Quốc hội lùi thời gian xem xét dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Thứ 3, 12/06/2018 | 09:18:13
220 lượt xem

Ngày 11-6, kỳ họp thứ năm, Quốc hội (QH) khóa XIV sang ngày làm việc thứ 17. Buổi sáng, các đại biểu làm việc tại hội trường nghe Báo cáo về việc điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, sau đó các đại biểu QH biểu quyết thông qua việc điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật nêu trên; thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). Buổi chiều, QH thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.


 

Quốc hội lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân
Mở đầu phiên làm việc buổi sáng, các đại biểu QH nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH (TVQH) trình bày Báo cáo về việc điều chỉnh thời gian xem xét, thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Báo cáo nêu rõ: Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được Chính phủ trình QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ tư (tháng 10-2017); sau đó, đã được tiếp thu, chỉnh lý để trình QH tại kỳ họp này. Kết quả tổng hợp ý kiến các vị đại biểu QH phát biểu tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 23-5-2018, cũng như góp ý bằng văn bản về dự án Luật cho thấy, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và cho rằng, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý nghiêm túc, thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, đây là dự án Luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; nhiều quy định về cơ chế, chính sách trong dự thảo Luật mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy, quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; ý kiến của đại biểu QH, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của dự án luật còn khác nhau.


 

Đại biểu QH tỉnh Cà Mau phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường

 

Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH, các tầng lớp nhân dân và cử tri, Ủy ban TVQH đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm. Đồng thời, Ủy ban TVQH thống nhất với Chính phủ đề nghị QH cho điều chỉnh thời gian xem xét dự án luật này từ Kỳ họp thứ năm sang Kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2018) để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu QH, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và nhân dân.
Ủy ban TVQH đề nghị, QH giao Chính phủ chủ trì phối hợp với Ủy ban TVQH chỉ đạo tổ chức nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự thảo Luật và hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết, đề án về thành lập các đặc khu, báo cáo Ủy ban TVQH cho ý kiến trước khi trình QH xem xét tại kỳ họp thứ sáu; chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan quản lý chặt chẽ việc sử dụng đất đai tại các địa bàn dự kiến thành lập đặc khu; tích cực triển khai các công việc chuẩn bị về nguồn lực, điều kiện bảo đảm để khi Luật và các nghị quyết được QH thông qua có thể thực hiện được ngay. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, làm rõ những vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm để tạo sự đồng thuận cao đối với các nội dung của dự thảo Luật.
Tiếp đó, QH đã bỏ phiếu rút nội dung trình QH biểu quyết thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và dự thảo nghị quyết về việc thi hành luật này tại phiên họp bế mạc kỳ họp thứ năm, với 423 đại biểu tán thành, bằng 85,63% tổng số đại biểu.
Phát biểu ý kiến ngay sau khi QH bỏ phiếu thông qua việc điều chỉnh lùi thời gian xem xét, thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Ngày 10-6, ở một số ít địa phương đã xảy ra tình trạng một bộ phận người dân tụ tập đông người, kéo xuống đường gây ách tắc giao thông và có hành động quá khích làm ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân dân. Qua đây chúng ta thấy, việc QH, đại biểu QH đang bàn ở hội trường này đã lan tỏa ra ngoài xã hội. Đáng tiếc, vấn đề đó đã làm cho nhân dân không hiểu đúng bản chất sự việc, có sự ngộ nhận, hiểu nhầm cho nên đã có hành động quá khích. Không loại trừ lòng yêu nước của người dân đã bị lợi dụng, gây ảnh hưởng tới trật tự, an toàn xã hội. Như chúng ta theo dõi trên đài, báo, nhiều người dân phản ứng trước hành động đó.
Chủ tịch QH kêu gọi đồng bào, nhân dân cả nước hãy bình tĩnh và tin tưởng vào sự quyết định của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là những dự án luật mà QH đang thảo luận luôn luôn lắng nghe ý kiến của người dân.

Khắc phục những hạn chế của công tác đặc xá
Thảo luận về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi), đại biểu Dương Đình Thông (Bắc Giang) cùng đa số đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) và cho rằng, qua tổng kết thực tiễn hơn 10 năm thi hành Luật Đặc xá năm 2007 cho thấy, nhiều quy định của luật không còn phù hợp. Để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời, khắc phục những khó khăn, bất cập trong thực hiện đặc xá những năm qua, thì việc sửa đổi, bổ sung Luật Đặc xá hiện hành là rất cần thiết. Các đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên); Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) và một số đại biểu cho rằng, đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, do Chủ tịch nước quyết định đối với người bị kết án phạt tù. Do vậy, các quy định về đặc xá phải có sự khác biệt cơ bản với các chính sách khoan hồng, nhân đạo khác đang được giao cho các cơ quan tư pháp thực hiện, như: miễn trách nhiệm hình sự, miễn lệnh phạt, miễn chấp hành hình phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt. Nhất là, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện, cho nên Luật Đặc xá (sửa đổi) lần này cần sửa đổi về điều kiện đặc xá để tránh trùng lặp về chính sách với tha tù trước thời hạn có điều kiện, khắc phục những hạn chế về số lượng đặc xá quá lớn như ở các lần đặc xá trước đây. Một số ý kiến cho rằng, việc đặc xá với số lượng lớn như thời gian qua chưa thể hiện rõ ân huệ của người đứng đầu Nhà nước đối với người phạm tội; làm giảm tính nghiêm minh của việc chấp hành bản án của Tòa án của người phạm tội. Do vậy, Ban soạn thảo cần đối chiếu để khắc phục những hạn chế của dự án Luật. Trong đó, cần chú trọng việc áp dụng đặc xá đối với một số đối tượng nhất định, đặc biệt như: người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người bị kết án phạt tù là phụ nữ có thai, hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi…
Bên cạnh đó, hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về việc xác định sự kiện trọng đại của đất nước, do vậy Ban soạn thảo cần quy định cụ thể tiêu chí xác định thế nào là sự kiện trọng đại của đất nước, cũng như các trường hợp được xem là trường hợp đặc biệt, làm cơ sở cho Chủ tịch nước quyết định đặc xá; bảo đảm tính công khai, minh bạch và thống nhất khi áp dụng chế định đặc xá đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân.
Trong phiên thảo luận, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã phát biểu ý kiến trao đổi, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu QH quan tâm.

Nhiều vấn đề cần quan tâm trong ngành giáo dục
Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục. Đại biểu QH Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) và một số đại biểu có ý kiến rằng, giáo dục mầm non thời gian qua còn nhiều bất cập, như vấn đề bạo hành trẻ, bữa ăn kém chất lượng, thiếu trường mầm non tại các khu chế xuất, khu công nghiệp... Tuy nhiên, nội dung giáo dục mầm non chưa được xem xét, bổ sung. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu các quy định khác liên quan giáo dục mầm non vì đây là bậc học quan trọng nhất trong việc nâng cao tầm vóc và trí tuệ Việt. Cần tăng cường đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ đối với các giáo viên mầm non để hoàn thành tốt công tác nuôi dạy.

Các đại biểu QH: Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), Bùi Ngọc Chương (Cà Mau) cùng nhiều đại biểu cho rằng, nội dung cho vay tín dụng đối với sinh viên sư phạm như trong dự thảo Luật nhằm tránh lãng phí ngân sách nhà nước cũng như điều tiết việc nhiều sinh viên vào ngành sư phạm dẫn đến thừa giáo viên. Tuy nhiên, quy định này đang đặt ra vấn đề khi sinh viên sư phạm tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm sẽ rất khó khăn để trả khoản vay và các đơn vị phụ trách khoản tín dụng này không thể thu hồi khoản cho vay. Mặt khác, có một số lượng lớn sinh viên ngành sư phạm sau khi tốt nghiệp không có cơ hội được tuyển dụng chứ không phải không muốn công tác trong ngành sư phạm. Theo các đại biểu QH, vấn đề đặt ra ở đây là cần chính sách quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục làm căn cứ để đầu tư đúng và đủ. Cần xây dựng các chính sách thu hút sinh viên giỏi vào các trường sư phạm và các chính sách đào tạo, đãi ngộ để có thể tạo ra đội ngũ giáo viên có chất lượng cao. Việc quy định về cho vay tín dụng thay cho miễn học phí không phải là nội dung quyết định, không thể giải quyết tận gốc của vấn đề.
Một nội dung quan trọng được nhiều đại biểu quan tâm là việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK). Các đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa - Vũng Tàu), Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cùng một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật quy định mỗi môn học có thể có nhiều SGK, cơ sở giáo dục được lựa chọn SGK để sử dụng Quy định này sẽ không bảo đảm được tính thống nhất trong toàn ngành giáo dục. Về giá SGK, thời gian qua, một số trường tự lựa chọn SGK và đã xảy ra việc có trường chọn cuốn sách với giá thị trường khoảng 14.000 đồng nhưng có trường lại chọn hai cuốn khác với giá gấp khoảng mười lần. Bởi vậy, trong luật phải quy định giá SGK không lệch nhau.
Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã phát biểu ý kiến tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề được các đại biểu QH nêu ra.

Sáng 11-6, QH biểu quyết điều chỉnh thời gian xem xét dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhằm tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của nhân dân, hoàn thiện dự thảo trên cơ sở giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia và phát triển kinh tế đất nước. Ngay sau đó, đồng chí Bùi Văn Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thế giới, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã gửi Lời kêu gọi anh chị em đoàn viên công đoàn, công nhân lao động cả nước. Theo đó, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kêu gọi anh chị em công đoàn, công nhân lao động bình tĩnh, hết sức cảnh giác, không nghe theo, không làm theo lời xúi giục của kẻ xấu, không để lòng yêu nước bị lợi dụng. Đồng thời tuyên truyền cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp không tham gia các hành động trái pháp luật, không chia sẻ những nội dung mang tính kích động trên các trang mạng xã hội. Đồng chí nhấn mạnh: Vì sự ổn định và phát triển của đất nước, tất cả chúng ta hãy đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch; giữ gìn trật tự an ninh, an toàn xã hội, bảo vệ công ty, bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ việc làm của chính mình.
Để bảo đảm tính cụ thể của Luật Đặc xá, cũng như sự chủ động của chính sách, cơ quan thực thi pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu cân nhắc chỉ nên quy định hai thời điểm đặc xá. Một là, nhân dịp sự kiện trọng đại của đất nước. Hai là, trường hợp đặc biệt để thể hiện rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước; đồng thời quy định cụ thể trong dự thảo Luật các lần đặc xá cách nhau là 3 năm hoặc 5 năm, trừ trường hợp đặc biệt thì Chủ tịch nước có quyền quyết định.
Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa - Vũng Tàu)


" Trong nội dung dự thảo Luật quy định về trình độ chuẩn của nhà giáo dạy trung học cơ sở có nội dung quy định có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm hoặc bằng tốt nghiệp đại học và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở. Như vậy, người tốt nghiệp đại học không thuộc ngành sư phạm sau khoảng hai tháng có thể có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để đủ tiêu chuẩn giảng dạy trung học cơ sở. Đây có thể là nguyên nhân ảnh hưởng quy hoạch nhân lực ngành sư phạm. Trong khi đó, giai đoạn trung học cơ sở là giai đoạn cơ bản, ngoài kiến thức chuyên môn người thầy cần có tác phong, nghiệp vụ sư phạm được đào tạo bài bản. Bởi vậy, cần bỏ nội dung có bằng tốt nghiệp đại học và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm." 

Đại biểu Hứa Thị Hà (Tuyên Quang)

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 28.11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...