Khi nông dân tích tụ ruộng đất

Thứ 2, 09/05/2016 | 09:59:00
1,579 lượt xem

Tích tụ ruộng đất chuyện tưởng “mới” nhưng lại là “cũ” đối với Thái Bình. “Cũ” là bởi từ mấy năm trước nhiều nông dân trong tỉnh đã đấu thầu thuê đất tạo thành cánh đồng lớn sản xuất tập trung cho hiệu quả kinh tế cao. Nông dân Trần Văn Lưỡng ở xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương là một điển hình. Tác phẩm đạt giải Bạc Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần XII – năm 2016.

Nông dân Trần Văn Lưỡng ở xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Từ năm 2011-2012 Trần Văn Lưỡng (xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương) đã đấu thầu vùng thùng đấu hoang hóa, cấy lúa không hiệu quả để cải tạo lại rồi cấy lúa theo hướng  tập trung. Hồi ấy ai cũng bảo ông khùng. Nhưng ông vẫn quyết tâm vẫn đầu tư và rồi giờ đây cánh đồng của ông Lưỡng rộng đến 12ha - là cánh đồng lớn nhất nhì tỉnh Thái Bình. Phóng viên Thaibinhtv.vn đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Văn Lưỡng về những nội dung xoay quanh việc thực hiện tích tụ ruộng đất và hiệu quả bước đầu mà người nông dân này có được.

Phóng viên: Xin chào ông Trần Văn Lưỡng, thưa ông diện tích đầu tiên ông đấu thầu là bao nhiêu?

Trần Văn Lưỡng: Diện tích đầu tiên của tôi là 12 ha

Phóng viên: Biệt danh “Lưỡng Khùng” mà người dân đặt cho ông có phải vì ông thầu đất úng trũng làm ăn không được gì hay vì người ta đã chán mà đang bỏ ruộng thì ông lại lao vào ôm một diện tích lớn như vậy?

Trần Văn Lưỡng: Nói chung là cả hai vấn đề. Tại sao bảo tôi là “Lưỡng Khùng” là vì người dân bảo cái ruộng ấy từ trước giờ ai làm gì cũng phải bỏ, ông ra làm thì chỉ là thằng khùng mới làm thôi. Nhưng mà tôi không phải thằng khùng, tôi không khùng, tôi xác định tôi đầu tư, tôi có ý chí, tôi sẽ thành công.

Phóng viên: Với diện tích lớn thế và cung cách làm ăn như hiện nay ông có cho rằng mình đang tích tụ ruộng đất hay đang làm một cuộc cách mạng về tái cơ cấu nông nghiệp ở Thái Bình không?

Trần Văn Lưỡng: Vâng, tôi nghĩ là như vậy! Bởi vì nếu cứ sản xuất manh mún  bằng thủ công thì không có hiệu quả cao. Cánh đồng mẫu lớn mà tích tụ ruộng đất thì phải đầu tư công nghệ hóa, trồng lúa mới có hiệu quả. Bởi vậy, tôi phải đầu tư  giao thông thủy lợi nội đồng, sắm máy làm đất, máy gặt đập liên hoàn, máy cấy rồi máy phun thuốc trừ sâu, tự nhiên là giá thành nó giảm xuống thì sẽ có lợi nhuận thôi.

Phóng viên: Vậy hiện nay 12 ha cho ông nguồn lợi thế nào?

Trần Văn Lưỡng: Thực tế là 12 ha của tôi mà như mấy năm nay trừ chi phí mỗi năm tôi thu về trên 200 triệu đồng .

Phóng viên: Được biết vừa qua ông đã ký hợp đồng cấy lúa cho Nhật, vậy thưa ông nguồn lợi mà ông thu được từ việc ký thẳng hợp đồng là như thế nào?

Trần Văn Lưỡng: Làm lúa Nhật thì mình không phải phơi phong gì, tức là mình gặt đến đâu đóng bao chuyển lên xe  bàn giao luôn, thế là xong, mà giá lại cao, tiền thu một món.

Phóng viên: Một vấn đề đặt ra là ông thuê đất của nông dân, giờ thuê luôn nông dân làm ruộng cho mình, ông có nghĩ giờ mình là “ông địa chủ” như thủa xưa không, mà thực chất là ông có lợi rồi còn người dân hưởng lợi gì từ việc sản xuất tập trung ở cánh đồng của ông?

Trần Văn Lưỡng: Thật ra tôi không xác định tôi là “ông chủ”, mà tôi chỉ nghĩ  tôi có chí hướng, tôi tổ chức sản xuất, bà con làm cho tôi thì tôi trả công, trả lương  đến nơi đến chốn. Thứ hai nữa là, thường thì người ta vẫn nói mỗi một sào ruộng  trừ chi phí đi, bà con chỉ lãi khoảng 200 ngàn đồng, giờ làm cho tôi chỉ cần 2 công  thì bà con đã có 300 ngàn đồng, bằng cấy một sào ruộng cả vụ . Vì vậy, bà con cũng nên tích tụ ruộng đất lại thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Phóng viên: Theo ông Thái Bình có thể nhân rộng những mô hình sản xuất tập trung như ông đang làm để thực hiện thành công mục tiêu cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở một tỉnh nông nghiệp như tỉnh ta?

Trần Văn Lưỡng: Vâng, chủ trương của tỉnh cho tích tụ ruộng đất thì tôi nghĩ là hoàn toàn đúng, rất đúng, bởi vì thực sự nếu cứ làm ăn manh mún thì khoa học công nghệ không vào được, công lao động (nhất là lao động thủ công) thì lại cao. Khi tổ chức Cánh đồng mẫu lớn thì thực sự mà nói, là mọi giá thành nó sẽ giảm xuống, lại tập trung giống lúa chất lượng cao giá trị sẽ tăng lên, thế thì bà con sẽ có lợi, mà người thuê đất cũng có lợi. Tôi nghĩ tích tụ ruộng đất và làm như thế là có lợi cho cả hai bên. Đặc biệt là người nông dân như chúng tôi, nếu tích tụ được thêm nữa tôi vẫn sẽ làm.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

 

Trần Văn Lưỡng kiểm tra lúa trên cánh đồng của mình.

Là nông dân rồi thuê đất để làm nông dân tiến từ sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu thành khoa học và chuyên nghiệp, thành công của Trần Văn Lưỡng chứng minh câu nói của NSND chèo Tào Mạt rằng: “điều khôn ngoan học nơi dân dã”.  Người nông dân ấy đã cho chúng ta bài học về tích tụ ruộng đất thành công như thế nào và  điều này đã giúp cho một dự án tích tụ ruộng đất không chỉ còn là dự án trên giấy mà là thực tế trên đồng ruộng, trở thành chính sách để đi vào cuộc sống một cách thực tế hơn. 

  • Từ khóa
Bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
Bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chiều ngày 30.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...