Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Bạo lực, xâm hại trẻ em thực tế còn nhiều hơn

Thứ 3, 05/06/2018 | 15:24:56
235 lượt xem

Chiều nay, 5-6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn nhóm vấn đề thứ ba đối với Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. Có 68 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. Vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em được nhiều đại biểu chất vấn, ngoài Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Viện trưởng Viện Kiểm sát tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng tham gia giải trình.

 

Phân loại đối tượng xâm hại trẻ em để tìm ra giải pháp

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (TP Hà Nội, ảnh trên) chất vấn: Tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm và trầm trọng. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018 đã có 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em và đã có 562 cháu bị xâm hại. Nếu tính tối thiểu mỗi vụ một cháu thì có ít nhất 10 cháu bị hai vụ với tính chất cực kỳ nghiêm trọng. Nguyên nhân 6% liên quan đến hàng xóm, người quen, 21% liên quan đến người thân trong gia đình. “Vậy xin hỏi Bộ trưởng giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng hết sức đau lòng này?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, từ phân loại xâm hại trẻ em sẽ tìm ra giải pháp. Tỷ lệ 59,9% là người thân quen nên đây là đối tượng thời gian tới cần quan tâm giáo dục hơn

Giải pháp thời gian tới phải tăng cường quản lý Nhà nước, đặc biệt Bộ Công an, Lao động, Thương binh và Xã hội cần tập trung rà soát quy định pháp luật, tăng cường trách nhiệm của gia đình cùng nhà trường, xã hội, phối hợp thực thi pháp luật, bảo vệ quyền trẻ em trong tố tung. Phối hợp các bộ ngành để tăng cường xử lý các vụ việc một cách nhanh chóng nhất, phản ứng nhanh khi tình huống xảy ra, Đồng thời tập trung giáo dục kỹ nâng sống, kỹ năng tự bảo vệ của trẻ em. Sắp tới, Bộ sẽ phối hợp Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Ngay sau khi Bộ trưởng trả lời, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn dã đăng đàn trả lời và cho rằng câu trả lời này chưa thuyết phục.

“Các giải pháp Bộ trưởng đưa ra tôi chưa hài lòng vì chưa có giải pháp nào mạnh. Vì đây là tội phạm khá đặc biệt, khó phát hiện, đặc biệt là bằng chứng mất dần qua thời gian, mà thời gian ở đây được tính theo giờ, theo ngày chứ không tính theo tháng, theo năm”, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn nói.

Theo đại biểu Tuấn, vấn đề tiếp cận xử lý tin báo, tố cáo, xét xử thì chúng ta phải nhanh, mạnh mẽ mới có được bằng chứng kết tội. Đối tượng bị hại là các cháu bé khi xảy ra trường hợp đó rất hoảng loạn, và các cháu chưa nhận thức được nên khó trong lấy lời khai. Thêm nữa, việc nhận thức của cơ quan tố tụng khác nhau. Bằng chứng vừa rồi, vụ việc sơ thẩm xử ba năm tù với đối tượng nhưng phúc thẩm lại xử 18 tháng treo tại Vũng Tàu.

Đề xuất giảm nhẹ điều kiện hỗ trợ thất nghiệp

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh (Bình Dương) chất vấn: Tại Điều 47 Luật Việc làm 2013 có quy định: "Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để duy trì việc làm cho người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp". Năm 2015, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 28 để hướng dẫn thi hành điều này. Tuy nhiên, hiện nay, quy định này vẫn chưa được triển khai thực hiện. Trong khi đó, quỹ bảo hiểm thất nghiệp đang kết dư hơn 67.000 tỷ đồng.

“Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp của bộ trong việc tổ chức thực hiện quy định này nhằm đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động và cho doanh nghiệp, nhất là trong điều kiện doanh nghiệp phải chuyển đổi cơ cấu công nghệ trong sản xuất kinh doanh để thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4?, đại biểu Hạn đặt câu hỏi.

Đầu giờ chiều 5-6, trả lời đại biểu Trương Thị Bích Hạnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, hiện Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư 67.000 tỷ đồng. 10 năm qua quỹ này đã hỗ trợ 3,6 triệu lượt người thất nghiệp; 3,2 nghìn người học nghề.

Theo quy định, doanh nghiệp muốn được hỗ trợ từ quỹ này thì phải bảo đảm ba điều kiện: đất nước suy giảm kinh tế, thay đổi cơ cấu doanh nghiệp, lý do bất khả kháng.

Bộ trưởng nói, tới đây Bộ sẽ đề xuất Ủy ban thường vụ Quốc hội cho giảm nhẹ các điều kiện để doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn từ quỹ này. Bộ cũng sẽ hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp theo thông lệ các nước đang áp dụng.

Việt Nam đủ khung pháp lý xử lý bạo lực, xâm hại trẻ em

Chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) lo lắng trước tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng tăng và đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, hiện nay trên thế giới bình quân mỗi năm khoảng 150 triệu em bị bạo lực, trong đó 73 triệu là trẻ trai. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ bạo lực lớn nhất.

Ở Việt Nam bình quân mỗi năm có 2.000 trường hợp bạo lực, xâm hại trẻ em, tuy nhiên thực tế có thể cao hơn do nhiều trường hợp không có thông tin.

Bộ trưởng khẳng định Việt Nam có đủ khung pháp lý để xử lý tình trạng trên, quy định trong Luật trẻ em và các Nghị định liên quan đã phân công rõ trách nhiệm từng ngành, địa phương. Chúng ta có nhiều giải pháp, như tuyên truyền vận động, đường dây nóng, xử nghiêm một số vụ nổi cộm, trực tiếp lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo và với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Lao động đã trực tiếp theo dõi, đôn đốc xử lý.

Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận, gần đây xảy ra một số vụ việc xâm hại trẻ em phức tạp, gây bức xúc xã hội và dư luận lên án hành vi này.

Giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Lao động nói, sẽ rà soát hệ thống pháp luật, cụ thể hóa trách nhiệm của ngành, đề cao trách nhiệm gia đình, nhà trường trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Tranh luận lại phần trả lời này, đại biểu Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (ảnh trên) cho rằng, trong số 2.000 vụ xâm hại, bạo hành trẻ em mỗi năm có 1.500 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Đại biểu Lê Thị Nga đề nghị Bộ trưởng có giải pháp mạnh mẽ để chặn đứng tình trạng này. Đại biểu này cũng đặt câu hỏi đại diện ngành công an, cơ quan tư pháp, có khó khăn gì trong chứng minh vấn đề xâm hại trẻ em.

Khắc phục tình trạng lao động ở nước ngoài bỏ trốn

Chất vấn Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng: Số lượng người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài ngày một tăng, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho gia đình những người đi xuất khẩu lao động, tuy nhiên lao động của chúng ta chủ yếu là lao động phổ thông, tay nghề kém nên thu nhập thấp. Nhiều doanh nghiệp thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với người lao động, cung cấp thông tin sai, đem con bỏ chợ khiến người lao động rơi vào tình cảnh bơ vơ, khi về nước mang công mắc nợ, tiền mất tật mang. Mặt khác, ở một số thị trường lao động tốt thì có hiện tượng nhiều lao động bỏ trốn sang làm cho doanh nghiệp khác...

Đại biểu Thúy đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình trong vấn đề này như thế nào? Bộ trưởng có giải pháp gì để nâng cao chất lượng lao động, khắc phục những bất cập nêu trên?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Có thể nói việc đưa người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Điều này chúng ta đã được cụ thể bằng luật pháp và đặc biệt trong chương trình quốc gia về giải quyết việc làm cho người lao động thì chúng ta đã đặt mục tiêu phấn đấu đạt một triệu thanh niên, người lao động được đi lao động ở nước ngoài. Hiện tại chúng ta có khoảng 500.000 người lao động ở nước ngoài và đang tiếp tục tăng dần lên. Đặc biệt năm 2017 chúng ta đưa được 134.000 lao động sang thị trường các nước, đạt 128% so với chỉ tiêu đặt ra.

Những thị trường tiềm năng những năm trước đây chúng ta gặp khó khăn như Hàn Quốc sau bốn năm bị gián đoạn nay đã được ký kết trở lại. Gần đây lần đầu tiên chúng ta ký cấp quốc gia về quan hệ lao động với Nhật Bản và cũng là nước duy nhất ký hiệp định này với chúng ta, điều này mang lại lợi ích rất lớn, mỗi năm chúng ta có thể đưa được 100.000 người lao động sang thị trường Nhật Bản.

Tuy nhiên, một số thị trường tiềm năng có thu nhập cao tỷ lệ bỏ trốn và kết thúc hợp đồng nhưng không về nước có tỷ lệ lớn, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc, có năm tỷ lệ bỏ trốn khi hết hợp đồng nhưng không về nước là 55%, trong khi các nước khác là 15%. Chính vì lý do này nên Hàn Quốc đã bốn năm không ký lại bản ghi nhớ với chúng ta.

Vừa qua, Chính phủ đã có quyết tâm rất cao, tập trung các giải pháp như: tổ chức ký quỹ, vận động doanh nghiệp, người lao động... Sau ba năm kiên trì, chúng ta đã ký lại được với Hàn Quốc, đặc biệt năm 2017, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ hiện nay tỷ lệ lao động trốn ở lại rút xuống còn khoảng 33%.

Bộ trưởng cho biết, qua thanh tra 51 doanh nghiệp đã phát hiện sai phạm, xử phạt hành chính hơn 3 tỷ đồng, thu hồi giấy phép hoạt động 5 doanh nghiệp, đình chỉ tạm thời 25 đơn vị. Trong số này có doanh nghiệp hoạt động 20 năm cũng bị đình chỉ, thu giấy phép.

2018 là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) nêu chất vấn về nguồn nhân lực và vì sao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chọn năm 2018 là năm mở đầu đột phá chất lượng giáo dục nghề nghiệp?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nguồn nhân lực góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực thấp cũng là nguyên nhân khiến năng suất lao động thấp. Trong khi đó, cơ cấu đào tạo nghề còn bất hợp lý. Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng các yêu cầu về kỹ năng, thu nhập. Do đó, Bộ đưa giáo dục nghề nghiệp là ưu tiên hàng đầu, qua đó để góp phần chuyển dịch, nâng cao năng suất lao động.

Bộ chọn năm 2018 là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp, trong đó: Tiến hành quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới giáo dục nghề nghiệp; chuyển mạnh sang tự chủ tạo động lực phát triển giáo dục nghề nghiệp; chuyển hẳn sang một hướng mới là kết nối đào tạo với doanh nghiệp, doanh nghiệp đồng hành với giáo dục nghề nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng, đào tạo gắn với thị trường, với cung cầu lao động... Bộ trưởng khẳng định, đây mới là sự mở đầu, nhưng là sự mở đầu quan trọng cho một hướng đi mới.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy mạnh sắp xếp lại các đơn vị đào tạo, sáp nhập các trung tâm cấp huyện, những trường nào không tuyển sinh được, không đáp ứng nhu cầu thì kiên quyết sắp xếp lại, thậm chí giải thể, theo tinh thần bảo đảm tinh gọn bộ máy, nhưng hoạt động có hiệu quả.

* Bộ trưởng Đào Ngọc Dung sẽ trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về thực trạng thị trường lao động ở nước ta hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội. Công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm, các Bộ trưởng tham gia trả lời chất vấn: Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Công an và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác tùy theo chất vấn có liên quan (nếu có).

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 28.11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...