Hải quân Việt Nam mưu trí giải phóng Trường Sa năm 1975

Thứ 3, 03/05/2016 | 08:17:33
888 lượt xem

Nhận nhiệm vụ, Bộ Tư lệnh Hải quân lệnh cho các đơn vị gấp rút, sẵn sàng, thẳng tiến giải phóng quần đảo Trường Sa trong chiến dịch mang mật danh C75.

Bí mật, bất ngờ 

Ngày 4-4-1975, Bộ Tư lệnh Hải quân nhân dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 thống nhất cử Đoàn 126 đặc công nước (nay là Lữ đoàn 126 đóng tại Hải Phòng) điều động Đội 1 gồm 170 sĩ quan, chiến sĩ; cùng phối hợp cómột phân đội hỏa lực của Tiểu đoàn 471 (Quân khu 5) sử dụng ba tàu vận tải T673, T674, T675 vốn trước đây là các "tàu không số" với thủy thủ đoàn hơn 60 người có kinh nghiệm đi biển của Đoàn hải quân vận tải 125 tổ chức hành quân ra chiếm các đảo trên quần đảo Trường Sa.


Các chiến sĩ hải quân vượt gian khó, ngày đêm canh giữ biển đảo thuộc quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.

Về phía Quân lực Việt Nam cộng hòa đang chiếm giữ đảo, do có lực lượng hải quân khá mạnh nên chỉ để một số đơn vị bộ binh nhỏ giữ phần đất nổi các đảo và đá. Lực lượng chủ yếu là tiểu đoàn 371 địa phương quân Phước Tuy, tổng cộng có 163 sĩ quan và binh lính, được bố trí trên 5 đảo quan trọng của quần đảo Trường Sa, gồm có: Đảo Nam Yết là nơi đóng chỉ huy sở, có 50 người; đảo Song Tử Tây có 39 người; 25 người ở đảo Sơn Ca; đảo Sinh Tồn có 19người và 30 người ở đảo Trường Sa.­ Hỏa lực trang bị chủ yếu là súng bộ binh, súng chống tăng M-72. Khi cần thiết, khu trục hạm, các tuần dương hạm và hộ tống hạm chi viện hỏa lực từ trên biển. 

Hiên ngang bảo vệ chủ quyền biển, đảo Trường Sa.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), thiếu tướng Mai Năng (tên thật Tạ Văn Thiều), là chỉ huy trưởng trực tiếp đánh trận giải phóng quần đảo Trường Sa, hiện đang sinh sống tại Kiến Thụy (Hải Phòng). Anh hùng LLVTND Mai Năng đã 87 tuổi, nhưng ông vẫn nhớ và kể lại từng chi tiết trận đánh anh dũng của quân ta giải phóng quần đảo Trường Sa. Đúng 4 giờ ngày 11-4 -1975, các tàu chở các lực lượng tham gia chiến đấu được lệnh xuất phát rời cảng Đà Nẵng đi giải phóng Trường Sa, với phương châm tác chiến“giữ cho được yếu tố bí mật, bất ngờ tấn công”.

Theo kế hoạch, ba tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam được ngụy trang thành các tàu đánh cá. Trước khi bước vào thực hiện nhiệm vụ, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc vị trí ý nghĩa hết sức quan trọng của nhiệm vụ lần này và nhận thức rõ những khó khăn mà đơn vị phải khắc phục để hoàn thành nhiệm vụ trên giao.

Trong quá trình cơ động trên biển, các phân đội tiếp tục động viên bộ đội xác định tốt trách nhiệm, xây dựng ý chí quyết tâm, xử lý chính xác, khẩn trương để giành chiến thắng. Nhiều lần biên đội tàu gặp địch trên không, trên biển, song do bộ đội chấp hành tốt qui định giữ bí mật khiến kẻ địch không thể phát hiện được.

Các chuyến tàu ra đảo, qua đảo Gạc Ma đều làm lễ tưởng niệm những chiến sỹ tử chiến năm 1988 để bảo vệ đảo.

Mưu trí giành chiến thắng

Từ 11 giờ ngày 11-4 đến hết ngày 12-4, các tàu của ta gặp ba tàu của địch và chúng dùng trực thăng kiểm tra và cho rằng là tàu đánh cá của Hồng Kông đang đổi hướng di chuyển về phía Bắc. Sau khi ba tàu của địch đi xa, trung tá Mai Năng ra lệnh cho cả ba tàu quay lại tiến về phía đảo Song Tử Tây.

19 giờ 30 ngày 13 tháng 4, tàu 673 tiếp cận từ phía Đông đảo Song Tử Tây, hai tàu 674 và 675 vòng ra án ngữ hai bên sườn phía Nam và phía Tây đảo. Lúc 1 giờ 15 phút ngày 14 tháng 4, Đội 1 (đoàn 126) và đội hỏa lực (tiểu đoàn 471) dùng 7 xuồng cao su đổ bộ lên đảo, chia làm ba mũi tấn công từ các hướng Nam, Tây và Đông Nam. Sau 30 phút giao chiến, cuộc kháng cự yếu ớt của QLVNCH tại Song Tử Tây nhanh chóng chấm dứt và chúng buộc phải đầu hàng. Hải quân Việt Nam Cộng hòa điều tàu tuần dương HQ-16 và tàu vận tải HQ-402 từ Vũng Tàu ra nhưng không tổ chức phản kích do chưa nắm được thực lực của phía ta. Hai tàu này quay về phòng giữ đảo Nam Yết là căn cứ chỉ huy của vùng đảo. Bộ tư lệnh tiền phương HQNDVN điều tàu 641 ra thay thế hai tàu 674 và 675 được giao nhiệm vụ chở hàng binh QLVNCH về Đà Nẵng. 

Sau khi chiếm đảo Song Tử Tây, Bộ tư lệnh HQNDVN dự định tấn công cùng lúc vào ba đảo Nam Yết, Sơn Ca và Sinh Tồn nhưng các tàu tuần dương và tàu vận tải của HQVNCH đã án ngữ đảo Nam Yết. Yếu tố bí mật bất ngờ không còn. Dựa vào tình hình thực tế và kinh nghiệm, đêm 24 tháng 4, trung tá Mai Năng quyết định tiến đánh đảo Sơn Ca trước và 2 giờ 30 phút, cuộc tấn công bắt đầu. 2 binh sĩ QLVNCH chết ngay trong loạt đạn đầu tiên, 23 người còn lại kéo vào công sự ẩn nấp và ra hàng lúc 3 giờ 00. 

 

Mất Song Tử Tây và Sơn Ca, cộng với tình hình đất liền đang diễn biến hết sức bất lợi, lúc 20 giờ 45 phút ngày 26-4, Bộ tư lệnh Hải quân QLVNCH điện ra lệnh di tản các đơn vị còn lại của tiểu đoàn 371 địa phương quân Phước Tuy rời khỏi các đảo Nam Yết và Sinh Tồn. Trinh sát kỹ thuật của QĐNDVN đã bắt được bức điện này và lên phương án tác chiến. 11 giờ 30 ngày 27 và 11 giờ ngày 28-4, Nam Yết và Sinh Tồn lần lượt được giải phóng. Ngày 28/4, QLVNCH tại đảo Trường Sa rút lên tàu vào ngày 29-4, những đơn vị của Đoàn 126 đặc công nước của hải quân QĐNDVN tiếp quản đảo này, chiến dịch mang mật danh C75 giành thắng lợi. 

Yêu hòa bình.

Anh hùng LLVTND Mai Năng cho rằng: "Nếu không thực sự dũng cảm và có ý chí, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thì đặc công khó có thể hoàn thành nhiệm vụ giải phóng quần đảo Trường Sa". Sau khi hoàn thành nhiệm vụ giải phóng các đảo trên quần đảo Trường Sa, theo chỉ đạo của trên, bộ đội đặc công Trung đoàn 126 bàn giao cả 5 đảo cho lực lượng của Tiểu đoàn 4, Sư đoàn 2, Quân khu 5 làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ. Toàn bộ lực lượng của Trung đoàn 126 rút về căn cứ Cát Lái (thành phố Sài Gòn- Gia Định) để thực hiện nhiệm vụ mới.

“Một ngày sau khi quần đảo Trường Sa được giải phóng, 11 giờ ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân, dân ta đã giành thắng lợi. Việc giải phóng kịp thời quần đảo Trường Sa, phần đất thuộc chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam nằm ở xa đất liền nhất, đã góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975”, Anh hùng LLVTND, thiếu tướng Mai Năng cho biết.

  • Từ khóa
Bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
Bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chiều ngày 30.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...