hiệu quả.

Do vậy, Hội nghị lần này là dịp quan trọng để Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp tục xây dựng kế hoạch hành động nhằm tham gia sâu hơn vào việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ cấp quốc gia, phù hợp với những ưu tiên, yêu cầu và hoàn cảnh phát triển của mỗi địa phương.

Tôi tin rằng những kết quả đạt được của Hội nghị sẽ là những tài liệu quan trọng, những kinh nghiệm quý báu để các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sử dụng trong quá trình tham gia hoạch định, quyết định chính sách vì các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam.

Một lần nữa, tôi trân trọng cảm ơn ngài Tổng thư ký, các vị khách quốc tế, các đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố; đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương. Trước thềm Năm mới 2019, xin kính chúc các quý vị đại biểu và gia đình một Năm mới mọi điều tốt đẹp. Xin chúc Ngài Tổng Thư ký và quý vị khách quý, các quý bà, quý ông, các vị đại biểu sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị.

Xin trân trọng cảm ơn!

Theo Quochoi

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...