Múa rối Việt Nam trên hành trình hội nhập quốc tế

Thứ 2, 19/10/2015 | 08:28:06
2,022 lượt xem

Sau bảy ngày diễn ra sôi nổi tại Hà Nội, Liên hoan Múa Rối quốc tế lần thứ tư- 2015 đã bế mạc tối 16-10. Đây thật sự là “bữa tiệc nghệ thuật” mang đậm bản sắc văn hóa của các nước. Thêm một lần nữa, rối Việt Nam lại có cơ hội nhìn lại mình để tiếp thu và phát triển.

Cảnh trong vở rối Vũ điệu hoa quỳnh của Nhà hát Múa Rối Việt Nam.
Cảnh trong vở rối Vũ điệu hoa quỳnh của Nhà hát Múa Rối Việt Nam.

Gần 20 chương trình rối đặc sắc lần lượt được 12 đơn vị nghệ thuật trong, ngoài nước thể hiện những ngày qua làm nức lòng người xem bởi tính đa dạng, độc đáo và tiêu biểu. So với những liên hoan trước, số lượng các đoàn rối Việt Nam tham dự lần này có giảm đi (chỉ còn ba đơn vị nghệ thuật), nhưng số lượng tác phẩm dự thi vẫn bảo đảm: Nhà hát Múa Rối Việt Nam mang đến các vở: rối cạn Tôn Ngộ Không, Vũ điệu hoa quỳnh, rối nướcChuyện tình Dạ Trạch; Nhà hát Múa Rối Thăng Long mang đến các vở: rối cạnHào quang từ quá khứ, Trái tim người mẹ, rối nướcBay lên từ mặt nước; Đoàn Nghệ thuật Múa Rối Hải Phòng mang đến vởĐảo giấu vàng. Điều đáng nói là 100% các vở diễn của Việt Nam đều mới tinh, không tác phẩm nào được dàn dựng lại.

Liên hoan Múa Rối quốc tế năm nay được xác định là sự kiện lớn hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia 2015 với chủ đề “Kết nối di sản thế giới”. Dựa trên tinh thần này, điểm cộng đáng ghi nhận của các vở rối Việt Nam là đưa vào nhiều cách tân, làm mới rối truyền thống, thể hiện đậm nét tinh thần hội nhập văn hóa. Nhà hát Múa Rối Việt Nam đã dũng cảm nghiên cứu, phục dựng hình thức múa rối dây, vốn “đứt gánh” từ lâu, trongVũ điệu hoa quỳnh, tạo nên những biến hóa kỳ diệu trong tạo hình rối với việc điều khiển 14 dây. Vẫn sử dụng những tích kinh điển của Việt Nam như Thạch Sanh, Tấm Cám, Thánh Gióng, nhưngHào quang từ quá khứ(Nhà hát Múa Rối Thăng Long) lại thổi vào sân khấu rối tinh thần hiện đại của sự giao thoa văn hóa khi đặt trong bối cảnh một vị khách quốc tế đến Việt Nam tham gia tọa đàm về văn hóa truyền thống. Nhà hát Múa Rối Việt Nam còn khai thác cả hình tượng Tôn Ngộ Không trong tác phẩmTây du kýcủa Trung Quốc, được thiếu nhi các nước yêu thích…

VởTrái tim người mẹđược Nhà hát Múa Rối Thăng Long dàn dựng dựa trên truyện cổ tích Hai cây phongcủa xứ sở bạch dương, công chúng có thể cảm nhận được phong cách Nga trong từng chi tiết… Lâu nay, rối nước vốn được coi là “đặc sản” độc quyền của Việt Nam. Song không vì thế mà những nghệ sĩ rối nước Việt Nam ngừng sáng tạo. VớiChuyện tình Dạ Trạch, Nhà hát Múa Rối Việt Nam đã mang đến những trải nghiệm thú vị cho người xem khi tích hợp ngôn ngữ biểu diễn rối nước với nghệ thuật sắp đặt và trình chiếu hoạt hình cắt giấy. Đặc biệt, vớiBay lên từ mặt nước, lần đầu, Nhà hát Múa Rối Thăng Long táo bạo đưa cả màn đấu bò tót, đậm chất Tây Ban Nha và trích đoạnHồ thiên ngatrong vở ba-lê kinh điển của nhà soạn nhạc vĩ đại người Nga Chai-cốp-xki lên sân khấu, đem lại nhiều ngạc nhiên cho công chúng. Trong lúc rối nước Việt Nam vẫn luôn “cô đơn” với những tạo hình con giống quen thuộc, với những tích trò lặp đi lặp lại như đi cấy, úp cá, chăn vịt, múa rồng phượng…, việc tái hiện những nét văn hóa đặc sắc của thế giới trên sân khấu ao làng của Việt Nam được coi là hướng đi sáng tạo để làm mới sân khấu rối nước truyền thống, vừa thể hiện nghệ thuật dân gian Việt Nam, vừa đáp ứng tinh thần hội nhập văn hóa.

Tại liên hoan năm nay, những tiết mục rối Việt Nam có phần quy mô hơn về mặt dàn dựng, sân khấu, âm nhạc so với các tiết mục rối quốc tế. Theo NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu, Việt Nam không có đối thủ để so sánh về mặt lực lượng trong liên hoan năm nay. Do có sẵn địa điểm, nhân sự, Việt Nam có điều kiện để dàn dựng một cách quy mô tất cả các vở diễn. Thậm chí, Nhà hát Múa Rối Thăng Long còn đưa cả dàn nhạc dân tộc hùng hậu tới phục vụ biểu diễn. Trong khi đó, các đoàn rối đến từ Nga, Anh, Thái-lan, Mi-an-ma, Cam-pu-chia, Đức, Lào, Bỉ, Phi-li-pin chỉ có thể tham dự với số lượng rất ít diễn viên, đạo cụ gọn nhẹ, sân khấu bài trí đơn giản. Tất nhiên, mỗi tiết mục rối đều thể hiện được thế mạnh riêng của từng quốc gia, nhưng với sự đầu tư khác nhau, mọi sự so sánh đều khó. Trong Liên hoan múa rối trước, đoàn Trung Quốc mang đến nhiều tiết mục rối que vốn là thế mạnh của nước này. Vì thế, các nghệ sĩ Trung Quốc và Việt Nam có nhiều điều kiện để trao đổi, học tập nhau về động tác, cách tạo hình con rối… Nhưng trong liên hoan năm nay, hầu hết tiết mục dự thi của nước bạn không có hình thức rối que; rối
dây thì có đoàn Thái-lan và Mi-an-ma biểu diễn, song đây là những đoàn rối được tổ chức theo hình thức nhóm hay gia đình, không phải đoàn rối trung ương đại diện cho một quốc gia.

Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật của Liên hoan Ngô Quỳnh Giao cũng nhận xét: “Nhiều tiết mục sử dụng lời nói quá nhiều, thiếu trò diễn, thiếu hoạt động. Sự mượn, pha trộn người thật hoặc các loại hình nghệ thuật khác vào vở diễn đôi khi lấn át con rối, không phát huy sở trường, khả năng con rối”. Chẳng hạn, tiết mục của đoàn rối đến từ Bỉ và Đức sử dụng các đạo cụ như ô, mũ, làm ảo thuật… khiến người xem có cảm giác đây là chương trình để biểu diễn đường phố nhiều hơn là một tiết mục sân khấu rối thật sự mang ra thi thố.

Dẫu vậy, không thể phủ nhận, Liên hoan Múa Rối quốc tế 2015 đã tạo động lực mạnh mẽ để rối Việt Nam có những sáng tạo mới, nhất là thể nghiệm đáng ghi nhận khi đưa văn hóa quốc tế lên sân khấu rối truyền thống. Tuy nhiên, NSND Lê Tiến Thọ cũng lưu ý: Dù sáng tạo dưới hình thức nào, vẫn phải giữ được bản sắc. Nói như cách của nhà văn Nguyễn Minh Châu là: “Hãy cứ đi đến tận cùng cái của ta, ta sẽ gặp được nhân loại”. Bên cạnh đó, việc các đoàn rối quốc tế mang đến những diễn viên nhí chỉ ở tuổi lên sáu, lên tám với kỹ năng điều khiển rối thuần thục cũng mang đến nhiều gợi ý cho Việt Nam trong việc truyền nghề, bồi dưỡng, phát triển lớp nghệ sĩ nhỏ tuổi.

Đến thời điểm này, rối nước và rối cạn Việt Nam đã khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng của mình với thế giới. Tuy nhiên, để bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa rối Việt Nam, biến rối thành sản phẩm văn hóa đặc sắc thu hút du lịch, mang lại nguồn lợi kinh tế, đòi hỏi nghệ thuật rối phải không ngừng đổi mới dựa trên sự kế thừa tinh hoa truyền thống. Từ Liên hoan Múa Rối quốc tế lần này, các đoàn rối Việt Nam có thể tiếp thu, nghiên cứu thêm các hình thức múa rối của các nước bạn như rối dây, rối bóng, học tập cách kết hợp ngôn ngữ rối với nhiều loại hình nghệ thuật khác như: âm nhạc, ảo thuật, tương tác, trình chiếu… làm tăng tính hấp dẫn cho nghệ thuật rối.

Ngô Thanh Thủy

Giám đốc Nhà hát Múa Rối Việt Nam

TRANG ANH
(Nhandan.com.vn)


  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...