Nguyễn Tông Quai –Danh nhân thời Lê Trịnh

Thứ 3, 16/02/2016 | 11:12:02
10,215 lượt xem

Nguyễn Tông Quai hay có sách sách viết là Nguyễn Tông Khuê ( 1692 -1767), ông sinh ra tại làng Sâm, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Sử sách vinh danh ông về tài năng của nhà ngoại giao và khả năng làm thơ xuất chúng Thời Lê – Trịnh. Còn trong dòng họ, ông chính là người canh tân cho gia phả dòng tộc.

Con cháu bái lễ trước từ đường thờ tiến sĩ Nguyễn Tông Quai.

Về xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà (mảnh đất sinh ra danh nhân Nguyễn Tông Quai), chúng tôi thấy vui trước một vùng quê đang đổi mới theo hướng văn minh, hiện đại. Nhưng vẫn hồi hộp liệu chúng tôi có gặp được nhiều dấu tích gắn với cuộc đời danh nhân Nguyễn Tông Quai?  vì chúng tôi đang trên đường đi tìm dấu tích của một vị danh nhân sống cách mình hơn 300 năm. Tuy nhiên, nơi đây dù có thay đổi theo tiến trình lịch sử, theo sự biến thiên của thời gian thì đền thờ của tiến sĩ Nguyễn Tông Quai vẫn được con cháu vẫn phục dựng lại nét nguyên sơ theo kiến trúc lúc ban đầu.

Bức chân dung của cụ Nguyễn Tông Quai được họa sỹ Trung Hoa vẽ tặng trong đợt đi sứ.

Tại đây con cháu của cụ luôn tự hào với truyền thống hiếu học và trí tuệ uyên bác của cụ Nguyễn Tông Quai. Hiện tại dòng phả tích của dòng họ vẫn lưu truyền về cuộc đời của cụ: Khoa Tân Sửu năm 1721 (đời vua Lê Dụ Tông), Nguyễn Tông Quai tham gia Hội nguyên Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng Giáp), bài làm được chấm đỗ Nhất Giáp nhưng xét kỹ bài thi của Nguyễn Tông Quai có từ phạm húy với tên, tuổi vua chúa lúc bấy giờ nên bị giáng làm Nhị Giáp. Sau Nguyễn Tông Quai được bổ làm quan ở Viện hàn lâm, ông lần lượt trải chức Thừa chính sứ Kinh Bắc và Đốc đồng Tuyên Quang. Nguyễn Tông Quai đã được triều đình lúc bấy giờ tin tưởng cử làm sứ thần sang Trung Hoa hai lần thì cả hai lần đi, ông đều hoàn thành trọng trách của một nho thần trung tâm ái quốc. Có giai thoại kể về việc ông ứng khẩu tài trí với các quan bang giao lúc giờ như thế này: Khi thấy ông đi sứ lần thứ hai. Sứ thần Trung Hoa hỏi: An Nam hết người tài rồi sao mà lại cử ông đi lần này. Nguyễn Tông Quai thản nhiên đáp: Ở nước tôi, mọi người coi đi sứ là việc nặng nhọc, vất vả nên mở hai cuộc thi thơ nếu ai thấp điểm nhất thì người đó được cử đi sứ. Và cả hai lần thi, tôi đều xếp hạng bét nên mới phải đi thay.

Nhưng thực tế lịch sử cho thấy, bọn hoạn quan lộng quyền, bất tài khi nói chuyện đi sứ chúng đều đùn đẩy nhau và cuối cùng chúa Trịnh phải tâu lên vua Lê gọi đến Nguyễn Tông Quai. Thế mới thấy lòng trung quân, ái quốc của Nguyễn Tông Quai mãi được sử sách và nhân dân tụng truyền, nể phục.

Con cháu dòng họ xem phả tích viết về tiến sĩ Nguyễn Tông Quai.

Cuộc đời của Nguyễn Tông Quai là cuộc đời của một bạch ốc thư sinh hiển đạt nhưng lại nhìm chìm nổi gian truân. Ông đã sống qua bao nhiêu tình cảnh éo le khúc mắc lại sẵn có trí tuệ uyên bác và tâm hồn mẫm cảm đầy thi hứng, nên sinh thời ông sáng tác được nhiều áng văn thơ. Hiện gia phả họ Nguyễn Tông chỉ còn nhắc đến ba tập: Học ngữ, Sứ hoa từng chuyện và Sứ trình.

 Nguyễn Tông Quai có những trang rất đẹp miêu tả cảnh vật đất nước và khí thế của dân tộc, có những dòng chân thực và đầy tình nhân ái khi thể hiện tình cảm của một sứ thần. Trong tác phẩm “Sứ trình” để kết thúc bài ca trường thiên ký sự. Ông tóm tất cả chuyến đi sứ và nói lên tinh thần vượt gian khổ, cái chí hướng về vua, vì nước, vì dân của mình:

 Ngang trời Sáu nước, bẩy châu.

Trải qua con mắt, ba thâu chiếc thuyền,

Ơn trên muôn việc lo đền

Đã dành việc nước lại quên việc nhà.

Ai rằng muôn dặm thì xa

Niềm đan một tấm, coi là tấc gang.

Nam nhi chí tại bốn phương

Trải thu đã dạ, xông sương ấy lòng.”

Tập Sứ trình tân truyện và số thơ Nôm Hàn luật chứng tỏ Nguyễn Tông Quai là nhà thơ khai sáng dòng ca Nôm sứ trình, là cây bút thể hiện tâm chí ái quốc và bản lĩnh văn hóa Vô tốn bất dị (nghĩa là không kém, không khác so với văn hóa Trung Hoa của sứ thần Đại Việt trên đất nước Đại Thanh. Tập Sứ Hoa tùng vịnh được sứ giả Triều Tiên và nhân sĩ Trung Quốc khen tặng là không thua kém thơ thời thịnh nhà Đường. Dư luận trong nước cũng từng đánh giá cao tài thơ của Nguyễn Tông Quai như Phan Huy Chú thì khen là "Điêu luyện, mới mẻ, đáng ưa"...

Ngày nay, con cháu của dòng họ luôn phấn đấu để phát huy truyền thống của dòng học sinh ra danh nhân văn hóa, tiến sĩ nổi danh Nguyễn Tông Quai. Ông Nguyễn Văn Phóng – Trưởng tộc họ Nguyễn Tông (thôn Đồng Sâm, xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà): “ Chúng tôi đã có chương trình khuyến học ngay tại đền thờ mỗi năm, các cháu có thành tích học tập tốt được khen thưởng ngay tại đây. Con cháu phấn đấu học hành thành đạt phục vụ nhân dân, xây dựng đất nước giàu, mạnh”.

Phả tích trong dòng họ của tiến sĩ Nguyễn Tông Quai vẫn còn lưu lại sự kỳ diệu trong cuộc đời của tiến sĩ làm thay đổi sự quy luật chung trước đó. Phả tích ghi rằng: Trước đời, Nguyễn Tông Quai (kể cả đời người cha sinh ông) đều độc đinh nghĩa là kế tục nhau chỉ sinh ra một người con trai. Nhưng đến đời Nguyễn Tông Quai, ông có đến 7 người con trai và từ đó, dòng họ của ông phá được quy luật độc đinh. Con cháu sinh cành, nảy quả. Và nhiều người trong gia tộc đã chú trọng  nhiều hơn đến con đường học giả và quan trường. Hiện nay, trên quê hương Hòa Tiến, huyện Hưng Hà, nơi sinh ra danh nhân văn hóa Nguyễn Tông Quai. Các trường học đều mang tên danh nhân. Và đặc biệt, trong các tiết lịch sử, trong đó có những tiết giảng dạy về lịch sử địa phương thì Cuộc đời và sự nghiệp của Tiến sĩ Nguyễn Tông Quai luôn tạo được sự sôi nổi  trong các tiết học như thế này.

Người dân trên quê hương danh nhân Nguyễn Tông Quai có sự hiểu biết cơ bản về  danh nhân và đặc biệt thế hệ trẻ luôn tự hào và muốn tiếp nối sự tài ba của một nhà ngoại giao. Em Lê Tuấn Anh – Học sinh lớp 7C, Trường THCS Nguyễn Tông Quai chia sẻ: “ Em tự hào vì học tại trường mang tên danh nhân Nguyễn Tông Quai. Nguyễn Tông Quai là nhà ngoại giao tài ba thời Lê –Trịnh. Em cố gắng học tập để trở thành con ngoan trò giỏi. Sau này, em mong muốn trở thành nhà ngoại giao”.

Còn thầy Trịnh Ngọc Giá – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Tông Quai cho biết: “ Trong các tiết dạy lịch sử, đặc biệt, trong tiết dạy lich sử địa phương, chúng tôi biên soạn, sắp xếp lịch sử, trong đó có nội dung về danh nhân Nguyễn Tông Quai. Giảng dạy để  học trò hiểu rõ hơn về danh nhân, tự hào vì được sinh ra, học tập trên quê hương của danh nhân ”.

Sau khi rời quan trường, Nguyễn Tông Quai về quê mở trường dạy học, đào tạo anh tài, học trò giỏi có Lê Quý Đôn, Đoàn Nguyễn Thục đều là danh sĩ của đất nước. Năm 1767 ông mất tại quê nhà. Cuộc đời của Nguyễn Tông Quai được lịch sử đúc rút gói gọn trong bốn chữ “Niềm đan một tấm” ( tức là một tấm lòng son) vì nước, vì dân.

Tấm bia dựng tại từ đường trích đăng thơ của tiến sĩ Nguyễn Tông Quai.

Người dân xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà luôn tự hào là nơi sinh ra tiến sĩ Nguyễn Tông Quai. Hiện nay, trong xây dựng nông thôn mới xã đã hoàn thành cơ bản 19 tiêu chí, đời sống nhân dân được nâng lên với mức thu nhập bình quân đầu người ngày càng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Ông Chu Ngọc Diệp – Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, huyện Hưng Hà: “ Tự hào là quê hương nơi sinh ra danh nhân, chúng tôi và dòng tộc đã tu bổ khu đền thờ để con cháu dòng tộc và người dân Việt Nam đến thắp hương và tưởng nhớ đến danh nhân từng làm rạng danh dân tộc….”.

Tiến sĩ Nguyễn Tông Quai cách chúng ta hơn 300 trăm năm là một trong những người làm rạnh danh cho vùng đất Hưng Hà địa linh nhân kiệt. Ông đã cùng nhiều danh nhân khác góp phần làm đất Hưng Hà ngày càng phát triển.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh cho biết: “ Nguyễn Tông Quai, nói tóm gọn về cuộc đời ông có hai nét nổi trội so với người đương thời. Một là có công với đất nước, hai lần đi sứ, trong điều kiện nhà Thanh đang coi thường nước An Nam mình. Thứ hai, ông đã góp phần đề cao vị thế của đất nước: Trong lịch sử bang giao thì ông để lại những tác phẩm, tuy nó không đồ sộ nhưng lại làm bằng chữ nôm, thể  hiện sự tự tôn dân tộc, đó là tác phẩm mang tên Sứ trình tân truyện”.

Đổi mới trên quê hương của tiến sĩ Nguyễn Tông Quai.

Ngày nay, trên mảnh đất Hòa Tiến đã có nhiều đổi thay, đời sống nhân dân người được nâng cao. Người dân chuyên tâm hướng con cháu học hành đỗ đạt cao và tiếp thu khí chất vượt qua hoàn cảnh để tôi luyện bản lĩnh, góp công làm rạng danh non sông, đất nước như danh nhân văn hóa Nguyễn Tông Quai.

Câu chuyện về cuộc đời danh nhân Nguyễn Tông Quai đã tô thắm và làm đầy thêm trang sử dày truyền thống về lịch sử hình thành, phát triển của đất và người Thái Bình hôm nay.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...