Nỗi lòng rối cạn

Thứ 6, 21/11/2014 | 08:41:34
1,856 lượt xem

Vừa qua, tại Lễ hội Múa rối thế giới, vở rối cạn "Nhịp điệu quê hương” do Nhà hát Múa rối Việt Nam trình diễn đã giành giải thưởng xuất sắc (giải thưởng cao nhất tại Lễ hội này). Nhưng có lẽ từng ấy vẫn chưa đủ để làm tan đi những ưu tư trong lòng các nghệ sĩ theo nghiệp rối cạn.


Các nghệ sĩ Đoàn nhà hát Múa rối Việt Nam tại Lễ hội Múa rối thế giới 
Nếu như rối nước Việt Nam đã trở thành sản phẩm du lịch được nhiều du khách nước ngoài biết đến, thì lâu nay rối cạn có rất ít cơ hội được quảng bá. Gặp những người nghệ sĩ của Nhà hát Múa rối Việt Nam vừa trở về từ Lễ hội Múa rối Thế giới được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan), từ thế hệ "lão làng” đến các diễn viên trẻ hầu như ai vẫn còn nguyên cảm xúc bồi hồi và bất ngờ trước chiến thắng đầu tiên của múa rối cạn Việt Nam tại đấu trường quốc tế. Đó là một lễ hội đẳng cấp thế giới, có sự tham gia của 80 quốc gia với 120 tiết mục. Việc vở diễn "Nhịp điệu quê hương” trong lần đầu ra mắt đã trở thành một "hiện tượng” đã khiến chính những nghệ sĩ Việt Nam cũng bất ngờ. Theo NSƯT Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam: "Rối cạn của Nga, Czech, Nhật Bản, Trung Quốc… đã nổi tiếng từ rất lâu, thậm chí chúng ta còn phải sang nước bạn học hỏi. Thế nên khi rối cạn Việt Nam  lọt được vào "top 3” cùng với đoàn rất mạnh Nga và Ai Len chúng tôi đã thấy mừng lắm rồi. Không ngờ chiến thắng lại gọi tên Việt Nam”. 
Ý nghĩa hơn, vở diễn "Nhịp điệu quê hương” là sự kết hợp của nhiều  thế hệ nghệ sĩ hiện đang làm việc ở Nhà hát. Vở diễn được dàn dựng dựa trên một số làn điệu dân ca truyền thống, gần gũi với đời sống sinh hoạt của người nông dân Việt Nam. Chất liệu được lựa chọn là mây tre đan làm điểm nhấn trọng tâm, con rối hình thành từ những vật dụng quen thuộc trong đời sống thường ngày. 
Vẫn theo NSƯT Nguyễn Tiến Dũng, thông qua một vở diễn, rối cạn Việt Nam được đánh giá cao ở sân khấu quốc tế, nhưng điều này lại trở thành áp lực cho những người nghệ sĩ- khi phải tìm cách tiếp cận và quảng bá rối cạn cho khán giả trong nước. Đó chính là thách thức.
Nhà hát Múa rối Việt Nam được xếp vào trong những đơn vị "sống khỏe” với nghề. Nhưng cũng giống như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, rối cạn cũng đang loay hoay trong việc tiếp cận khán giả. Hiện đối tượng phục vụ của nhà hát chủ yếu phục vụ khán giả là thiếu nhi và ít khách du lịch nước ngoài. Mặc dù đã cố gắng làm mới các vở diễn cho hợp với xu thế phát triển của xã hội; đưa rối cạn đi lưu diễn khắp nơi, nhưng thực sự chưa có những đột phá được nhìn thấy rõ rệt. Ông Dũng ngậm ngùi: thậm chí  có những chương trình biểu diễn miễn phí mà khán giả cũng vẫn thờ ơ. 
Như vậy, cho dù gặt hái thành tích khi tham dự liên hoan quốc tế, nhưng rối cạn vẫn loay hoay cho dù đã rất nỗ lực đi tìm khán giả.
Hoàng Minh
Daidoanket.vn


  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...