Phục hồi và chăm sóc rau màu sau bão

Thứ 7, 30/07/2016 | 16:12:45
1,227 lượt xem

Sau khi bão số 1 tan, nông dân huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình tập trung khắc phục thiệt hại nhằm bảo vệ thành quả lao động, tiếp tục ổn định sản xuất.

Diện tích hành tại xã Quỳnh Hải bị ảnh hưởng của bão số 1 phải thu hoạch sớm.

Theo lịch thời vụ thì một tuần nữa ruộng hành của bà Nguyễn Thị Nghì (thôn An Phú 1, xã Quỳnh Hải) mới thu hoạch được. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơn bão số 1 nên 3 sào màu của gia đình bà gần như bị hư hỏng hoàn toàn. Để khắc phục thiệt hại, vợ chồng bà phải thu hoạch sớm hơn so với dự kiến. Dù giá bán không cao nhưng được đồng nào hay đồng ấy, còn hơn là để thối ra ruộng. Với những cây bị gẫy thân, dập lá, vợ chồng bà sẽ cắt lại gốc để tiếp tục trồng, bà Nghì buồn rầu chia sẻ: “Thôi thì cứ vớt vát được chút nào thì hưởng lợi được chút ấy.”

Bà Nguyễn Thị Nghì (thôn An Phú 1, xã Quỳnh Hải) thu hoạch hành sớm so với dự định.

Tranh thủ nước rút, ông Nguyễn Văn Lệ cùng thôn với Bà Nghì ra chằng buộc lại 1 sào mướp đắng của nhà mình. Điều mà ông Lệ lo lắng nhất lúc này là sau mưa, bão lượng nước tích tụ trong đất vẫn cao, do vậy, khi nắng to càng khiến cho cây màu dễ bị héo, kém sức sống.

Với kinh nghiệm của một nhà nông trồng màu lâu năm, ông Nguyễn Văn Lệ cho biết: “Cái mướp đắng này của nhà thôi thì vẫn phục hồi được, thế nhưng còn bí, hành lá là không phục hồi được, giờ chỉ thu gom lại được ít nào và mua giống về trồng tiếp.”

Sau mưa bão, nhiều đối tượng sâu bọ phát sinh gây hại, ngành nông nghiệp huyện Quỳnh Phụ khuyến cáo bà con nông dân chú ý phòng trừ kịp thời các bệnh như: lở cổ rễ hại ớt, dưa, bí; khi ruộng khô nước, cần xới phá váng nhẹ trên mặt luống tạo điều kiện cho cây hút dinh dưỡng bình thường.

Ông Nguyễn Đình Triệu - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quỳnh Phụ đưa ra nhận định: “Do ảnh hưởng của bão thì bộ rễ, bộ lá bị tổn thương, vì vậy, mà một số loại bệnh gây hại. Chúng tôi khuyến cáo bà con thăm, kiểm tra và phun trừ, phòng trừ các loại bệnh cho lúa và hoa màu.”

Với những diện tích rau màu mà vẫn còn có thể khôi phục được, để tránh tình trạng mưa xuống, nắng lên, khiến cho cây bị thối thì người nông dân tại đây đã sử dụng những tấm lưới nilon để che, chắn cho cây khỏi bị nắng, tiếp tục bảo vệ thành quả lao động của mình, ổn định sản xuất.

 

*Cơn bão số 1 kèm theo lượng mưa lớn khiến hàng ngàn hecta rau màu bị hư hại, kéo theo đó là nhiều hộ nông dân trắng tay sau bão. Hiện nay, nông dân trên các cánh đồng màu của tỉnh Thái Bình đang khôi phục lại sản xuất.

Khu rau màu của gia đình Bà Nguyễn Thị Mơ.

Bà Nguyễn Thị Mơ (xóm 4, xã Vũ Phúc, Thành phố Thái Bình) gieo trồng hơn 4 sào rau các loại. Tuy nhiên, sau cơn bão số 1, chỉ còn lại duy nhất một luống rau mùi là chưa bị dập nát. Dưới cái nắng gắt sau bão, bà Thơm cặm cụi lật lớp rạ che rau với hy vọng "Còn cây nào bật lên được thì bật ". Bà Mơ cho biết “ Vốn giống của chúng tôi đã đầu tư hết ra trồng màu rồi, bây giờ là rất khó khăn. Vốn giống nó cũng đắt lắm, toàn giống mùi, giống hành toàn trên 100.000 đồng/ 1kg. Để tái sản xuất, chúng tôi lại phải đi vay mượn vốn chứ dân bây giờ bỏ hết ra đồng rồi coi như là mất hết không còn cái gì.”

Cùng chung cảnh ngộ với gia đình bà Thơm, 4 sào rau cải bẹ, rau diếp của  gia đình ông Mai Văn Tăng (xóm 8, thôn Cự Phú) cũng trôi theo mưa bão. Bây giờ ông chỉ còn biết khẩn trương cải tạo đất để sớm tái sản xuất. Ông Tăng chia sẻ:“Gieo mấy luống rau giống bây giờ thiệt hại, hỏng hết ,chả còn cái gì, thôi thì khắc phục làm lại từ đầu thôi. Chúng tôi lại cuốc lên, rắc phân lại, lại gieo hạt giống chứ chả làm được cái gì  cả.”

 Ông Phùng Văn Sở che chắn bảo vệ rau màu.

Trên cánh đồng rau Vũ Phúc chỉ còn sót lại một vài luống rau chưa bị dập nát bởi người nông dân đã có sự đầu tư kỹ lưỡng để bảo vệ rau màu. Gia đình ông Phùng Văn Sở đầu tư 2 triệu đồng mỗi sào tiền cọc và bạt để che chắn cho rau, quyết tâm không để mất trắng. Tuy nhiên, gieo trồng 1,2 mẫu rau màu, gia đình ông cũng chỉ đủ khả năng để đầu tư che chắn cho 4 sào gồm cải bẹ, rau mùi và xà lách, và 4 sào này cũng chỉ cho thu hoạch được 60 - 70% .

Ông Sở phấn khởi khoe: “Sau bão nhà tôi vẫn tiếp tục che chắn để nắng to cây của tôi đảm bảo không héo mà sẽ tươi trở lại bình thường, phải làm che chắn lại, chỉnh đốn lại lưới và che tầm cao lên. Rau sẽ ổn định và ra thị trường vẫn cứ ngon  mắt,  ngon miệng.”

Theo số liệu thống kê của HTX dịch vụ nông nghiệp  xã Vũ Phúc có khoảng 45 ha chuyên canh rau màu, tuy nhiên, gần như toàn bộ diện tích này đã bị thiệt hại sau cơn bão số 1. Không những thế, sau bão, mưa nắng thất thường khiến cho việc gieo trồng đợt rau mới của người nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn.  

  • Từ khóa
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản

Chiều nay 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường và một...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...