Khởi nghiệp từ bánh chưng xanh

Chủ nhật, 16/06/2024 | 14:00:00
245 lượt xem

Gói bánh chưng là nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam mỗi dịp tết đến xuân về. Thế nhưng, ở phố Lẻ, thôn Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà thì ngày nào cũng như là tết. Nhiều thanh niên nối nghề cha ông và khởi nghiệp bằng nghề truyền thống.

Từ bao đời nay, gói bánh chưng đã trở thành nghề được “cha truyền con nối” ở phố Lẻ, thôn Khánh Mỹ, xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà . Sinh ra và lớn lên tại  vùng quê này, thừa hưởng tình yêu với chiếc bánh chưng xanh, chị Trần Thị Ngoan quyết tâm xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của quê hương, đưa hương vị truyền thống đến với ngày càng nhiều thực khách.

Ý tưởng khởi nghiệp từ bánh chưng đến với chị Ngoan khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Sau thời gian dài ấp ủ, năm 2014, chị mới chính thức bắt tay vào thực hiện. Từ kinh nghiệm được truyền lại của gia đình, chị kết hợp học tập ở các tỉnh khác như Thái Nguyên, Hà Giang, mong muốn tạo ra sản phẩm có hương vị đặc trưng. 

Chị Trần Thị Ngoan, xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà: Ban đầu mình cũng gặp một số trở ngại. Về nguyên liệu phải tìm làm sao cho chuẩn, gạo phải là nếp thơm, thịt phải tươi, rõ nguồn gốc xuất xứ. Kinh nghiệm lại chưa có, mình phải đi học hỏi và thử nghiệm rất nhiều lần mới ra được sản phẩm chuẩn chỉ nhất có thể.


Để gói được chiếc bánh chưng ngon đòi hỏi rất nhiều công đoạn cầu kỳ. Lá dong phải chọn lá tươi, màu xanh, tàu lá còn nguyên vẹn. Gạo phải ngâm đãi sạch. Đỗ phải thổi dẻo rồi nắm lại. Thịt thái ngang khổ, ướp gia vị. Người gói cần biết kết hợp, pha trộn nguyên liệu để tạo thành một chiếc bánh sao cho hài hòa, cân bằng. 

Với những tiêu chuẩn khắt khe tự đặt ra cho bản thân, sau 10 năm từ ý tưởng đi vào thực hiện, đến nay cơ sở sản xuất bánh chưng của chị Ngoan mỗi dịp Tết cung cấp ra thị trường hơn 15 nghìn sản phẩm. 

Các tháng khác của năm, chị cũng sản xuất đều khoảng 1.000 bánh tới tay người tiêu dùng. Năm nay, bánh chưng của cơ sở đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. 

Chị Trần Thị Ngoan, xã Phúc Khánh, huyện Hưng Hà: Đối với việc được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao thì mình cảm thấy trách nhiệm của mình lớn hơn, phải đảm bảo tất cả các tiêu chí và mình cũng muốn mở rộng quy mô để đáp ứng nhu cầu của bà con. Sản phẩm có mã số mã vạch, mã QR, có trang web. Mình cũng đang muốn đưa sản phẩm quảng bá lên các sàn giao dịch điện tử. 

Bánh chưng xanh đã trở thành biểu tượng ẩm thực truyền thống của cả dân tộc và được bạn bè khắp năm châu biết đến. Vì thế, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, chị Ngoan cũng định hướng tiếp tục đầu tư về mẫu mã cho sản phẩm, hướng tới những thị trường tiêu thụ rộng lớn hơn.

Hà My 

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...