Hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn dịch bệnh

Thứ 6, 10/09/2021 | 00:00:00
753 lượt xem

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch bệnh với gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Nghị quyết này không chỉ bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ của Chính phủ mà còn thể hiện tính nhân văn của chính sách, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch. Vấn đề cấp thiết hiện nay là phải đưa Nghị quyết đi nhanh vào cuộc sống, khẩn trương, kịp thời chi trả cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Người lao động làm việc trong doanh nghiệp

Gần 300 doanh nghiệp bị ảnh hưởng phải tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động với trên 11 ngàn người. Lao động phải ngừng việc trên 6000 người. Đó là những số liệu mới nhất tại tỉnh Thái Bình do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19.

Để kịp thời tháo gỡ, ngày 01/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, Nghị quyết nêu 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp khó khăn do Covid-19. Trong đó, có những chính sách sát sườn với người lao động nhất như Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác. 

Theo Nghị quyết 68 mà Chính phủ ban hành: Người lao động tạm dừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 1 tháng mức 1.855.000 đồng/người; từ 1 tháng trở lên mức 3.710.000 đồng/người. Đây sẽ là nguồn lực để chống đỡ dịch bệnh mà quan trọng hơn là sự hỗ trợ cần thiết để họ tiếp tục sản xuất kinh doanh, đủ sức tự đứng vững vượt qua tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Cô giáo Mai nghỉ dịch ở nhà chăm sóc gia đình

Chị Bùi Phương Mai, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình là giáo viên hợp đồng tại Trường mầm non Hồng Nhung đã 7 năm. Kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhất là từ đầu năm đến nay, chị Mai phải nghỉ việc không lương ở nhà chăm 2 con nhỏ đã 5 tháng nay. Chi tiêu sinh hoạt gia đình trông chờ vào thu nhập bấp bênh của người chồng làm nghề tự do.

Cô giáo Bùi Phương Mai - Trường mầm non Hồng Nhung, thành phố Thái Bình:

“Em đã nghỉ 5 tháng trong năm 2021, không có khoản thu nào khi nghỉ.”


Trường mầm non Hồng Nhung có 85 cán bộ giáo viên, người lao động. Trong đó, nếu xét các tiêu chí thì có khoảng 43 lao động và 23 trẻ em là con người lao động được hỗ trợ theo diện lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động trên 30 ngày.

Cô giáo Trần Thị Ánh - Trường mầm non Hồng Nhung, thành phố Thái Bình:

“Vừa qua nhà trường thông báo có Nghị quyết hỗ trợ cho chúng tôi hơn 3 triệu, có con nhỏ thêm 1 triệu. Nhà trường hỗ trợ thủ tục nhận khoản tiền này. Thời gian khó khăn này nhận được tiền hỗ trợ giảm bớt khó khăn chi tiêu.”


Cô giáo Đoàn Thị Hoan - Hiệu trưởng Trường mầm non Hồng Nhung, thành phố Thái Bình:

“Biết đến Nghị quyết 68 của Chính phủ thì tập thể giáo viên chúng tôi cảm thấy rất vui mừng, nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cảm thấy rất vui và ấm lòng.”


Chúng ta có thể thấy rõ “người dân đang rất mong chờ, ngóng từng ngày gói hỗ trợ này. Vì vậy, cơ quan nào chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân, địa phương nào để tiêu cực, dẫn đến trục lợi là có tội với dân”, “việc triển khai càng nhanh giờ nào càng tốt giờ đó”. Có thể nói, đây cũng là tinh thần chung của Chính phủ và mọi cơ quan, cá nhân có liên quan đến việc thực thi Nghị quyết 68. 

Ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH:

“Sở Lao động Thương binh và xã hội và các sở ngành đã có các văn bản tuyên truyền, tổ chức, triển khai thực hiện đến các đối tượng được hưởng chính sách. Đến nay có 8/8 huyện, thành phố cũng đã xây dựng kế hoạch và thành lập tổ công tác triển khai thực hiện.”


Nghị quyết 68 vừa được triển khai, trong bối cảnh các tỉnh phía Nam, nhiều địa phương cũng như tỉnh Thái Bình đang bước vào giai đoạn cao điểm để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Để sớm đem lại cuộc sống bình thường trong bối cảnh này, tầm quan trọng và quyết tâm trong việc thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ một cách nhanh chóng và có hiệu quả nhất càng được khẳng định. Đó cũng chính là thông điệp của một quyết sách hợp lòng dân, có sức mạnh lan tỏa, tạo thêm động lực cho công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19, thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, giúp củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Chính phủ.

Mai Liên

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo

Chiều 25.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...