Vùng đất huyền thoại A Sào

Thứ 6, 09/09/2016 | 15:06:44
3,351 lượt xem

Tọa lạc tại xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, Đền A Sào là nơi thờ cúng, hương hỏa của Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ,cùng với những lễ hội, nghi thức cổ xưa vẫn được duy trì đến ngày nay.

Đền A Sào, xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Câu chuyện đi liền với mảnh đất linh

“A Sào” có tên gọi gốc là A Cảo, một vùng đất bãi nằm ven sông Hóa, nơi được cho là hội tụ khí thiêng sông biển, lại có địa thế hiểm yếu về quân sự nên đã được triều đình nhà Trần chọn làm thái ấp của Phụng Càn Vương Trần Liễu, thân phụ của Trần Hưng Đạo. Trần Hưng Đạo đã sinh ra và trưởng thành từ vùng đất này. Năm 1258, khi triều đình nhà Trần triển khai cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ nhất, Trần Quốc Tuấn lúc đó vừa tròn 18 tuổi đã được phong tước Thượng vị hầu và được triều đình giao về trấn thủ đất A Sào. Trước khi cuộc kháng chiến lần thứ hai, đích thân các vua Trần đã cùng Trần Quốc Tuấn về chỉ đạo xây dựng vùng ven sông Hóa (nay gồm các phần đất của Thái Bình và Hải Phòng) thành một phòng tuyến triển khai thế trận thủy chiến.

Tại vùng đất A Sào, Trần Quốc Tuấn được triều đình giao trọng trách xây dựng một lực lượng quân sự cùng một trung tâm tích trữ binh lương với nhiều địa danh đến nay tên gọi của nó còn gắn liền với cuộc kháng chiến như: làng Mễ Thương, xã An Thái (kho gạo); làng Am Qua (kho gươm); Đại Nẫm, xã Quỳnh Thọ (kho thóc lớn); A Mễ, xã An Thái (nơi để gạo của nhà Trần)...Đặc biệt, A Sào là địa danh được mang ý nghĩa là cái ổ, cái tổ của nhà Trần.

Theo ghi chép của nhà sử học Ngô Sĩ Liên thì khi Trần Hưng Đạo về A Sào đặt đại bản doanh, nhân dân khắp vùng vì lòng yêu nước đã ùn ùn mang thóc gạo đến mong được góp công góp của cùng đại binh đánh giặc. Các kho ở Mễ Thương (An Thái) đầy ắp phải mở thêm nhiều kho khác, góp phần tạo nên tiềm lực hậu cần to lớn cho đại binh của ta.

Ảnh về lễ hội còn được lưu giữ trong nhà truyền thống.

Đặc biệt, tại khu di tích A Sào hiện nay còn có Bến Tượng A Sào là nơi voi chiến của Trần Hưng Đạo bị sa lầy trên đường hành quân vượt sông Hóa tiến đánh quân của Ô Mã Nhi trên sông Bạch Đằng. Dân chúng đã mang gỗ, tre, rơm, rạ, có hào kiệt cho tháo cả nhà gỗ lim để tìm cách cứu voi chiến nhưng không kéo được voi lên. Voi nhìn chủ ứa nước mắt. Chủ tướng cũng đành nuốt nước mắt lên thuyền vượt sông để con voi ở lại vì thế trận quá khẩn trương, gấp gáp. Hưng Đạo Vương rút gươm chỉ xuống dòng sông Hóa mà thề rằng: “Nếu trận này không thắng giặc Thát, ta thề không trở lại bến sông này!”.

Sau ngày toàn thắng, nhân dân đã lập đền thờ Trần Hưng Đạo gọi là Đệ nhị sinh từ hay A Sào linh miếu (đền A Sào). Một ngôi miếu thờ tượng voi tạc bằng đá cũng được dựng lên ven bến sông. Trong khuôn viên của đền có hồ Tắm Tượng (hồ để voi tắm), có gò Đống Yên (nơi để yên ngựa của quân lính), Trại binh (nơi ở của quân lính) và nhiều linh khí khác. Hằng năm, vào ngày 10 tháng 2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Hưng Đạo Vương, để ghi nhớ công ơn của Hưng Đạo Vương, dân làng A Sào đều mở hội tế lễ Đức Thánh Trần tại Đệ nhị sinh từ và lễ hội làng A Sào là một trong những lễ hội lớn nhất vùng. Theo lệ xưa, mọi nghi thức trong lễ hội này đều theo nghi thức quốc gia, triều đình thường cử các quan về hành tế và thường có bánh giày để cúng tế. Bánh giày cũng là loại bánh mà nhân dân trong vùng đã gói hàng nghìn, hàng vạn chiếc làm lương thực cho đoàn quân vượt sông Hóa đi đánh giặc năm xưa.

Quá trình phục dựng khu di tích quốc gia

Di tích “Đệ nhị sinh từ” A Sào lúc chưa được phục dựng (ảnh tư liệu); Nguồn: Internet

Năm 1951, giặc Pháp đóng đồn ở đền A Sào, chúng đã phá hủy nhiều đồ thờ, dùng xe kéo voi đá từ bến sông về bốt để làm ụ súng và bắn gẫy vòi tượng voi đá. Qua nhiều thăng trầm, Đệ nhị sinh từ đã bị phá bỏ, chỉ còn là bãi đất hoang và tượng voi đá nằm trên nền đền cũ giữa cánh đồng A Sào. Qua nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu, năm 2005, một ngôi đền mới đã được phục dựng tại nền cũ của “Đệ nhị sinh từ”. Ngày 14-4-2011, Khu di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Cũng trong năm 2011, di tích miếu thờ, tượng voi đá tại Bến Tượng đã được phục dựng cùng với các địa danh như hồ Tắm Tượng, gò Đống Yên...Đặc biệt, UBND huyện Quỳnh Phụ đã lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu di tích lịch sử nhà Trần tại thôn A Sào, xã An Thái với diện tích 31,7 héc-ta, có nhiều hạng mục lớn, xứng tầm lịch sử và đã được UBND tỉnh Thái Bình phê duyệt tại Quyết định số 1991/QĐ-UBND ngày 7-10-2011. Hiện nay, di tích đang tiếp tục được triển khai xây dựng theo quy hoạch song mọi việc mới chỉ là khởi đầu vì còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh phí, rất cần kêu gọi các nguồn lực đầu tư của xã hội. Cũng từ năm 2012, lễ hội đền A Sào sẽ được tổ chức thường niên vào ngày 10-2 âm lịch hằng năm với nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn với các nghi lễ văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian đặc sắc như thi pháo đất, đấu vật, cờ tướng, bơi chải, màn múa kéo chữ...

Nhân dân địa phương và du khách thập phương cứ đến ngày lễ hội là nô nức, hân hoan tham dự vì muốn lưu giữ và gây dựng nét đẹp văn hóa truyền thống. Tham gia lễ hội,  du khách thập phương được sống với lòng tự hào dân tộc, tái hiện lại một thời kì hào hùng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...