Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018

Thứ 5, 02/08/2018 | 15:29:25
402 lượt xem

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, thi cử là một ví dụ để chúng ta nhìn lại tất cả các mặt trong đổi mới giáo dục. Ngành Giáo dục may mắn được toàn dân quan tâm góp ý, mỗi người có một giác độ riêng, tuy khác nhau nhưng đều có lý. Cuối cùng, giáo dục quan trọng nhất là phải cởi mở, minh bạch hết mới tạo sự đồng thuận.

Toàn cảnh hội nghị với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm học 2017- 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học mới ngày 2/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm nay là năm thứ 5 chúng ta thực hiện Nghị quyết TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Tới đây, Đảng đã giao cho Ban Tuyên giáo, Chính phủ đã giao Bộ GD&ĐT phối hợp đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết xem chúng ta đã làm được gì, điểm gì được, điểm gì chưa được, thời gian tiếp theo cần tập trung vấn đề gì.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tổng kết hội nghị.

Theo Phó Thủ tướng, nhiệm kỳ vừa qua, nhiều báo cáo đã đánh giá tổng thể tình hình kinh tế - xã hội của đất nước đã đạt được những thành tựu toàn diện, nhiều mặt nổi bật được thế giới đánh giá cao, trong đó có ngành Giáo dục. Tốc độ tăng trưởng GDP, các chỉ số phát triển bền vững, phát triển nguồn nhân lực, xếp hạng đại học, năng lực học sinh phổ thông, năng lực đổi mới sáng tạo, Chính phủ điện tử… đều có những cải thiện rất tốt. Chúng ta nhìn nhận vào bức tranh chung, không bao giờ chúng ta hài lòng với kết quả nhưng chúng ta cũng phải nhìn vào mặt được để phát huy và những mặt chưa được để khắc phục, cải thiện tốt hơn.

Kể từ lúc thực hiện Nghị quyết TƯ 29 đến nay, có rất nhiều đổi mới trong ngành Giáo dục đã đạt những kết quả triển vọng, một số mặt đạt kết quả rất rõ. Có thể đánh giá chung, hướng đi chúng ta đã chọn đúng. Có những khâu, lĩnh vực, lộ trình đảm bảo; có những khâu, lĩnh vực lộ trình được đẩy nhanh nhưng cũng có những khâu, lĩnh vực lộ trình bị chậm...

Trong năm qua, tự chủ chương trình của các trường có chuyển biến, cách dạy và học có chuyển biến khá rõ. Trước đây, chỉ có hai trường ĐH Quốc gia và một số trường tự chủ thì đến nay, 24 trường đã thí điểm và nhiều trường đang trông đợi Chính phủ ban hành quyết định sớm để thực hiện tự chủ. Bộ Giáo dục đã gương mẫu trong việc này, giao cho 3 trường do Bộ làm chủ quản lập một đề án thí điểm cao hơn - không còn Bộ chủ quản (nghĩa là Bộ sẵn sàng từ bỏ vai trò chủ quản).

Cũng trong năm qua, Việt Nam lần đầu tiên lọt vào tốp 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới, theo bảng xếp hạng uy tín QS.

Về mầm non tư thục, riêng năm qua còn nhiều khó khăn. Nhưng ở một số các thành phố, vùng sâu vùng xa, đặc biệt là các khu công nghiệp, khu chế xuất có hơn 300 trường tư thục, nhóm lớp tư thục được bổ sung. Chúng ta có những nỗ lực lớn và chúng ta cần nhìn nhận đúng.

"Không bao giờ có giải pháp hoàn hảo"

Phó Thủ tướng đặt lại câu hỏi: “Tại sao phải có Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục?”

“Phải đổi mới căn bản và toàn diện bởi có rất nhiều thứ bất cập. Toàn diện các khâu, thậm chí 8-9-10 khâu đều bất cập. Vì bối cảnh thay đổi và yêu cầu phát triển đất nước, Giáo dục là quốc sách hàng đầu, không đổi mới thì đất nước không đi lên.

Các bất cập đến từ hệ thống, dạy chủ yếu truyền thụ một chiều, nhồi nhét, ít thực hành, không sáng tạo, vấn đề dạy đạo đức làm người chưa được coi trọng đúng mức, đội ngũ quản lý của Bộ, ngành cũng như đội ngũ cán bộ giáo viên còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất còn thiếu. Bây giờ, dần dần từng năm một chúng ta bám vào mảng này với 9 giải pháp, 5 nhóm kinh nghiệm. Nhưng tôi đề nghị, cơ bản bám sát vào những nhóm mà Nghị quyết đã nêu. Các nhóm yếu kém Nghị quyết đã đặt ra, bây giờ sửa đến lúc nào?”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục có rất nhiều vấn đề xuyên suốt nhưng cần tập trung vào 2 vấn đề.

Thứ nhất, đổi mới giáo dục phải là một quá trình. Đổi mới giáo dục cũng như xây cái nhà, làm cái đường, xây phòng lớp học… phải bắt đầu từ những cái rất nhỏ. Ngay như việc thi THPT quốc gia cũng phải có lộ trình. Từ năm 2015 bắt đầu làm, đến 2021 thì mới xong lộ trình.

Đổi mới sách giáo khoa cũng vậy, vì đổi mới là một quá trình không phải giục một cái là xong. Trong quá trình ấy, không bao giờ có giải pháp nào là hoàn hảo hết. Do vậy, đã làm rồi thì phải rất khoa học, cầu thị và kiên trì.

Tính không hoàn hảo còn thể hiện ở việc, giáo dục không chỉ liên quan đến gia đình, xã hội và nhà trường mà còn đặt chung trong bối cảnh kinh tế, xã hội và thói quen truyền thống. Khi làm một giải pháp, nó tác động rất nhiều mặt khác nhau. Lợi mặt này, hại mặt kia chúng ta phải cân đối.

Thứ hai, trong quá trình đổi mới chúng ta phải kiên định. Đó là nhất định theo xu thế thế giới. Không thể vì đặc thù, đặc điểm hay vì trong quá trình này có tác dụng ngược mà mình xoay lại, đi ngược theo xu thế thế giới. Tiêu biểu, tự chủ đại học là một xu thế, tới đây quản lý các trường phổ thông cũng phải thay đổi, môi trường giáo dục bớt tính hành chính đi, đấy là xu thế.

Nhìn nhận đổi mới giáo dục từ thi cử

“Chẳng hạn, thi là một ví dụ để chúng ta nhìn lại tất cả các mặt. Các đồng chí đã rút ra nhiều kinh nghiệm trong năm vừa qua và những năm trước đây. Theo tôi, có những kinh nghiệm không phải các đồng chí chưa rút ra đâu nhưng các đồng chí không thể hiện trong báo cáo. Tôi nghĩ, chúng ta cũng cần phải xem vì đây là những kinh nghiệm quý và vì những đặt điểm giáo dục như đã nói ở trên.

Giáo dục là lĩnh vực không chỉ Đảng, Nhà nước mà toàn dân quan tâm, đó là điều đáng mừng. Do vậy, rất nhiều người đóng góp, góp ý cho ngành Giáo dục. Đây là một điều may mắn. Chính phủ chỉ đạo làm Luật, làm Nghị định, các Bộ làm Thông tư đều theo Luật của ban hành văn bản, quy phạm pháp luật đều đưa lên trang mạng để lấy ý kiến toàn dân. Nhưng rất nhiều lĩnh vực, nhiều nghị định, nhiều luật trong quá trình lấy ý kiến hầu như rất ít ý kiến góp ý; chỉ khi thực hiện rồi vướng thì một số người mới nói. Nhưng Giáo dục chúng ta thì vô cùng may mắn, thậm chí chưa đăng tải văn bản dự thảo thì toàn dân, nhất là các chuyên gia đã góp ý rất nhiều. Mọi người đều tâm huyết nhưng mỗi người một giác độ nhìn, thậm chí một vấn đề các đồng chí đưa ra nhiều ý kiến trái ngược nhau nhưng đều có lý.

Giáo dục dựa vào đặc điểm ấy, trong quá trình ban hành chủ trương, chính sách dù là nhỏ nhất nhưng tác động đến toàn dân, Chúng ta phải rất chú trọng đến khâu mở ra các diễn đàn để mọi người góp ý. Trong quá trình góp ý, sẽ có nhiều luồng ý kiến khác nhau, cái nào chúng ta chọn sẽ có lý giải để tạo sự đồng thuận trong xã hội. Bởi vì không có giải pháp nào hoàn hảo, không có giải pháp nào 100% mọi người đều đáp ứng được nguyện vọng của mình. Mọi người qua tranh luận, góp ý sẽ thấy cái gì phù hợp nhất với lợi ích chung để lựa chọn.

Không riêng thi vừa rồi, tất cả các việc như phong GS/PGS, dạy Sử thế nào… tôi đều nghe rất nhiều các chuyên gia góp ý. Tôi nhận được hàng nghìn bức thư, bài viết tâm huyết đóng góp, kể cả phê phán cũng tâm huyết. Nhưng một điều đáng mừng là sau các cuộc gặp, các chuyên gia trao đổi thảo luận với nhau, chưa cần tôi nói gì cả, rất nhiều người cũng đều nói lại với nhau rằng “nếu không nghe kỹ cái này thì tôi nghĩ mình tôi đúng, nhưng nghe kỹ lại thì thấy mọi người đều có lý cả”.

Cuối cùng, giáo dục quan trọng nhất là phải cởi mở, minh bạch hết mới tạo sự đồng thuận. Tôi cho rằng, đây là kinh nghiệm vô cùng quý mà chúng ta phải nhớ, phải làm. Có đồng thuận mới được ủng hộ thực hiện nhưng quan trọng hơn là vai trò của sự đồng thuận.

Giáo dục không chỉ thầy cô, mà phải có gia đình, xã hội; khi đồng thuận vào thì Giáo dục mới tổng hợp được những sức mạnh ấy, đẩy đổi mới lên”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Từ ví dụ thi cử, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đổi mới giáo dục phải cởi mở, minh bạch mới tạo sự đồng thuận và sức mạnh đồng thuận.

Cũng tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thay mặt Chính phủ nêu những giải pháp cụ thể đối với một số vấn đề “nóng” mà các đại biểu đưa ra tại hội nghị như: tinh giản biên chế, chất lượng chuyên môn và đạo đức đội ngũ giáo viên, quy hoạch trường lớp học, thiếu giáo viên mầm non… Phó Thủ tướng cũng mong thời gian tới, các địa phương cần quan tâm đến vấn đề cơ sở vật chất, vệ sinh lớp học, bạo lực học đường.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận tại Tổ về các dự án Luật

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ Tám, sáng ngày 22.11, các đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình thảo luận tại tổ 10 gồm: đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang, về dự án Luật Thuế...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...