Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với thế giới sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thay mặt nhân dân Việt Nam, Người trịnh trọng tuyên bố: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. 70 năm đã trôi qua nhưng ký ức về ngày độc lập đầu tiên của dân tộc vẫn in đậm trong tâm trí của những ai có mặt tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày đó.
70 năm - một chặng đường rất dài. Những người có mặt tại Quảng trường Ba Đình mùa thu năm 1945, nhất là các vị lão thành cách mạng thì thời khắc đó vô cùng thiêng liêng bởi đó là giây phút mà cuộc đời họ bước qua thân phận nô lệ, trở thành người dân của một đất nước độc lập, tự do.
Quảng trường Ba Đình trong thời khắc lịch sử cách đây 70 năm (Ảnh tư liệu). |
“Lúc đó tôi được nhìn thấy Bác Hồ, chưa bao giờ xúc động và thiêng liêng như thế. Sung sướng có thể ứa nước mắt được. Giành được độc lập thống nhất đột ngột mà vĩ đại quá nên vô cùng sung sướng vì mình vừa sống dưới ách của phát xít Nhật và đế quốc Pháp và sự lãnh đạo của Việt Minh và của Hồ Chủ tịch đã giành thắng lợi một cách vẻ vang và vinh quang cả thế giới đều ngạc nhiên" - Đại tá Nguyễn Trọng Hàm chia sẻ.
Tuyên ngôn được bố cáo tới toàn dân, mỗi chữ, mỗi lời đều khẳng định các quyền tất yếu: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Những quyền không thể chối cãi đó đã làm hàng vạn người dân có mặt tại quảng trường lặng đi, cảm nhận sâu sắc sự nghiệp cách mạng chính nghĩa của dân tộc, đánh đuổi giặc xâm lược để giành lại độc lập, tự do. Chính những lời trong tuyên ngôn đã khẳng định sự thay đổi mạnh mẽ cuộc đời mỗi người, thay đổi vận mệnh dân tộc. Ý nghĩa to lớn đó làm nhiều người nghẹn ngào.
Ông Đỗ Thanh Bình, khi đó đang là học sinh, được đứng xếp hàng sau các anh tự vệ nhà máy dệt, tự vệ nhà máy nước tại quảng trường Ba Đình kể: “Mình vẫn là một cổ hai tròng, đi học đế quốc Pháp dạy, Nhật vào chiếm Hà Nội rồi. Sướng ở chỗ là mình độc lập, cụ Hồ đọc choang choang rồi, toàn cầu biết độc lập và độc lập này con, cháu Hùng Vương là vạn đại. Nhiều em trai là học sinh với tôi khóc, nhưng mà vẫn cứ cố nhìn Cụ Hồ”.
Ông Nguyễn Bá Đạt, cán bộ cao cấp quân đội đã về hưu, ông Nguyễn Hoàng Sâm, công nhân nhà máy cơ khí Gia Lâm kể lại rừng người tại Quảng trường khi Bác Hồ dứt lời đã đồng thanh hô vang khẩu hiệu từ đáy lòng: "Hồ Chí Minh muôn năm", "Việt Nam độc lập muôn năm", vì mỗi lời tuyên ngôn đều là chân lý soi rọi, cho lý tưởng, tâm nguyện và hành động.
“Lần đầu tiên nhìn thấy vị lãnh tụ tối cao của cách mạng, khi còn là học sinh thì chúng tôi nghe mang máng là Cụ Nguyễn Ái Quốc, do vậy khi thấy như vậy rất cảm động. Tất cả mọi người như làn sóng dậy lên, hô khẩu hiệu: Hồ Chí Minh muôn năm, Việt Nam độc lập muôn năm” - ông Nguyễn Bá Đạt xúc động nói.
Từ một nước chưa có tên trên bản đồ thế giới, Việt Nam giờ đây đã có thể ngẩng cao đầu với bạn bè khắp năm châu. Vị thế của một nước Việt Nam mới được bắt đầu từ thời khắc lịch sử, thiêng liêng đó. Không chỉ những người có mặt tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 mà cả dân tộc Việt Nam hôm nay đều tự hào về Đảng về vị lãnh tụ kính yêu đã mang đến cho dân tộc cơ hội để có nền độc lập và dân tộc Việt Nam quyết tâm giữ vững quyền tự do, độc lập ấy./.