Chuyện về anh hùng Phạm Tuân

Thứ 3, 19/04/2016 | 15:02:13
19,319 lượt xem

Trung tướng Phạm Tuân sinh ngày 14-2-1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Ông trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay B52 từ trên không và trở về an toàn, năm 1973, được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam. Hiện nay, ông đang sinh sống tại Hà Nội, ông chính là người được cả thế giới biết đến với sự kính trọng đầy ngưỡng mộ.

Ký ức về người cha

Trung tướng Phạm Tuân ( thứ nhất) kể từ trái sang. 

Trung tướng Phạm Tuân - người từng được phong Anh hùng tới 3 lần, từng bắn rơi B52, từng xuyên qua tầng khí quyển để chinh phục vũ trụ đã không nói gì nhiều về chiến tích hay những danh hiệu mà mình được nhận.

Trong căn nhà khang trang, sạch sẽ ở phố Cù Chính Lan, Hà Nội, Trung tướng Phạm Tuân trò chuyện với tôi như tâm sự với người thân. “Gia đình người lính đơn giản lắm. Đi lính, lấy vợ, chiến đấu biền biệt, sinh con, tiếp tục đi chiến đấu rồi về hưu”, vị Tướng mở đầu câu chuyện rất khiêm nhường. Những tưởng là… gặp khó, nhưng rồi ông khích lệ: Cứ hỏi đi, có gì sẽ nói đấy vì “người lính vốn chân chất mà”.

Với Anh hùng Phạm Tuân, ơn sinh thành của cha mẹ luôn tràn đầy trong ký ức. “Cha tôi ít nói nhưng can trường lắm. Ít nói, hay làm nên những lời ông dạy con, tôi thấm sâu lắm. Hồi mới học lớp 8 trường làng, cái lần tôi giúp ông bê đất, còn ông thì trồi sụp gieo mình ngụp xuống ao để vớt bùn. Tay vuốt lớp bùn lộ hai con mắt, cha nhìn tôi rồi nói: “Cố mà học đi con ạ! Cả làng có mỗi mình con được đi học, cố làm sao cho cha mẹ có ngày mở mày, mở mặt! Ở nhà làm ăn thì cũng được, nhưng thôi, đừng như cha”. Ông cụ thân sinh ra tôi là thế đấy, cái suy nghĩ của ông đã đưa tôi vượt qua lũy tre làng, băng qua những cánh đồng vàng miền quê lúa Thái Bình để đi đến với khoa học, với vũ trụ bao la” - Trung tướng Phạm Tuân nhớ lại.

Phi công Phạm Tuân trả lời truyền thông sau chuyến bay. (Nguồn: Internet)

Những năm 1969-1972, thời kỳ cao điểm đánh B52 cũng là lúc anh lính trẻ Phạm Tuân bặt tin với gia đình. Các cụ lo lắm. Lo đến nỗi dặn anh lính cùng làng khi lên Hà Nội cố tìm xem có tin gì về con mình không, sống, chết ra sao. Nhưng thời chiến trận, đất người bao la, ai biết đâu mà tìm, vậy là cha mẹ vẫn bặt tin con. Đêm 30 Tết năm 1972, sau chuyến bay vào Vinh và Thanh Hóa, ngày hôm sau Phạm Tuân được đơn vị cho nghỉ phép về quê ăn Tết. Chuyến về quê lần đó cũng gập ghềnh lắm kỷ niệm. Một mình một xe đạp lọc cọc từ sân bay Đa Phúc (Vĩnh Phúc) về Hà Nội. Ra tới bến xe thì hết vé, cuối cùng Phạm Tuân quyết định đạp xe về Thái Bình. Ba năm cách biệt, niềm vui như vỡ òa trong căn nhà nhỏ trong làng Quốc Tuấn. “Biết tôi về, cả làng đến đông lắm. Lúc hàng xóm về hết, ông cụ hỏi tôi: “Này con, người bắn rơi máy bay B52 có phải là con không. Báo đài đưa tin chỉ nói là phi công “Phạm T” quê ở Thái Bình. Nghe mà cha cứ ngờ ngợ, đúng hay không, nói để cha mừng. Trên dặn không được tiết lộ nhưng tôi không thể không cho cha mình biết và cũng chỉ nói một mình ông biết mà thôi. Mãi tới năm 1973, khi tôi được phong danh hiệu Anh hùng thì người dân quê lúa mới hay tin”. Tướng Tuân kể.

Tới năm 1975, khi biết con trai chuẩn bị lấy vợ, ông cụ tự tay đóng một chiếc giường cưới bằng ngỗ mít vườn nhà. Đóng xong ông chở đò dọc theo sông Hồng từ Thái Bình lên Hà Nội cho con. Năm 1976, khi vợ Phạm Tuân sinh con, cụ lại một mình gánh gà, gạo lên Hà Nội thăm con, cháu. Lên tới nơi thì hai vợ chồng Phạm Tuân đã về Đa Phúc, ông cụ lại tiếp tục gánh gạo đi tìm con. Lạ đường, lạ người, không tìm ra nhà thông gia cụ lại quảy gánh về Hà Nội. Nhưng đến hôm sau lai lục cục gánh gạo lên Đa Phúc quyết tìm con một lần nữa…

Đám cưới nhiều… không

Hai bên họ hàng không gặp mặt, không ảnh cưới, không dạm ngõ, ăn hỏi, thậm chí chú rể còn nhờ… lính lên nhà đặt vấn đề với mẹ vợ tương lai về chuyện cưới xin. Ấy là những kỷ ức đặc biệt về đám cưới đặc biệt và của con người đặc biệt – Anh hùng Phạm Tuân. Kể về chuyện chọn vợ, cưới vợ, Trung tướng Phạm Tuân lại một lần nữa nhắc đến hai từ “may mắn”. Khi anh lính trẻ Phạm Tuân đến tuổi lấy vợ, ở quê ai cũng ngó giùm cho anh đám này, đám nọ nhưng ông cụ nhà anh quả quyết: “Con kiếm cô nào cùng đơn vị, cùng cảnh mà tìm hiểu. Đừng lấy người ở quê, lấy vợ quê người ta lại nghĩ là con kiếm người để về chăm sóc bố mẹ. Bố mẹ tuy có tuổi nhưng vẫn tự chăm được cho nhau”.

Thời đó, đơn vị của Phạm Tuân chỉ cho nghỉ mỗi ngày chủ nhật. Làng Đa Phúc bé tẻo teo, cũng chả có cô nào để ý đến đám lính không quân, vậy nên nhiều anh mãi vẫn là lính… phòng không. Trung tướng Phạm Tuân vui vẻ kể lại: “Vợ tôi chính là em vợ của anh bạn thân cùng đơn vị. Ngày đó, hai chị em lâu lâu lại lên thăm chồng, thăm anh rể. Chúng tôi quen nhau từ những lần gặp đó. Biết nhau từ năm 1968 nhưng mãi tới năm 1974 mới có nhiều thời gian gặp nhau. Anh chị, bạn bè vun vào thế là thành đôi. Ít lâu sau lấy hết can đảm tôi mới dám đến thưa chuyện với nhà vợ. Nghe xong, mẹ vợ phán luôn: “Thôi con ạ! Con chị nó lấy chồng làm phi công khổ đủ rồi. Con em chắc thôi”. Nhạc mẫu tương lai nói vậy, tưởng chừng xôi hỏng, bỏng không. Ấy nhưng lát sau cụ lại bảo: “Thôi, đó là chuyện của các anh chị. Anh chị cứ tìm hiểu đi rồi tính tiếp”. Thế là qua được cửa ải. Tướng Tuân bảo, đó lại là một cái may.

Đầu năm1975, đang trong quá trình “tìm hiểu” thì cấp trên cử một đồng chí chính trị viên yêu cầu anh lính trẻ Phạm Tuân phải… cưới vợ. Đang băn khoăn không hiểu chuyện gì xảy ra thì vị chính trị viên nói tiếp: “Cấp trên biết anh có người yêu rồi. Anh chuẩn bị cưới vợ rồi nhận nhiệm vụ mới”. Phạm Tuân nghe xong ngỡ ngàng, bởi lính không quân để được phép lấy vợ đâu có dễ. Đầu tiên phải viết đơn trình cấp trên, nêu lý do, nguyện vọng, sau đó cơ quan còn phải cho người đi xác minh nhân thân người yêu. Khi mọi thủ tục hoàn tất, cấp trên duyệt lý lịch thì mới được phép cưới vợ. Tuy nhiên, trường hợp của Phạm Tuân lại được đặc cách vì vợ sắp cưới là đảng viên, cùng công tác trong quân đội, ảnh rể vợ cũng là phi công nên được miễn phần xác minh lý lịch, đơn từ…

Thế là hai bên họ hàng chưa kịp gặp mặt thì đôi bạn trẻ đã phải chuẩn bị đám cưới. Bắt đầu lo chuyện cưới hỏi thì Phạm Tuân bị đau mắt đỏ. Lúc đó không còn cách nào khác anh đành phải cử… lính lên thưa chuyện cưới hỏi với các cụ. Đến ngày làm đám cưới cũng nhờ chú vợ đứng ra tổ chức, lo hậu cần. Thậm chí chú vợ còn bố trí cho hai vợ chồng một căn phòng ở phố Bà Triệu để ở. Tướng Tuân bảo, giờ ngồi nghĩ mới thấy thương vợ, ngày cưới mà chồng chẳng lo được gì, chú vợ lo hết. Thậm chí hai bên gia đình gặp nhau lần đầu cũng vào ngày cưới…

“Áp lực” của một chiến binh anh hùng

Trung tướng Phạm Tuân với cuộc sống đời thường.

“Vợ tôi yêu và lấy một người lính không quân anh hùng liệu có phải đối mặt với những áp lực gì không ư?”. Tướng Tuân hỏi lại tôi rồi nói tiếp: “Có đấy! Tuy nhiên, thời đó truyền thông không phát triển như bây giờ nên chẳng có chuyện ai đó “nổi như cồn” như cách nói hiện nay đâu. Sau cưới hơn một một năm thì vợ sinh con đầu lòng. Lúc con gái còn đỏ hỏn thì tôi đã phải sang Liên Xô học. Trước ngày đi thì con bị thủy đậu, mụn nhọt mọc khắp người, đến mức cháu không ngủ được. Khi đó chân đi nhưng lòng đầy ưu tư lo lắng, cũng may có gia đình ông chú vợ nên tôi cũng vững tâm cất bước. Trong thời gian nuôi con nhỏ một mình, vợ tôi đều phải tự thân bươn chải. Học xong văn hóa, năm 1978, vợ tôi lại phải gửi con cho dì để vào Sài Gòn học tiếp. Năm 1979, xảy ra chiến tranh biên giới, dì lại gửi con gái tôi lên tàu vào Nam với mẹ. Cũng trong năm đó, phía Liên Xô đề nghị tôi đưa vợ con sang ít ngày, thế là cả nhà có dịp đoàn tụ. Đó cũng là lần đầu tiên con gái tôi sinh nhật có đủ mặt bố mẹ”.
Đến năm 1981, vợ và con Phạm Tuân lại khăn gói đưa nhau xuống Thái Bình học y khoa. Cũng may các anh tỉnh đội Thái Bình cho mượn một căn phòng để hai mẹ con có chỗ tá túc trong thời gian học. Một mình nuôi con, bôn ba trong Nam, ngoài Bắc, ra tận nước ngoài, có lẽ không gì diễn tả nổi sự cố gắng mà hai mẹ con đã cùng nhau vượt qua trong những tháng năm đó. “Mãi đến sau này, sự thiệt thòi vẫn đeo đẳng. Khi vợ xếp hàng nhận đồ phân phối thì ai cũng ì xèo rằng vợ phi công thì thiếu gì. Thế là vợ lại được phen tủi thân vì nhà phi công cũng đâu khá hơn gì hàng triệu người dân thời đó”, Tướng Tuân bùi ngùi.

Kể về cô con gái cả Phạm Thu Hằng, ông nói ngày sinh Hằng cũng là kỉ niệm khó quên. Năm 1976, ba phi công gồm Thiếu tá Phạm Tuân, Trung tá Vũ Ngọc Đỉnh, và Thiếu tá Đỗ Văn Lanh từ Đa Phúc về Hà Nội để chụp ảnh hồ sơ. Chụp xong cả ba rủ nhau ghé qua thăm nhà Phạm Tuân. Cả ba về tới nhà thì cửa khóa, vội sang hỏi hàng xóm thì được biết “cô Tiến đã khăn gói lên xích lô đi từ sáng”. Đoán chắc là vợ đi sinh, Phạm Tuân cùng hai người bạn ghé qua chợ Đồng Xuân mua một bó hoa to xông thẳng vào viện. Vui mừng hăm hở nhưng người bố trẻ chỉ được ngắm con đầu lòng trong chốc lát rồi lại tiếp tục cùng anh em lên đường. Sự trùng hợp ngẫu nhiên của lần trở về Hà Nội vào đúng ngày sinh con gái đầu lòng lại một lần nữa được ông nhắc đến với hai từ “may mắn”.

Trở về với thực tại, ông nói những ngày vất vả đã lùi xa. Con gái đầu Phạm Thu Hằng tốt nghiệp ngành tài chính có công việc ổn định và đã yên bề gia thất tại TP HCM. Con trai thứ cũng tốt nghiệp ngành tài chính tại Anh Quốc, hiện đang làm việc cho một công ty tư nhân. Giờ ông về hưu, trồng lan, nuôi chim, đánh bóng bàn, từng ấy việc cũng ngốn hết quỹ thời gian từ sáng đến tối. Những ngày rảnh rang, hai vợ chồng lại du hành thăm bạn bè cũ.

Chuyện giờ tướng Tuân mới kể

Anh hùng Phạm Tuân ( ảnh thứ hai từ trái sang) trên tàu vũ trụ.

 “Tôi có phải là người được chọn đâu. Tôi là người may mắn. Bắt đầu từ việc “trượt” thợ máy lên thành phi công, bắn rơi máy bay B52 rồi bay vào vũ trụ với tấm vé… “vớt”. Năm 1965 tôi vào binh chủng Không quân, sau đó được sang Liên Xô học. Lúc này tôi chỉ là một anh thợ máy không quân. Sau nhiều lần sàng lọc, các phi công không đủ sức khỏe lần lượt được thay thế. Thợ máy chính là nguồn bổ sung nhân lực đầu tiên và tôi đã được lựa chọn. Tại trường phi công quân sự Liên Xô, tôi được đào tạo cơ bản và trở thành phi công tiêm kích bay đêm bằng máy bay MIG 17. Sau này về nước tôi lại được chọn sang đôi bay MIG 21. Nguồn kiến thức để “bổ túc” cho tân binh MIG 21 chỉ vỏn vẹn là những cuốn sổ người lái máy bay của các phi công đi trước.  Đây cũng có lẽ là những khóa học với loại giáo trình “đặc biệt” của Không quân. Khó khăn là vậy nhưng tôi đã làm tốt.
“Chuyến bay lịch sử đêm 18-12-1972 đã nói lên tất cả và cũng chính lần đó “vị thần” may mắn lại mỉm cười với tôi. Sau khi chặn tốp B52 đầu tiên vào Hà Nội, tôi quần nhau với nhiều tốp máy bay F4 đến khi chiếc MIG 21 hết nhiên liệu buộc phải hạ cánh. Đài chỉ huy sân bay Đa Phúc đã bị trúng đạn, toàn sân bay chìm vào bóng đêm. Không đèn chiếu, đường băng chi chít hố bom nhưng tôi vẫn quyết hạ cánh. Khi máy bay vừa tiếp đất thì gặp phải một hố bom, ngay lập tức tôi bung dù giảm tốc. Máy bay trượt trên sân bằng cánh rồi quay 180 độ mới dừng hẳn. Bình thường cánh, bụng máy bay chạm đất thường gây cháy nổ, ấy vậy mà chiếc MIG 21 đụng hẳn vào hố bom, trượt liểng xiểng trên đường băng bằng bụng và cánh lại bình an vô sự”.

“Năm 1977, tôi được cử đi học lại Học viện Không quân Gagarin. Năm 1979, mặc dù có vấn đề về tim nhưng tôi vẫn được chọn vào đội bay quốc tế cho… đủ quân số. Khi trải qua những thử nghiệm y khoa khắt khe, tôi lại trở thành ứng cử viên phi công số một cho biên đội bay vào vũ trụ. Lịch sử về những phi hành gia đầu tiên  đặt chân lên vũ trụ ghi tên tôi từ đó.

May mắn, cụm từ có lẽ đã gắn bó với tôi từ lúc đặt chân vào quân ngũ cho tới ngày về hưu. Nhưng chỉ may mắn thôi chưa đủ. Cơ hội đều dành cho tất cả mọi người. Tôi  tự hào vì chưa bao giờ phải “bon chen” để có được cơ hội. Tất cả đều đến với tôi một cách tự nhiên. Cái  riêng ở tôi có lẽ chính là sự bản lĩnh, biết nắm bắt, tận dụng, khai thác tối đa những cơ hội mà số phận dành cho mình và biến nó thành những chiến tích lịch sử.
“Khi bay vào vũ trụ, tất cả tâm lực, trí lực của phi hành đoàn tập trung vào việc điều khiển con tàu nhằm hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình. Tuy vậy, có những lúc hình ảnh rrái đất thân yêu lại hiện lên trong tâm trí tôi. Con người khi ở trên vũ trụ như có một góc nhìn khác, không còn ranh giới địa lý, sắc tộc, màu da… Lúc đứng trên mặt đất, người ta hướng đến gia đình, còn khi ở trong vũ trụ bao la, người ta gửi gắm niềm thương, nỗi nhớ về trái đất – nơi có sông, có núi, có Tổ quốc, có đồng loại, có những ngôi nhà bé nhỏ mà người thân thương của ta đang trú ngụ…”
.

 
3 lần được phong Anh hùng

Trung tướng Phạm Tuân sinh ngày 14/2/1947 tại xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Năm 1965 nhập ngũ vào binh chủng Không quân.
Năm 1967, tốt nghiệp trường Phi công quân sự Liên Xô và được biên chế lái máy bay chiến đấu tại Trung đoàn Không quân Sao Đỏ.
Ngày 18/12/1972 bắn rơi máy bay B52, trở thành người đầu tiên bắn hạ được loại máy bay này từ trên không và trở về an toàn.
Năm 1973 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân Việt Nam.
Năm 1977 học tại Học viện Không quân Gagarin.
Năm 1979 được chọn vào đội bay quốc tế Thứ Sáu.
Từ 23/7/1980 - 31/7/1980 thực hiện chuyến bay vào vũ trụ cùng đội bay quốc tế.
Năm 1980 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam, Huân chương Hồ Chí Minh, cấp bậc Trung tá. Cùng năm này được tặng Huân chương Lênin và Anh hùng Liên Xô.
Năm 1982 tốt nghiệp Học viện Không quân Gagarin.
Năm 1988 là Phó tư lệnh Chính trị quân chủng Không quân.
Năm 1999 giữ chức Tổng Cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, quân hàm Trung tướng.
Năm 2008 Tướng Phạm Tuân nghỉ hưu.
  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...