Đông Xuân giữ nét hồn quê trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 4, 24/10/2018 | 17:27:47
3,557 lượt xem

Xuyên suốt mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không chi là câu chuyện của xây dựng hạ tầng, phát triển mô hình nâng cao thu nhập mà còn là quá trình xây dựng và bồi đắp những giá trị văn hóa tốt đẹp trong mỗi con người, mỗi gia đình và trong từng thôn xóm. Ghi nhận tại xã Đông Xuân huyện Đông Hưng

Sau hơn 4 năm về đích nông thôn mới, diện mạo làng quê ở xã Đông Xuân huyện Đông Hưng có nhiều đổi mới. Những đường bê tông thẳng tắp, những nhà cao tầng mọc lên san sát... song với vẻ bề ngoài đầy dáng dấp đô thị, ở nơi đây vẫn thấp thoáng một làng quê mang nét văn hóa truyền thống với cây đa, giếng nước, sân đình được người dân gìn giữ như tài sản vô giá của cả cộng đồng. 

Ông Vũ Văn Hiến, Trưởng thôn Lê Lợi 2, xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng “Ở  quê tình làng nghĩa xóm, đời sống nhân dân tích lũy từ nghìn năm nay do đó mặc dù đô thị hóa nông thôn nhưng vẫn phải giữ bản sắc văn hóa dân tộc”

 Với chủ trương xây dựng nông thôn mới không có nghĩa là thành thị hóa nông thôn mà phải giữ được “hồn” quê cho nên, bên cạnh quan tâm phát triển kinh tế, xây dựng các cơ sở hạ tầng.., Đông Xuân đặc biệt quan tâm đến xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn mới, bảo tồn những cảnh quan, kiến trúc, văn hóa đậm nét truyền thống theo cách làm riêng và sáng tạo, phù hợp với thực tiễn địa phương.  Đi trên con đường nông thôn mới ở Đông Xuân chúng tôi cảm nhận được nét hài hoà đan xen giữa truyền thống với hiện đại. Trong xu thế phát triển, nhiều con đường được mở rộng, bê tông hoá. Thế nhưng, qua bàn bạc thảo luận giữa chính quyền và người dân, con đường làng này vẫn giữ dáng vẻ xưa với hàng cây xanh mát uốn lượn theo dòng sông. Vẫn con đường quê xưa nhưng nay đep hơn, người dân đi lại thuận tiện hơn bởi được đổ bê tông và giữ được vẻ đẹp phù hợp với cảnh quan trong làng

Ông Vũ Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng “ Việc xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo tính kế thừa, phát huy các di tích lịch sử vốn có của xã cho nên khi trùng tu tôn tạo các cụm di tích lịch sử phải bàn bạc công khai lấy ý kiến của nhân dân”

Chùa Thiên Quý - di tích lịch sử cấp quốc gia với quy mô kiến trúc bề thế, cảnh quan thanh tịnh. Chùa không chỉ là nơi hội tụ tâm linh Phật pháp mà còn là nơi gắn kết sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân trong vùng từ bao đời nay. Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu nâng cấp, đến nay chùa vẫn giữ nguyên dấu tích cốt cách của lần trùng tu năm 1820. Hàng năm lễ hội chùa Thiên Qúy vẫn được duy trì tổ chức vào ngày mùng 10 tháng giêng, được cầu cho mưa thuận gió hòa, mọi gia đình được an khang, thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc. Lễ hội có sự góp mặt của các kiệu rước Thành hoàng của xã Đông Xuân và xã Đông Quang huyện Đông Hưng. Không chỉ bảo vệ di tích, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, các tăng ni tín đồ phật tử của Chùa cũng luôn có ý thức trong việc khôi phục các trò chơi dân gian, các hình thức diễn xướng dân gian truyền thống, xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”

 Đại đức Thích Thanh Chinh, Trụ trì Chùa Thiên Quý, xã Đông Xuân huyện Đông Hưng: “Nhà chùa đã phát huy truyền thống đoàn kết hòa hợp, coi đây là nền tảng cho sự nghiệp hoằng dương, chính pháp, truyền dạy giáo lý của đức Phật; , tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước, xây dựng “chùa cảnh 4 gương mẫu”.

  Bức tranh nông thôn mới ở Đông Xuân ngày càng phong phú và nhiều màu sắc khi những giá trị văn hóa vật thể như đình, chùa, miếu được chú trọng gìn giữ và khôi phục. Với người dân Đông Xuân thì Đình làng là một biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng quan trọng trong đời sống làng xã. Vì vậy, thực hiện tiêu chí số 6 về cơ sở vật chất văn hóa, Đông Xuân có cách làm hay và sáng tạo khi gắn yếu tố văn hóa với đời sống tâm linh; gắn kết đình làng với nhà văn hóa thôn.

 Đình Kênh ở thôn Ký Con là môt ví dụ. Đình gắn bó mật thiết với đời sống của nhân dân từ bao đời nay, là trung tâm phục vụ mọi sinh hoạt của cộng đồng làng xã, nơi diễn ra các lễ hội làng truyền thống, nơi sinh hoạt văn hóa - văn nghệ của làng. Theo ông Vũ Văn Lập, Trưởng ban quản lý di tích đình Kênh thì việc gắn kết đình làng với nhà văn hóa thôn rất hiệu quả, bởi vừa giữ gìn những giá trị truyền thống lịch sử, bồi đắp những giá trị mới, lại vừa nâng cao giá trị văn hóa đình làng trong không gian văn hóa làng xã nông thôn mới.

 Ông Vũ Văn Lập, Trưởng ban quản lý di tích đình Kênh, xã Đông Xuân huyện Đông Hưng “Chúng tôi là những người kế cận ra đây để phục vụ, trông nom kiến thiết cũng như xây dựng các hạng mục công trình rồi truyền lại cho con cháu muôn đời sau”

Bà Vũ Thị Hạnh, Cán bộ văn hóa xã Đông Xuân huyện Đông Hưng “Chúng tôi tuyên truyền tới người dân về bảo vệ di tích lịch sử, tôn tạo các di tích, các thiết chế vât thể như đình làng, các chùa nhưng trong quá trình xây dựng và tu tạo vẫn giữ lại được cái nét truyền thống cổ xưa ”

Xây dựng nông thôn mới kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại đang được Đông Xuân thực hiện. Cùng với đó, việc phát động triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn xây dựng nông thôn mới tại địa phương đã làm chất cho chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, tình cảm gia đình, tính cố kết cộng đồng, tình đoàn kết thôn xóm được củng cố. Nét đẹp truyền thống của dân tộc ta “Tối lửa, tắt đèn có nhau” đã và đang tiếp tục được nhân lên trong các xóm, thôn. Theo ông Vũ Quý Ngọ, Bí thư chi bộ thôn Quang Trung “nếu như trước đây, khi một hộ gia đình trong thôn có đám hiếu, đám hỷ, gia đình đó cùng với họ hàng chạy đôn chạy đáo lo việc thì nay cả thôn cùng chung tay giúp sức, cả về vật chất và tinh thần, giảm chi phí thuê mướn bên ngoài mà tình làng nghĩa xóm thêm bền chặt” 

Xây dựng nông thôn mới, văn hóa giữ vai trò quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Xác định được điều đó, mỗi người dân Đông Xuân luôn ý thức được việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương,  đến việc xây dựng con người nông dân với lối sống đạo đức bắt nguồn từ tinh hoa văn hóa lâu đời của làng quê Việt Nam thông qua việc xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa, thực hiện nghiêm túc hương ước văn hóa của làng, xã.  Gìn giữ nét đẹp văn hóa làng không chỉ giữ lại những gì mà ông, cha ta đã dày công vun đắp, mà qua đó còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ những nét văn hóa truyền thống của quê hương cũng như giữ lại hồn cốt cho làng quê Việt. Với cách làm của mình, Đông Xuân vừa đảm bảo mục tiêu  xây dựng nông thôn mới hiện đại nhưng vẫn giữ gìn được nét văn hoá truyền thống tốt đẹp ở làng quê, đây chính là một trong những nội dung mà chương trình xây dựng nông thôn mới mong muốn đạt đến./.

Hồng Hạnh

Quốc hội thảo luận về các dự án Luật
Quốc hội thảo luận về các dự án Luật

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, sáng 27.11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...