Đừng lơ là với vi khuẩn uốn ván!

Thứ 2, 26/01/2015 | 08:59:36
1,017 lượt xem

Chủ quan cho rằng vết thương nhỏ nên không ít người đã phải nhập viện trong tình trạng cứng cổ, co giật, hôn mê… do nhiễm trùng uốn ván

Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới trung ương thời gian gần đây đã tiếp nhận nhiều ca bệnh uốn ván. Có những trường hợp mắc uốn ván với nguyên nhân hết sức đơn giản như bị dằm đâm vào tay hay một vết xước nhỏ trong lúc lao động, chơi thể thao.

Suýt chết chỉ vì giẫm phải đinh

Bệnh nhân Nguyễn Văn C. (17 tuổi) ở Thái Bình là một trong những ca bệnh uốn ván nặng điều trị tại Khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới trung ương. Trước đó, anh C. đi đá bóng cùng bạn và không may giẫm phải đinh. Thấy vết thương nhỏ, nghĩ chẳng ăn nhằm gì nên anh chỉ rửa chân qua loa. Thế nhưng 5 ngày sau, anh có biểu hiện đau cổ, gáy, cứng hàm, co giật. Gia đình vội đưa đến BV gần nhà nhưng do tình trạng bệnh diễn biến nặng nên anh C. được chuyển tiếp lên BV Bệnh nhiệt đới trung ương.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu ở đây, cho biết bệnh nhân nhập viện đã hơn 1 tuần nhưng vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, tăng trương lực cơ, toàn thân co giật, phải dùng thuốc an thần liều cao. Tiếp đó, bệnh nhân được mở khí quản, thở máy. Tuy nhiên, do có bội nhiễm phổi nên việc điều trị phức tạp, tiên lượng bệnh nhân phải nằm điều trị ít nhất 1 tháng với chi phí cả trăm triệu đồng.

Cũng tại Khoa Cấp cứu này, một trường hợp khác nhập viện do uốn ván là bệnh nhân Trần Thị M., 65 tuổi ở Bắc Giang. Theo người nhà bệnh nhân, 2 tuần trước khi nhập viện, bà M. bị gạch rơi vào chân, chảy máu. Dù đã rửa bằng ôxy già và băng bó vết thương nhưng 1 tuần sau, bà M. thấy cứng hàm, khó há miệng nên vào BV huyện điều trị. Sau 3 ngày, bệnh tăng nặng, co giật nhiều cơn, bệnh nhân được chuyển lên BV Bệnh nhiệt đới trung ương trong tình trạng co cứng cơ toàn thân, co giật liên tục và có thể phải điều trị kéo dài. Nằm cùng phòng với bà M., một thanh niên 28 tuổi ở Hà Nam cũng bị uốn ván phải thở máy vì một vết thương ở mu bàn chân do tai nạn giao thông.

Bệnh uốn ván là tình trạng nhiễm khuẩn nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao
Bệnh uốn ván là tình trạng nhiễm khuẩn nguy hiểm, tỉ lệ tử vong cao

Vi khuẩn uốn ván ở khắp nơi

Bác sĩ Cấp cho biết bệnh uốn ván là tình trạng nhiễm khuẩn nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong cao gây ra bởi một độc tố protein mạnh là tetanospasmin do Clostridium tetani tiết ra. Vi khuẩn gây uốn ván có ở mọi nơi trong đất, cát, bụi; phân trâu, bò, ngựa và gia cầm; nơi cống rãnh hay dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ… Trong các môi trường này, vi khuẩn uốn ván dễ dàng xâm nhập vào các vết thương hở dù chỉ là trầy xước. “Đáng lưu ý là nha bào uốn ván có thể tồn tại nhiều năm trong môi trường, chỉ bị tiêu diệt trong nước sôi 30 phút, trong môi trường dung dịch sát khuẩn 20 phút. Khi lọt được vào trong vết thương yếm khí (vết thương bị dập nát dính cát bẩn, không có không khí, vết thương bị băng bó chặt, bó lá...), nha bào trở thành vi khuẩn, tiết độc tố uốn ván. Các độc tố này sẽ xâm nhập vào cơ thể, đi vào hệ thần kinh và gây ra co cứng cơ hoặc co giật cơ khi có kích thích, rất nguy hiểm” - bác sĩ Cấp nhấn mạnh.

Bệnh khởi phát sau chấn thương từ 3-14 ngày. Triệu chứng của bệnh thường là trương lực cơ và co cứng toàn thân. Lúc đầu tăng trương lực cơ ở các cơ nhai, nuốt hay đau các cơ cổ, vai, lưng. Kế tiếp, các cơ khác cũng bị tăng trương lực gây cứng bụng và cứng các chi.

Giới chuyên môn cho biết hiện nay, đa phần bệnh nhân bị nhiễm trùng uốn ván là nam giới, tập trung ở lứa tuổi thanh niên và trung niên. Lý giải điều này, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, BV Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết hầu hết phụ nữ mang thai đã được tiêm vắc-xin uốn ván nên đã có kháng thể bảo vệ. Đối với nam giới, dù đã được tiêm vắc-xin từ lúc còn nhỏ nhưng sau một thời gian dài (khoảng 10 năm), hiệu lực bảo vệ của vắc-xin sẽ giảm nên dễ mắc bệnh uốn ván. Cách tốt nhất để phòng bệnh uốn ván là tiêm vắc-xin phòng bệnh sau 10 năm. Nếu chẳng may bị thương tích, cần lấy hết dị vật ở vết thương ra, sau đó nên đi tiêm ngay huyết thanh chứa kháng thể uốn ván và vắc-xin phòng uốn ván.

Người bệnh ngày càng tăng

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, trước đây, uốn ván từng là căn bệnh phổ biến nhưng nay ít gặp hơn nhờ có vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên, về bản chất, sự nguy hiểm của căn bệnh này vẫn chưa cho phép lơ là. BV vẫn thường xuyên tiếp nhận các ca uốn ván nặng mà đối tượng mắc bệnh thuộc nhiều thành phần như học sinh, sinh viên, công nhân, nông dân, bộ đội… Đáng lưu ý là số người nhiễm bệnh có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây. Phổ biến nhất là nhóm nam giới và người lao động chân tay, do đặc thù công việc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động cao nhưng lại không được tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ. Hầu hết các trường hợp nhập viện đều bị các vết thương do tai nạn sinh hoạt (cành tre đâm bàn chân, tay; vết thương do mảnh sành, gạch, ngói, đinh, vít), sau đó họ tự xử trí bằng rửa nước và băng bó, không tiêm phòng uốn ván.

Bài và ảnh: Ngọc Dung
nld.com.vn


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...