Sáng 27-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Một trong những thay đổi của Dự thảo lần này là việc mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý (TGPL), Ủy ban pháp luật đề nghị tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, trong sửa đổi Luật lần này.
Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình của Chính phủ về Dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi). (Ảnh: TH)
Mở rộng các đối tượng trợ giúp pháp lý
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình về Dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), trong đó, nhấn mạnh mục tiêu xây dựng Luật TGPL (sửa đổi) nhằm khắc phục hạn chế, bất cập trong hoạt động TGPL; tạo khuôn khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững công tác TGPL theo hướng chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, xã hội nhằm cung cấp kịp thời dịch vụ pháp lý cho người được TGPL có nhu cầu, tạo bước chuyển biến căn bản, đột phá trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL; bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đồng bộ với khuôn khổ pháp luật hiện hành, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: Xuất phát từ nguyên tắc TGPL được thực hiện cho những người không có khả năng tài chính thuê luật sư và nhằm bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật, đồng thời tiếp tục thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, người có công với cách mạng, dân tộc và chính sách an sinh khác, quy định về người được TGPL trong Luật này được thiết kế theo hướng: Kế thừa quy định người được TGPL từ Luật TGPL năm 2006 bao gồm: Người thuộc hộ nghèo; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số thường trú tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người cao tuổi, trẻ em và người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.
Đồng thời, bổ sung các đối tượng được TGPL trong các luật ban hành sau Luật TGPL năm 2006 và Nghị định hướng dẫn Luật TGPL hiện hành bao gồm: nạn nhân trong vụ việc mua bán người có hoàn cảnh khó khăn về tài chính; trẻ em bị buộc tội; người nhiễm HIV có hoàn cảnh khó khăn về tài chính bị buộc tội. Bổ sung mới một số đối tượng chưa được pháp luật hiện hành quy định bao gồm: Người thuộc hộ cận nghèo bị buộc tội; nạn nhân trong vụ việc bạo lực trên cơ sở giới có hoàn cảnh khó khăn về tài chính.
Trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật TGPL năm 2006 và định hướng đổi mới công tác TGPL của Chính phủ, Dự thảo Luật chỉ quy định 03 hình thức TGPL là: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng theo hướng ưu tiên hoạt động tham gia tố tụng (khoản 2 Điều 26). So với Luật TGPL hiện hành, Dự thảo Luật đã bỏ các hình thức TGPL khác nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ nâng cao hiệu quả công tác TGPL, tránh dàn trải, nặng về hình thức và trùng lắp với các hoạt động theo Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở... như hiện nay.
Để nâng cao chất lượng TGPL, Dự thảo Luật đã bổ sung các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý, cá nhân và tổ chức tham gia TGPL nhằm chuẩn hóa đội ngũ cung cấp dịch vụ TGPL phù hợp với điều kiện hoàn cảnh hiện nay của đất nước.
Với định hướng tập trung vào vụ việc TGPL, đặc biệt, các vụ việc tham gia tố tụng và nâng cao chất lượng dịch vụ, Dự thảo Luật không quy định chế định cộng tác viên TGPL. Bởi lẽ, theo quy định Luật TGPL năm 2006 thì yêu cầu về trình độ Cộng tác viên TGPL không đồng đều, cả những người không có trình độ pháp luật như già làng, trưởng bản... cũng được TGPL, do đó chất lượng của dịch vụ không cao.
Cần tạo lập các cơ chế để tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý
Thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết: Đa số ý kiến trong Ủy ban pháp luật tán thành với quan điểm mở rộng diện người được trợ giúp pháp lý được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhưng còn băn khoăn khi đối chiếu với dự thảo Luật thì diện người được trợ giúp pháp lý lại thu hẹp hơn so với quy định của các luật hiện hành.
Để có cơ sở cho việc quy định cụ thể về phạm vi những người thuộc diện được trợ giúp pháp lý, Ủy ban pháp luật đề nghị Chính phủ giải trình rõ số lượng những người được trợ giúp pháp lý, nguồn lực thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, đánh giá thực chất về nhu cầu, dự kiến nguồn lực, tính toán kỹ các phương án để đưa ra số liệu chính xác về số lượng người thuộc diện được trợ giúp pháp lý và chi phí trong trường hợp mở rộng hoặc thu hẹp diện người được trợ giúp pháp lý.
Ủy ban pháp luật đề nghị, để tăng cường xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý, trong sửa đổi Luật lần này, cần tạo lập các cơ chế để thu hút nhiều hơn nữa sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội vào hoạt động này, không chỉ bằng nguồn lực của họ mà cả bằng nguồn lực của Nhà nước, san sẻ trách nhiệm của Nhà nước với xã hội. Cách làm này, một mặt vừa tận dụng được trí tuệ, trình độ và nguồn lực trong xã hội, mặt khác góp phần làm giảm gánh nặng cho Nhà nước về tổ chức, biên chế, ngân sách đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa cán bộ và chi phí hành chính... Đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá cụ thể, sâu sắc hơn về việc tham gia của các tổ chức, cá nhân trong xã hội vào hoạt động trợ giúp pháp lý thời gian qua (về số lượng, loại hình, chất lượng vụ việc giải quyết trợ giúp pháp lý và nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho tổ chức, cá nhân này...) để có thêm cơ sở cho việc Quốc hội xem xét, quyết định.
Ủy ban pháp luật tán thành quan điểm cần nâng cao tiêu chuẩn của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý theo lộ trình hợp lý, bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ của Nhà nước đối với người dân. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc việc quy định nâng ngay tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý tương đương tiêu chuẩn của luật sư.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).
Ngày 26.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn...
Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo...
Sáng 23.11, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...