Tăng người cao tuổi đột quỵ trong đợt nắng nóng cao điểm

Thứ 6, 24/06/2022 | 00:00:00
583 lượt xem

Thời tiết nắng nóng, người cao tuổi dễ bị kiệt sức, thậm chí đột quỵ, đặc biệt là những người mắc bệnh tim mạch, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, mỡ máu cao. Cứ nhiệt độ tăng 1 độ C, nguy cơ đột quỵ tăng 10%. Ghi nhận tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình, số ca nhập viện vì đột quỵ đang tăng gấp 3 đến 4 lần trong những ngày qua.

Ông Đào Quang Vóc nhập viện với những triệu chứng đáng lưu ý của đột quỵ

Gần 60 tuổi, có tiền sử cao huyết áp, ông Đào Quang Vóc nhập viện trong tình trạng nửa người bên phải cử động khó khăn, đau đầu dữ dội – những triệu chứng đáng lưu ý của đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não. 



Ông Đào Quang Vóc - bệnh nhân: “Ban đêm mất ngủ, lưỡi tê cứng, đi lại khó khăn dẫn đến người hơi bị đơ. Ban đầu tôi không biết bị tai biến. Tôi không đoán được bệnh gì. Đi bệnh viện nói là bị tai biến.”



Bác sĩ CKI Vũ Xuân Trường, khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình: Thời tiết nắng nóng là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Khi nắng sẽ làm tăng thân nhiệt, người bệnh ra nhiều mồ hôi, mất nước và điện giải, gây thiếu máu não. Nắng nóng gây rối loạn trung tâm điều nhiệt hay hệ thần kinh trung ương, gây rối loạn tuần hoàn não bộ. Khi nắng nóng cũng gây rối loạn về tim mạch như loạn nhịp tim, rung nhĩ, gia tăng huyết khối, nhất là trên nền bệnh nhân tăng huyết áp, mỡ máu, béo phì sẽ gây ra đột quỵ.”

Nắng nóng kéo dài khiến số bệnh nhân đến khám và điều trị gia tăng 

Đợt nắng nóng kéo dài suốt hơn 1 tuần qua khiến số bệnh nhân cao tuổi đến khám, điều trị tại Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình tăng gấp đôi, thậm chí có ngày gấp 3 - 4 lần so với bình thường. Đột quỵ chiếm 30-40% số bệnh nhân nhập viện, tỷ lệ nặng nhiều hơn trước. Một thực tế đáng lo ngại là số bệnh nhân đột quỵ được đưa vào bệnh viện kịp thời trong khoảng thời gian vàng 4 - 6 giờ đồng hồ từ khi khởi phát bệnh lại không nhiều. Người bệnh được cấp cứu muộn sẽ nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê, liệt nửa người nặng, thậm chí tử vong. 



Bác sĩ CKI Vũ Xuân Trường, khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Y học cổ truyền Thái Bình: “Khi bệnh nhân có biểu hiện như đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, cảm giác nửa người cùng bên bị tê hoặc cử động khó khăn, ví dụ đang cầm điện thoại tay tê rơi điện thoại, hoặc cầm bát cơm ăn uống rơi vãi thì nên đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.” 

Để phòng bệnh thì người cao tuổi cần phải có lối sống lành mạnh 

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, để phòng bệnh, ngoài việc sống lành mạnh hơn, bỏ thuốc lá, không uống rượu bia, thì người cao tuổi cũng cần kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu. Hạn chế muối và thực phẩm có hàm lượng muối cao. Tránh thức ăn chiên xào, hạn chế mỡ, nhất là mỡ động vật. Khi sử dụng điều hòa, chỉ nên để nhiệt độ khoảng 27 độ C và lưu ý không từ phòng điều hòa ra ngoài một cách đột ngột. Nếu người cao tuổi tham gia thể dục ngoài trời thì nên tập vào buổi sáng với các môn thể thao nhẹ nhàng như dưỡng sinh, yoga, đạp xe…. tránh dẫn đến các bệnh lý về mạch máu. 

Hà My

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 28.11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...