Cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 đã bắt đầu trên Trái đất?

Thứ 2, 04/08/2014 | 09:00:43
1,286 lượt xem

Các nhà khoa học tuyên bố, cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 đã bắt đầu trên Trái đất và "thủ phạm" không ai khác chính là con người.

 Cuộc đại tuyệt chủng thứ 6 đã bắt đầu trên Trái đất?

 Con người được cho là thủ phạm dấy lên cuộc đại tuyệt chủng thứ 6, làm suy giảm dần số lượng các loài thú săn mồi và động vật ăn cỏ lớn trên Trái đất. Ảnh minh họa: Word Press

Trong một cuộc khảo cứu mới được đăng tải trên tạp chí Science, một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế cho biết, sự đa dạng sinh học hiện thời của Trái đất, sản phẩm của 3,5 tỉ năm tiến hóa "thử và sai", là thành quả cao nhất trong lịch sử sự sống. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hiện cảnh báo, sự đa dạng này đã đạt đến điểm tới hạn.

Theo các chuyên gia, trong khi các cuộc đại tuyệt chủng trước đây bắt nguồn từ sự biến đổi tự nhiên của hành tinh hoặc những vụ tấn công thảm họa của thiên thạch, làn sóng chết dần chết mòn của các loài sinh vật hiện tại có thể liên quan đến hoạt động của con người.

Giáo sư sinh vật học Rodolfo Dirzo thuộc Đại học Stanford (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu, đã đề cập tới một thời kỳ có tên gọi "Anthropocene defaunation", ám chỉ sự suy giảm số lượng các loài động vật ăn cỏ và săn mồi hàng đầu trên hành tinh do tác động của con người tới môi trường.

Kể từ năm 1500, hơn 320 loài động vật có xương sống trên cạn đã lâm vào tình trạng tuyệt chủng. Các loài còn lại giảm 25% dân số so với trước. Tình trạng thảm khốc tương tự cũng đang xảy ra với các sinh vật không có xương sống.

Ở động vật có xương sống, 16 - 33% các loài khắp toàn cầu ước tính đang bị đe dọa hoặc trong tình thế cực kỳ nguy hiểm. Các thành viên trong quần thể động vật lớn và khổng lồ, bao gồm cả voi, hà mã, gấu bắc cực và vô số loài khác khắp thế giới, đang đối mặt với tỉ lệ suy giảm nhanh nhất, một xu hướng từng xuất hiện trong các cuộc đại tuyệt chủng trước kia.

"Nơi nào có mật độ người cư trú dày đặc, nơi đó sẽ có tỉ lệ suy giảm các động vật ăn cỏ và động vật săn mồi cao, đồng thời lại có sự xuất hiện đông đảo của những động vật gặm nhấm và mầm bệnh chúng mang theo", giáo sư Dirzo cho biết.

Tương tự, trong khi dân số loài người tăng gấp đôi trong 35 năm qua thì số lượng động vật không có xương sống, chẳng hạn như ong, bướm, nhện và giun, lại suy giảm 45% cùng thời gian đó. Cũng như với các động vật lớn hơn, sự suy giảm số lượng các loài sinh vật không có xương sống này chủ yếu do mất nơi cư trú và sự biến đổi khí hậu toàn cầu, có liên quan đến hoạt động của con người.

Những sự suy giảm trên có thể đang ảnh hưởng ngược trở lại đời sống hàng ngày của con người vì vai trò của chúng. Chẳng hạn như, các con trùng đang thụ phấn cho gần 75% mùa màng của thế giới, ước tính tương đương 10% giá trị kinh tế của nguồn cung lương thực toàn cầu. Côn trùng cũng giữ vai trò thiết yếu trong việc cung cấp dinh dưỡng và phân hủy vật liệu hữu cơ, giúp bảo đảm hiệu quả của hệ sinh thái.

Ông Dirzo nói, các giải pháp để đối phó với cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu này khá phức tạp. Việc con người giảm ngay lập tức tốc độ thay đổi môi trường sống cũng như việc khai thác, bóc lột quá mức các loài động vật sẽ hữu ích, nhưng những giải pháp này cần phải được điều chỉnh phù hợp với từng vùng và từng tình huống cụ thể.

Ông Dirzo bày tỏ hy vọng, việc nâng cao nhận thức về cuộc đại tuyệt chủng đang tiếp diễn cũng như các hậu quả gắn liền với nó sẽ giúp tạo ra sự thay đổi thiết yếu.

5 cuộc đại tuyệt chủng từng xảy ra trên Trái đất

Cuộc đại tuyệt chủng chấm dứt Đại cổ sinh

Sự cố đầu tiên trong 5 cuộc đại tuyệt chủng từng được ghi nhận xảy ra trên Trái đất cách đây khoảng 440 triệu năm. Đây có thể là cuộc đại tuyệt chủng dữ dội thứ hai trong lịch sử. Gần như mọi sự sống trong biển vào thời điểm đó và khoảng 85% các loài biến mất.

Cuộc đại tuyệt chủng cuối kỷ Devon

Cách đây khoảng 359 - 375 triệu năm, các thay đổi lớn về môi trường đã gây ra xóa sạch các nhóm cá chủ chốt trên Trái đất và ngăn chặn các dải san hồ ngầm mới hình thành suốt 100 triệu năm.

Cuộc đại tuyệt chủng chấm dứt kỷ Pecmi

Cuộc đại tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử và ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến hệ sinh thái Trái đất diễn ra cách đây 252 triệu năm. Gần như 97% các loài biến mất vĩnh viễn và chỉ còn hóa thạch sót lại.

Cuộc đại tuyệt chủng chấm dứt kỷ Triat

Khủng long xuất hiện lần đầu tiên ở đầu kỷ Triat, nhưng các động vật lưỡng cư lớn và bò sát giống động vật có vú lúc này mới là những sinh vật thống trị trên cạn. Cuộc đại tuyệt chủng chớp nhoáng, diễn ra cách đây 201 triệu năm đã thay đổi điều đó.

Cuộc đại tuyệt chủng chấm dứt kỷ Phấn trắng

 

Một thiên thạch đã đâm vào Trái đất cách đây 66 triệu năm và thường được coi là nguyên nhân làm chấm dứt sự thống trị của khủng long trên hành tinh chúng ta.


 
Theo Tuấn Anh
Vietnamnet/Daily Mail
 
Nguồn: Dantri.com.vn
 
  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...