Chùa Từ Vân - một thoáng tâm linh làng vườn Bách Thuận

Thứ 4, 06/04/2016 | 16:10:26
4,024 lượt xem

Không khó để tìm đường tới chùa Từ Vân (thôn Bình Minh, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) ngay cả khi du khách mới lần đầu đặt chân tới nơi này. Chùa nằm ngay sát chân đê đi vào từ trục đường quốc lộ Thái Bình, tách xa phố phường ồn ào náo nhiệt bên ngoài. Ở đây, cây cối bao trùm, giúp xoa dịu đi cảm giác mỏi mệt, căng thẳng sau một chặng đường dài.

Chùa Từ Vân, xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Chùa Từ Vân thuộc cụm Di tích lịch sử văn hóa Nhà lưu niệm Nguyễn Kim Nho - một vị danh tướng đã có nhiều công lao trong khởi nghĩa Tây Sơn, Nguyễn Huệ. Quy mô của chùa không lớn, nhỏ nhắn mà cổ kính, gợi nhớ cho những du khách ưa hoài niệm về những ngôi chùa Bắc Bộ xưa cũ với lối kiến trúc hòa hợp với thiên nhiên, tinh tế khéo léo, mộc mạc giản dị như chính bản chất thuần hậu của những con người nơi đây.

Theo thần phả của dòng họ Nguyễn Kim và kết luận của Phòng Bảo tồn, Bảo tàng thuộc Sở Văn hóa Thông tin Thái Bình (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình) về kiểm kê di tích năm 1976 thì chùa Từ Vân còn có tên gọi dân gian là chùa Phật Bà, do sư nữ Nguyễn Thị Uyển Trà, hiệu là Phúc Lai trụ trì. Chùa được xây dựng từ thời Lê - Trịnh, sư Phúc Lai là con gái của ông Nguyễn Công, từ nhỏ đã nổi tiếng tài ngữ, nết na, thùy mị, là chị gái của danh tướng Nguyễn Kim Nho. Cho đến nay, những người dân thôn Bình Minh vẫn truyền lại cho con cháu thế hệ kế tiếp câu chuyện ca tụng công đức của nhà sư.

Thuở ấy nhà Lê suy đồi chúa Nguyễn và chúa Trịnh phân tranh Nam -  Bắc gây ra cảnh đói khổ lầm than, nông dân nổi dậy khắp nơi chống lại triều đình. Sư Phúc Lai đã nói với cha và kế mẫu bỏ tiền ra phát chẩn 5 lần liền cứu cả vùng đỡ được một phần đói rét. Căm tức cảnh đàn áp đẫm máu tàn nhẫn của nhà chúa, vùng này cũng dấy lên nhiều cuộc bạo động phù Lê diệt Trịnh. Trước đó, Nguyễn Lệ (bác ruột của bà Uyển Trà) đã từng làm Đông cung giảng dạy Thái tử Lê Huy Vĩ, sau làm trưởng quân cho Thái tử. Về sau Lê Huy Vĩ đột ngột qua đời, Trịnh Sâm nhân cớ này đem quân về tru di họ hàng Nguyễn Lệ, đồng thời tàn sát dân làng Thuận Vi và các vùng lân cận. Được tin đó, từ nhà cho đến trong họ, ngoài làng đều kéo nhau đi lánh nạn, bỏ cả tổng cả nhà mà đi.

May thay có bà Thái Phi họ Nguyễn là mẹ Trịnh Sâm, nhân ngày xuân đi lễ đền Gòi về đền Sòng cùng đi với Sâm một chuyến thuyền. Khi thuyền quân về đến Thuận Vi, Trịnh Sâm cho một toán quân lên đốt phá nhà của anh em Nguyễn Lệ, Nguyễn Công. Toán quân vào dò xét rồi về tâu lại rằng: “Tất cả dân mấy làng đều trốn hết không còn một người nào, duy chỉ có một ngôi chùa đầu làng trong đó có hai vãi sư đang tụng kinh niệm phật, không rõ họ có đạo phật gì mà bình tĩnh như thế ?” Trịnh Sâm lấy làm kỳ, dẫn theo một đạo quân nhỏ tiến vào chùa, thì thấy trên gác Tam quan một vị sư nữ vận cà sa, đeo tràng hạt đứng rất trang nghiêm không cử động, hai mắt sáng quắc. Dưới sân gác có hai ni cô đứng dưới hai gốc cây bồ đề, một người than khóc rất thê thảm, một người cười rất giòn giã, vui vẻ. Bất kể dụ dỗ, dọa nạt, uy hiếp, đạo quân vẫn không thể khiến hai vị ni cô dừng khóc, dừng cười. Chỉ khi thấy Thái Phi đi đến dừng kiệu trước cổng chùa mà khấn lạy một hồi, cảnh tượng li kỳ nọ mới dừng lại. Vị sư nữ lúc này mới bước xuống, cùng Thái Phi trò chuyện. Ngày hôm sau, Trịnh Sâm ra lệnh thiết triều tại làng để Thái Phi ban phúc lành cho dân chúng, hủy bỏ việc thảm sát cả ngôi làng. Chuyện được lưu truyền từ giữa năm Tân Mão 1771, Niên hiệu Cảnh Hưng thứ 17, cho đến nay, đã kéo dài hơn 240 năm.

Ghi nhớ công ơn sư Phúc Lai đã có kế sách lui quân chúa Trịnh, giữ yên cho dân làng được sống thanh bình, về sau nhân dân quanh vùng tôn bà làm Nhân Thần, bốn mùa hương khói. Cái tên chùa Phật Bà cũng ra đời từ đây.

Được xây dựng trên thế đất “sơn kỳ thuỷ tú” tự nhiên, hài hoà giữa các yếu tố Thiên - Địa - Nhân, từng hoạ tiết trang trí ở chùa đều thể hiện tấm lòng cởi mở, vị tha và sự từ bi hỉ xả của Đức Phật. Đường nét, hoạ tiết của tứ linh: Long, Ly, Quy, Phượng thể hiện vẻ nghiêm trang mà mềm mại, uy vũ mà bao dung. Sau khi được nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tháng 1 năm 1989, đáp ứng nhu cầu của phật tử khắp nơi, chùa đã được trùng tu xây dựng với nhiều hạng mục bao gồm ngôi Đại hùng bảo điện, nhà Thánh mẫu và toàn bộ khuôn viên, khánh thành tháng Chạp năm Canh Dần 2010. Hàng tháng, hàng năm, vào ngày tuần tiết, chùa lại vọng tiếng chuông ngân, khói hương lan toả, nhân dân và phật tử khắp nơi tựu về tụng kinh niệm phật và dâng hương Thánh mẫu.

Không hoành tráng, quy mô để có thể sánh ngang với những danh thắng nổi tiếng khác, chùa Từ Vân có lẽ chỉ thích hợp với những du khách ưa khám phá, tìm tòi và lỡ “phải lòng” nét đẹp giản dị chân chất của một vùng quê Việt Nam hiền hòa mộc mạc. Thế nhưng giữa chuyến hành trình tận hưởng không gian xanh ngát bất tận của làng vườn Bách Thuận, sẽ là một thiếu sót lớn, nếu không ghé thăm ngôi chùa nho nhỏ, bình yên này.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...