Tổ chức Y tế Thế giới nói gì về thực trạng tiêm vaccine ComBE Five tại Việt Nam?

Thứ 6, 18/01/2019 | 15:57:51
476 lượt xem

Trước lo ngại của một số người dân về các phản ứng sau tiêm vaccine mới ComBE Five, phóng viên Y tế 24h vừa có cuộc phỏng vấn Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam.

PV: Thưa Tiến sĩ Kidong Park, ông đánh giá thế nào về công tác tiêm chủng tại Việt Nam thời gian qua?

Tiến sĩ Kidong Park: - Việt Nam là một trong những quốc gia có chương trình tiêm chủng mở rộng phát triển mạnh mẽ nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Y tế Thế giới ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia tại Việt Nam có một hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng đủ mạnh để cung cấp dịch vụ tiêm chủng đến mọi nơi trên đất nước và duy trì tỷ lệ bao phủ cao hơn 95% của các loại vaccine thiết yếu.

Chương trình này cũng bao gồm hệ thống giám sát với đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm để giám sát các phản ứng sau tiêm và đánh giá nguyên nhân của những phản ứng xảy ra sau tiêm chủng.

PV: Việt Nam vừa thay thế vaccine Quinvaxem bằng vaccine ComBE Five. Đây là loại vaccine mới đang được nhiều người quan tâm. Ông có thể cho chúng tôi một vài thông tin về nhận định của WHO về loại vaccine này? Mức độ phổ biến trên thế giới ra sao?

Tiến sĩ Kidong Park: - WHO có một quy trình nghiêm ngặt để đánh giá chất lượng và độ an toàn của vaccine gọi là ‘tiền thẩm định (PQ)". Vaccine được WHO tiền thẩm định sẽ được bán trong hệ thống của Liên Hợp Quốc và các tổ chức y tế quốc tế khác như Quỹ nhi đồng liên hợp quốc và Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (UNICEF và GAVI).

ComBE Five là loại vaccine được sản xuất tại Ấn Độ nhằm bảo vệ trẻ em khỏi 5 bệnh truyền nhiễm gây tử vong là bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Đây là sản phẩm vaccine đạt tiêu chuẩn tiền thẩm định của Tổ chức Y tế thế giới từ năm 2011 và đã có hơn 400 triệu liều vaccine được sử dụng cho trẻ em ở 43 quốc gia trên toàn thế giới.

PV: Những ngày qua, tại Việt Nam đã có một số trẻ gặp vấn đề sau tiêm, thậm chí có trường hợp tử vong nghi sốc phản vệ sau khi tiêm vaccine ComBE Five. Ông có nhận định gì về thực trạng này?

Tiến sĩ Kidong Park: - Chúng tôi được biết một số trẻ em gặp tình trạng sức khỏe nghiêm trọng và một số rất không may qua đời sau khi tiêm chủng. Chúng tôi xin chia sẻ sự mất mát này với gia đình của các em.

Đối với chúng tôi, điều quan trọng là phải điều tra và tìm hiểu nguyên nhân vì sao những phản ứng sau tiêm xảy ra - đó có phải là tác dụng phụ thực sự của vaccine hay do việc thực hành tiêm chủng hoặc bất kỳ nguyên nhân nào khác không?

Chúng tôi nhận được báo cáo rằng có 3 trường hợp tử vong trong 5 trường hợp được báo cáo cho đến nay không liên quan đến vaccine. Việc đánh giá nguyên nhân cho 2 trường hợp còn lại vẫn đang được điều tra. Chúng tôi đồng ý với kết luận của những đánh giá này.

Tôi đánh giá cao sự đóng góp của tất cả các nhân viên y tế công cộng tham gia vào các sự kiện này vì sự tận tâm, phản ứng nhanh chóng, khả năng chuyên môn và sự minh bạch của họ.

PV: Ông có khuyến cáo gì đối với các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi tiêm chủng tại Việt Nam hay không?

Tiến sĩ Kidong Park: - Hãy tiếp tục tiêm phòng theo lịch trình. Nếu bạn bỏ lỡ lịch tiêm vaccine 5 trong 1, con bạn sẽ có nguy cơ lây nhiễm 5 loại bệnh đe dọa đến tính mạng bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib, cũng như tạo ra khả năng nguy cơ lây nhiễm bệnh cho những trẻ em khác.

Vui lòng tham khảo ý kiến nhân viên y tế khi bạn có bất kỳ câu hỏi và nỗi lo lắng nào trước khi đưa con đi tiêm chủng. Bạn có quyền và nghĩa vụ phải hiểu rõ những lợi ích, rủi ro tiềm ẩn và làm thế nào để theo dõi và xử lý khi có bất cứ phản ứng phụ nào xảy ra với con bạn.

Hãy làm theo hướng dẫn của nhân viên y tế, theo dõi cẩn thận con bạn sau khi tiêm vắc-xin. Trong trường hợp bạn có lo ngại về bất kỳ điều gì bất thường có thể xảy ra cho dù điều đó có đơn giản, nhỏ nhặt hãy gọi điện hoặc đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe để được tư vấn giải đáp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo vtv.vn

  • Từ khóa
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...