Lưu ý về gieo thẳng cho vụ mùa 2016

Thứ 6, 24/06/2016 | 17:04:01
1,217 lượt xem

Xu hướng những năm gần đây bà con đã chuyển dần từ cấy sang gieo thẳng, không chỉ ở vụ xuân mà ngay cả ở vụ mùa. Vậy để gieo thẳng thành công trong vụ mùa 2016 bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:

1. Thời vụ:

Vụ xuân 2016, lúa trỗ chậm hơn khoảng 5-7 ngày so với năm trước. Các địa phương cần tranh thủ thời vụ để làm đất và gieo. Lịch gieo từ 20-25/6/2016 đối với trà sớm, từ 01-05/7/2016 đối với trà trung, trong điều kiện năm nay trà trung có thể gieo các giống ngắn ngày đến ngày 10/7/2016. Không nên gieo cấy quá muộn, mưa sớm (trung tuần tháng 7), cây chưa kịp bám rễ sẽ bị ảnh hưởng. Lựa chọn các giống có khả năng chống chịu tốt với bệnh bạc lá. Các giống có thời gian sinh trưởng dài nên gieo đầu lịch.

Lựa chọn các giống có khả năng chống chịu tốt với bệnh bạc lá.

2. Ngâm, ủ mộng mạ:

Vụ mùa mưa, bão nhiều, thời tiết nắng, nóng nếu mật độ quá dày, bông lúa nhỏ, ít bông, cây dễ bị đổ và đối tượng rầy nâu, khô vằn sẽ gây hại nặng. Do đó, cần khống chế lượng thóc giống ngay từ ban đầu.

Tuyệt đối không được ủ kín mộng mạ, tiến hành để nơi thoáng mát, dùng mảnh bao gai hoặc mảnh vải ẩm đậy lại khoảng 16 đến 18h.

   - Lượng giống chuẩn bị ngâm ủ: Đối với lúa thuần hạt to: 1,2 – 1,5kg/sào. Lúa thuần hạt nhỏ  1-1,2kg/sào, lúa lai 0,8-1kg/sào

   - Tùy theo giống lúa mà thời gian ngâm là khác nhau. Nếu lúa thuần, ngâm khoảng 48-72 giờ, còn lúa lai ngâm khoảng  8-12 giờ. Trong quá trình ngâm bà con thường xuyên thay nước đến khi hạt úng mép thì kết thúc quá trình ngâm.

   - Ngâm, ủ đến khi hạt thóc có mầm bằng 1/3 đến 1/2 hạt thóc, rễ dài gấp đôi mầm là có thể đem gieo.

Mầm bằng 1/3 đến 1/2 hạt thóc, rễ dài gấp đôi mầm là có thể đem gieo.

   - Ủ mộng mạ: Bà con lưu ý vì thời tiết mùa hè rất nóng, bà con tuyệt đối  không được ủ kín mộng mạ mà tiến hành để nơi thoáng mát, dùng mảnh bao gai hoặc mảnh vải ẩm đậy lại khoảng 16 đến 18h. Sau khi thấy hạt đã nứt nanh  thì kết thúc quá trình ủ.

   - Điều chỉnh mầm và rễ cân đối: sau khi hạt thóc đã nứt nanh tiến hành: ngày vớt lên để nơi thoáng mát, ban đêm ngâm sâu trong nước. Cứ làm như vậy khoảng 2-3 ngày đến khi có mộng và rễ cân đối thì mang đi gieo.

3. Làm đất, bón phân và gieo mộng:

Trong vụ mùa, quan trọng nhất là phải quy hoạch thành vùng trên chân đất vàn, vàn cao đảm bảo chủ động tưới tiêu. Năm nay, thời gian giải phóng đất rất ngắn nên khi thu hoạch lúa xuân không được để mất lấm, thu hoạch đến đâu làm đất đến đó. Lượng rơm rạ trên đồng nhiều bà con có thể sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ hoặc vôi bột 20-25kg/sào để vãi trước khi lồng dập rạ.

Ruộng gieo thẳng cần bừa kỹ, bón phân lót và san phẳng mặt ruộng.

   - Bón phân lót: Trước khi bừa cấy từ 1-3 ngày, phải bón toàn bộ phân chuyên lót, như phân có tỷ lệ 6:11:2 hay 5:10:3, lượng bón nhiều hơn ruộng cấy. Tận dụng nguồn phân hữu cơ nếu có hoặc sử dụng phân vi sinh để thay thế. Để tránh hiện tượng rửa trôi và bay hơi, tránh cho lúa đổ ngã và đói ăn cuối vụ, bà con nên sử dụng phân NPK với lượng từ 20 -25 kg/sào, nên bón lót ngay khi bừa lần cuối, lúc này bùn còn rất lỏng, phân sẽ chìm sâu hơn.

Ruộng trước khi gieo nên tháo cạn, để đủ ẩm, tránh ứ đọng trên mặt luống, gây hiện tượng thối mộng.

   - Làm đất: đất cho gieo thẳng thì phải bừa kỹ hơn so với ruộng cấy. Sau khi bừa xong, bà con be bờ giữ nước tạo rãnh thoát nước xung quanh ruộng. Chờ khi bùn lắng, nước trong, tháo cạn nước đi rồi chia các luống với chiều rộng từ 2-2,5m. Do đặc điểm thời tiết vụ mùa nhiệt độ cao, trời nắng nóng, hay gặp các trận mưa bất thường, vì vậy bà con cần lên luống dạng mu rùa để thoát nước nhanh và đặc biệt tránh ứ đọng trên mặt luống, gây hiện tượng thối mộng.

4. Kỹ thuật gieo thẳng:

Tại Thái Bình, phương thức gieo chủ yếu vẫn là gieo vãi. Phương thức này vừa tiện lợi, vừa tiết kiệm lại dễ làm. 

Tại Thái Bình, phương thức gieo thẳng chủ yếu vẫn là gieo vãi.

  - Trước khi tiến hành gieo, bà con làm lầm mặt luống để hạt thóc dễ bám và mọc nhanh hơn. Chia lượng giống đều cho các luống, rắc đi rắc lại nhiều lần sao cho các hạt được rắc đều trên mặt luống, để đảm bảo được khoảng cách trung bình hạt cách hạt từ 8-10 cm. Gieo úp tay để hạt mộng tiếp xúc với đất nhiều hơn. Tốt nhất gieo vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để mộng mạ nhanh ngồi, ít bị ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng ban trưa. 

Gieo úp tay để hạt mộng tiếp xúc với đất nhiều hơn.

  - Bà con lưu ý: Đối với mộng mạ dự phòng sau khi gieo xong còn thừa, bà con không nên vãi đều ra khắp các luống mà nên tập trung vào một góc ruộng để thuận tiện trong khâu nhổ dặm sau này.

5. Chăm sóc sau gieo:

Sau khi gieo xong bà con nên phun ngay thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm, chú ý khâu giữ ẩm mặt ruộng để rễ lúa ăn sâu vào đất và phòng ốc bươu vàng phá hại giai đoạn đầu, tốt nhất rãnh luống nên có nước để cây mọc nhanh. Khi cây đạt 1,5 -2 lá đưa nước vào láng mặt ruộng và tiến hành bón nhử khoảng 2 – 3 kg ure/sào. Đồng thời tiến hành diệt trừ ốc bươu vàng hàng ngày. Khi cây lúa đạt 3 – 4 lá tiến hành dặm tỉa và chăm bón như đối với lúa cấy. 

Khi cây đạt 1,5 -2 lá đưa nước vào láng mặt ruộng và tiến hành bón nhử khoảng 2 – 3 kg ure/sào.

   Bà con lưu ý trong quá trình chăm sóc:

 - Nếu vừa gieo xong gặp mưa lớn bà con kẻ nước vào ruộng sau đó đắp chặn lại, chờ khi tạnh mưa rồi từ từ tháo cạn nước đi, tránh hiện tượng mưa làm xô, dạt mộng mạ.

Luôn giữ đủ nước cho cây lúa phát triển  nhanh, khi cây đạt 3 – 4 lá tiến hành dặm tỉa và chăm bón như đối với lúa cấy. 

 -  Nếu gặp trời nắng nóng, nhiệt độ quá cao, có gió Lào về gây khô nứt nẻ mặt luống bà con cần xử lý như sau:

    + Giữ ẩm mặt ruộng, nếu cây lúa đã đạt 1 lá mầm, khẩn trương đưa nước vào rãnh và luôn giữ mặt luống phải đủ ẩm. Tốt nhất đêm đưa nước vào ngâm, sáng tháo nước ra, mặt luống đủ ẩm còn rãnh có nước.

    + Nếu cây lúa đạt 1,5 lá, nên đưa nước vào lá chân và tiến hành diệt ốc bươu vàng và bón nhử khoảng 2 – 3 kg ure/sào. 

  • Từ khóa
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản

Chiều nay 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường và một...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...