Những trò chơi dân gian ở hội Chùa Keo cần được lưu giữ, phát triển

Thứ 4, 27/04/2016 | 11:04:10
3,665 lượt xem

Chùa Keo ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình được nhà nước xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt (2012), chùa được xây dựng lần đầu vào những năm 1060-1062, sau do lũ sông Hồng cuốn trôi và được xây dựng lại vào năm 1630-1632. Ban đầu chùa có tên là “Nghiêm Quang tự” sau đổi là “Thần Quang tự”. Người xưa từng ca ngợi chùa Keo là danh thắng bậc nhất nước Nam, đã viết: “… nơi phúc địa nước Nam nơi nào cũng có nhưng chỉ có chùa Thần Quang ở Dũng Nhuệ là nơi danh thắng bậc nhất từ Bắc đến Nam”.

Thi nấu cơm tại lễ hội Chùa Keo.

Hàng năm chùa Keo mở hội hai lần vào mồng 4 tháng giêng và 15 -9 (Âm lịch). Hội Chùa Keo còn lưu giữ được nhiều trò chơi dân gian đặc sắc nhưng có hai trò, người nay ít được xem mà chỉ nghe kể lại hoặc có trong sách vở, đây là những trò chơi khá đặc sắc.

1. Thi thày đọc:

Hội thi thầy đọc thường được tổ chức vào chiều ngày 13 -9 để tìm ra những người làm văn hay, có giọng đọc tốt để chọn thầy cúng. Cuộc thi ngoài người làng còn cuốn hút nhiều người ở trong vùng cả Nam Định, bên kia sông đến dự. Những người vào dự thi phải khăn áo chỉnh tề, phải thi thử giọng bằng một bài văn chúc tụng thánh tổ, nếu được mới được vào thi chính thức. Vào cuộc thi chính thức người dự phải sáng tác một hay nhiều bài về chủ đề sáu vật phẩm thường dâng cúng (lục cúng): hương, hoa, đăng, trà, quả, thực. Văn lục cúng ở hội chùa Keo được sáng tác bằng văn nôm theo lối trào phúng, người đọc phải có giọng đọc khôi hài mới phù hợp với lối văn này. Theo các cụ già ở làng Keo kể lại thì cuộc thi thầy mang tính chất một sinh hoạt văn hóa quần chúng chứ không mang tính chất nghi lễ. Tuy những bài văn này nói về sáu thứ lễ vật để cúng thánh nhưng lại mang tính chất ngụ ngôn. Mỗi thứ đều tự đề cao mình, khoe khoang lòng tôn kính, có ích của mình đối với việc thờ cúng thánh tổ. Vì thế cách nói về từng thứ trong lục cúng càng mang tính trào phúng bao nhiêu càng gây được tiếng cười cho đông đảo quần chúng đứng xem bấy nhiêu. Những bài được người xem tán thưởng nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc chấm giải cuộc thi. Kết thúc cuộc thi, ông chủ hội chọn lấy ba người xuất sắc, xếp thứ tự từ một đến ba để trao giải thưởng từ 1-3 quan.

2. Thi thổi kèn, đánh trống:

Hội Keo ngày xưa thường tế thánh vào buổi tối, sau lễ tế thánh có thi kèn, thi trống.

* Về thi kèn: Người dự thi phải cùng thổi một loại kèn bằng gỗ dài gần một mét. Những người vào dự thi phải qua khảo hạch bằng những bài kèn dạo đầu đã quy định. Ai dài hơi, thổi đúng điệu, không lèo, không vấp, có âm thanh luyến láy hay sẽ được tuyển vào thi chính thức. Những người thi chính thức sẽ chọn thi bằng một bài kèn hay nhất đối với mình. Nếu trong số những người trúng giải lại có bài thi trung nhau thì tổ chức lại, để chủ hội xếp thứ tự trên, dưới. Những người được giải thưởng thường là những nghệ nhân giỏi thổi được những nhạc khúc dân gian. Chủ hội chọn lấy bốn người thổi hay nhất xếp thứ tự thành bốn bậc: chánh, phó, quán, thủ… và nếu cần khuyến khích thì lấy thêm. Giải thưởng cao nhất là 3 quan tiền.

* Thi trống: Người dự thi phải sử dụng được ba loại trống mang trên người: Trống cơm đeo ngang ngực, trống bản đeo dưới bụng, một trống kẹp bên sườn trái. Người dự thi tùy ý lựa chọn bài trống hay mà mình thuần thục nhất để dự thi. Một bài trống thi đạt yêu cầu là không lẫn nhịp, không lỡ nhịp, âm thanh từng loại trống phải chuẩn. Những lúc đánh phối hợp cả hai, ba loại trống âm thanh phải quyền không bị ra thanh. Âm thanh và tiết tấu của bài trống có giá trị quyết định trong việc chấm giải. Những bài được giải xuất sắc phải là bài trống nghe có “hồn”. Nghĩa là tiếng trống phải thể hiện được tình cảm của người đánh trống.

Ban Tổ chức thi đơn từng người, lại thi kép đánh phối hợp hai người. Những người giật giải nhất, nhì, ba đều phải giỏi cả thi đơn và thi kép. Cũng như thi kèn, thi trống giải nhất cũng được 3 quan và giảm dần đến 2 quan, 1 quan.

Năm 1990 trong lễ hội kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh Thái Bình (1890-1990) tại thị xã, người xem còn được xem và nghe tiếng trống của nghệ nhân làng Keo, người từng đoạt giải trong cuộc thi trống ở làng, ai ai cũng rung động, cảm phục, nay thì không còn nữa… Trên đây là hai trò thi mà hội chùa Keo ngày nay không thấy tổ chức, nên chăng hãy khôi phục lại, lưu giữ lại và phát triển để hội có thêm trò chơi thi tài, trí tuệ?

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...