Giáo dục đang ở giai đoạn nào trên con đường quá độ

Thứ 4, 06/06/2018 | 10:04:26
212 lượt xem

Trả lời chất vấn Quốc hội sáng nay 6/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Giáo dục liên quan đến mọi người, đụng chạm đến toàn xã hội, nên đổi mới phải có lộ trình, có bước đi. Đổi mới giáo dục đào tạo không nóng vội được, trước khi đổi mới có tuyên truyền, ghi nhận ý kiến. Quá độ là cần thiết chứ không phải thấy bí, thấy vướng thì làm ngay mà phải quá độ, có lộ trình.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đăng đàn trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội với 3 nhóm vấn đề nóng dư luận đang quan tâm tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV. Trong buổi trả lời chất vấn sáng nay có tới hơn 80 đại biểu đặt câu hỏi tới Bộ trưởng Nhạ.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: "Ngành Giáo dục với hơn 22 triệu học sinh sinh viên cả nước và 1,4 triệu thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục có ảnh hưởng, liên quan mọi người, mọi nhà. Ý thức được trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân ngành Giáo dục đã quyết tâm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới toàn diện giáo dục đào tạo, Nghị quyết về đổi mới SGK và các nghị quyết, nghị định khác. Trong thời gian qua, ngành với nhiều nỗ lực, ngành có những kết quả bước đầu, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nước nhà.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn.

Tuy nhiên, đây là lĩnh vực rộng lớn cần có thời gian để phát huy kết quả đổi mới. Bản thân ngành Giáo dục còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Trong thời gian qua, còn nhiều việc hạn chế tồn tại gây bức xúc dư luận, nhiều vấn đề chưa đáp ứng kì vọng của nhân dân. Chúng tôi xin chịu trách nhiệm và có chỉ đạo cụ thể để tháo gỡ các vấn đề:

Chấm dứt tình trạng "phân luồng bắt buộc"

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) đặt câu hỏi về chủ trương phân luồng giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, nhằm tránh những bất cập hiện nay là tỉ lệ vào đại học quá lớn trong khi học nghề lại ít.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) chất vấn về vấn đề phân luồng giáo dục chưa tốt.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Đây không phải là vấn đề mới. Trung ương và Chính phủ đều có đề án chỉ đạo về vấn đề này nhưng thời gian qua, kết quả chưa tốt. Nguyên nhân có nhiều, nhưng nguyên nhân của ngành giáo dục thì căn cốt là nội dung, chương trình.

Học sinh chúng ta nặng học kiến thức, phần kỹ năng năng lực thực hành chưa tốt. Chúng ta cũng đã đưa ra một hệ thống giải pháp để phân luồng. Bộ sẽ thực hiện bồi dưỡng đội ngũ giáo viên hướng nghiệp chuyên nghiệp, thời gian vừa qua đội ngũ này còn kiêm nhiệm, chưa chuyên nghiệp.

Nhóm giải pháp căn cơ cho vấn đề này là tạo ra sự yêu thích đam mê chứ không phải giải pháp tình huống là thi đỗ đâu thì học đó. Trong chương trình phổ thông chúng tôi sẽ thiết kế tạo đam mê, đẩy mạnh phong trào giáo dục STEM.

Ngay từ khi học phổ thông thì phải làm tốt công tác hướng nghiệp, xây dựng một đội ngũ tư vấn hướng nghiệp thật tốt.

Tiếp theo là điều kiện để các em tiếp cận thị trường lao động, tiếp cận nghề nghiệp mới, đặc biệt là hiện nay là cuộc cách mạng 4.0. Đây là những tiếp cận rất quan trọng, chúng ta cần bồi dưỡng để giáo viên làm tốt công tác hướng nghiệp.

Hiện nay phân luồng giáo dục ở bậc phổ thông chủ yếu mang tính bắt buộc, tức là học sinh thi đại học không đỗ thì vào học nghề. Nếu kéo dài tình trạng phân luồng bắt buộc thì không ổn. Bộ thực hiện giải pháp một bên hướng nghiệp, một bên tạo sự hấp dẫn, khơi dậy đam mê, yêu thích, chủ động lựa chọn nghề nghiệp ở học sinh. Tới đây chúng tôi sẽ phối hợp với bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung để có giải pháp tốt cho vấn đề phân luồng", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Giáo dục đang ở giai đoạn nào trên con đường quá độ?

Đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) chất vấn: "Cá nhân tôi rất trân trọng đánh giá cao nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục của Bộ trưởng trong thời gian qua. Tôi nhớ Bộ trưởng từng nói, Giáo dục của chúng ta đang trong giai đoạn quá độ. Xin hỏi chúng ta mất bao lâu để đi hết con đường này? Hiện nay chúng ta đã đi đến giai đoạn nào trên con đường quá độ đổi mới. Trong nhiệm kỳ của mình, Bộ trưởng sẽ đạt bao nhiêu kết quả?"

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Giáo dục liên quan đến mọi người, đụng chạm đến toàn xã hội, nên đổi mới phải có lộ trình, có bước đi. Đổi mới giáo dục đào tạo không nóng vội được, trước khi đổi mới có tuyên truyền, ghi nhận ý kiến. Quá độ là cần thiết chứ không phải thấy bí, thấy vướng thì làm ngay mà phải quá độ, có lộ trình.

"Ngay thi cử cũng vậy, từ việc tổ chức hai kỳ thi trong năm chúng ta tổ chức lại một kỳ thi, rồi chỉnh sửa dần cho phù hợp. Bộ cũng nghiên cứu cùng với lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa, chứ không thể đổi mới ngay được", ông Nhạ khẳng định.

"Chúng ta đang ở đâu? Báo cáo đại biểu là chúng ta đang ở giai đoạn đổi mới và đạt nhiều hiệu quả. Ví dụ phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, giáo dục tiểu học, kết quả PISA... chúng ta làm tốt, được quốc tế đánh giá cao".

Tư lệnh ngành Giáo dục cũng bày tỏ mong muốn cử tri, nhân dân, các vị đại biểu chia sẻ với những khó khăn của ngành.

"Chúng tôi tin rằng trong từng mốc thời gian sẽ có kết quả. Trong nhiệm kỳ của mình, chúng tôi tin rằng việc đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa phải đạt kết quả. Về đại học thì đẩy mạnh tự chủ, nâng cao chất lượng, đáp ứng mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Đại biểu Đào Tú Hoa (Hà Nội) nêu thực trạng 200.000 sinh viên thất nghiệp gây bức xúc trong xã hội và lãng phí nguồn lực, đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết giải pháp của ngành Giáo dục trong thời gian tới. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, đó là thực trạng có thật và nhấn mạnh để giải quyết vấn đề "cái gốc vẫn là chất lượng".

Chất lượng phải được chuẩn kiểm định quốc tế và thị trường. Giải pháp của Bộ là phối hợp giữa nhà trường với các doanh nghiệp, thị trường lao động. Bộ chỉ đạo ngành công nghệ thông tin và du lịch được đào tạo theo hướng trực tiếp gắn với phân bổ việc làm sau tốt nghiệp.

"Chúng tôi sẽ thực hiện các giải pháp về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, tự chủ đại học để nâng cao chất lượng. Từng trường đại học phải chủ động nghiên cứu thị trường trước khi mở ngành đào tạo.

Mặc dù được tự chủ tuyển sinh nhưng không phải thích mở ngành gì thì mở, chúng tôi kiểm soát rất chặt vấn đề này. Nhà trường phải có trách nhiệm với lao động và xã hội. Chứ không phải khi tuyển sinh thì chào mời, chất lượng đầu ra thì không bỏ mặc".

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) đặt vấn dề: Chúng ta đều biết hiện nay, các gia đình Việt gửi con em đi nước ngoài học rất nhiều, cả diện học bổng và tự túc. Một số nước có học phí khá cao, có nơi học phí 400-500 triệu đồng/ 1 năm . Bộ trưởng nghĩ gì về vấn đề này và có giải pháp gì để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này?

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc cho con cái đi du học không chỉ nói về vấn đề giáo dục mà có cả vấn đề về văn hóa, môi trường kinh tế... Hiện nay, việc các gia đình đưa con đến các nước phát triển học để nhận được điều kiện giáo dục tốt hơn là xu hướng. Trong thực tế, Nhà nước ta đã dành 20% ngân sách xây dựng giáo dục, tuy nhiên vai trò đóng góp của các thành xã hội, đặc biệt doanh nghiệp là rất lớn. Đây cũng là bài học thành công của Hàn Quốc, Trung Quốc về huy động nguồn lực cho giáo dục.

"Theo thống kê chưa chính thức, mỗi năm phụ huynh Việt bỏ chi phí đến 3-4 cho con đi du học. Bây giờ, chúng ta phải làm sao thu hút được các gia đình có điều kiện không chỉ lựa chọn cho con ra nước ngoài mới có nền giáo dục chất lượng tốt mà trong nước cũng có. Chúng tôi đã tham mưu Chính phủ khuyến khích các tập đoàn lớn đầu tư cho giáo dục.

Giáo dục phân khúc chất lượng cao, Nhà nước vẫn có trách nhiệm nhưng các doanh nghiệp sẽ có vai trò không nhỏ. Giải pháp là xây dựng chương trình đào tạo được kiểm định chất lượng quốc tế, tăng đóng góp của tư nhân trong giáo dục chất lượng cao. Tới đây, trong Luật giáo dục chúng tôi sẽ khuyến khích tăng cường xã hội hóa giáo dục", ông Nhạ cho hay.

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 28.11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...