Hội nghị trực tuyến phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình

Thứ 6, 15/07/2016 | 14:59:58
765 lượt xem

Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến Toàn quốc triển khai kế hoạch phát triển mô hình Phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016 – 2020. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến; Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn chủ trì hội nghị. Tại điểm cầu Thái Bình, lãnh đạo Sở Y tế, BHXH tỉnh, Giám đốc Trung tâm Y tế các huyện, thành phố dự hội nghị.

Điểm cầu tại Hà Nội.

Sau 3 năm thực hiện thí điểm tại 8 tỉnh, thành phố, Bộ Y tế có kế hoạch nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình ra toàn quốc, bảo đảm đến năm 2020 có ít nhất 80% số tỉnh, thành phố triển khai mô hình này.

Điểm cầu tại Thái Bình.

Tại hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Năm 1960, y học gia đình ra đời ở Mỹ, Anh và một số nước, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu. Ở nhiều nước 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân do bác sĩ gia đình đảm nhận.

Tại Việt Nam, từ năm 2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Hoạt động bác sĩ gia đình đã bước đầu được tổ chức tại một số thành phố nhưng còn nhỏ, lẻ, chưa đầy đủ nguyên lý của y học gia đình.

Mô hình bác sĩ gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tính đến tháng 6/2016, đã có 336 phòng khám bác sĩ gia đình được thành lập tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương so với chỉ tiêu đề ra ban đầu là 80 phòng khám. Trong đó có 234 phòng khám bác sĩ gia đình công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế (chiếm 98,33%), đã thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) do các cơ sở khám chữa bệnh này đang được tham gia cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT.

Các phòng khám bác sĩ gia đình đã tổ chức hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình, phạm vi hoạt động chuyên môn của phòng khám bác sĩ gia đình theo mô hình của Bộ Y tế quy định: Thực hiện khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám sàng lọc và bước đầu quản lý sức khỏe cho các cá nhân và gia đình và cộng đồng, hướng tới quản lý toàn diện và liên tục. Tại các phòng khám bác sĩ gia đình, người dân được tư vấn chu đáo, hướng dẫn tận tình.

Xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục, thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện. Đến hết năm 2015, cả nước đã thành lập được 240 phòng khám bác sĩ gia đình tại 6 tỉnh, thành phố. Mô hình phòng khám được triển khai theo hướng lồng ghép, tích hợp với trạm y tế xã.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đề nghị ngành y tế cần tập trung vào các nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các trạm y tế xã để làm nền tảng cho việc thành lập mô hình phòng khám bác sĩ gia đình; đầu tư trang thiết bị phù hợp với nhu cầu của từng trạm, từng khu vực; có cơ chế thu hút bác sĩ tham gia công tác tại trạm. Đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở, thống nhất chi tiết giữa BHXH, Bộ Y tế và Bộ Tài chính. Chú trọng vào các khâu khám chữa bệnh BHYT, tránh để vỡ quỹ. Tập trung điều chỉnh cơ chế thực hiện mô hình phòng khám bác sĩ gia đình sao cho phù hợp hơn với Việt Nam để rút ngắn lộ trình triển khai kế hoạch.

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...