Dấu xưa trên quê hương nhà bác học Lê Quý Đôn

Thứ 6, 24/05/2024 | 15:00:00
2,410 lượt xem

Cách thành phố Thái Bình khoảng 35km về phía Bắc, Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Ðôn thuộc thôn Ðồng Phú, xã Ðộc Lập, huyện Hưng Hà, là nơi lưu giữ, bảo tồn những hiện vật, dấu tích từng gắn bó với nhà bác học danh tiếng trong lịch sử. Chương trình thời sự hôm nay, mời quý vị cùng đến thăm cụm di tích đặc biệt này, để tìm hiểu về danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam – nhà bác học Lê Quý Đôn.

Lê Quý Đôn, nguyên là Lê Danh Phương, sinh năm 1726 trong một gia đình khoa bảng tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là thần đồng. Người đương thời có câu “Thiên hạ vô tri vấn Bảng Đôn”, tức là thiên hạ có điều gì không biết thì cứ đến hỏi Lê Quý Đôn. 

Ông Đào Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Độc Lập, huyện Hưng Hà: Đối với địa phương, chúng tôi coi trọng, bảo quản di tích. Chúng tôi cùng ban liên lạc dòng họ cũng thường xuyên trao đổi khi có tình trạng hư hỏng thì đều có sự thống nhất để tu bổ gìn giữ từ đường, và cũng đã có những văn bản tờ trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục quan tâm tu bổ, tu sửa di tích. 


Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Đôn ở xã Độc Lập gồm ba công trình: từ đường danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn, lăng mộ cụ Lê Trọng Thứ - thân phụ của Lê Quý Ðôn, và hồ Lê Quý. Trong từ đường còn lưu giữ nhiều hoành phi, câu đối, ngai thờ từ thế kỷ 18. Năm 1986, cụm di tích thuộc Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Ðôn được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Qua đời năm 1784, nhà bác học Lê Quý Đôn đã để lại cho kho tàng văn hóa nước Nam cả một gia tài đồ sộ, là sách ông viết và số sách mang về khi đi sứ. Theo thống kê, ông sáng tác khoảng 40 đầu sách các loại, bao gồm hầu hết các tri thức đương đại như lịch sử, thơ văn, triết học,… là kho tàng quý của nền học thuật nước nhà. Trong khu lưu niệm còn có thư viện để lưu trữ những cuốn sách mà ông để lại.

Ông Lê Trọng Nhãn, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà: Người dân lao động cần am hiểu hơn về nông nghiệp, công nghiệp thì chúng tôi tự đến mượn sách để đọc. Và khuyến khích các cháu đọc sách, thường xuyên vào ngày Chủ nhật cho các cháu tổ chức đọc. 


Ông Lê Quý Tựa, xã Độc Lập, huyện Hưng Hà: Con cháu phát huy truyền thống của các cụ, cũng luôn ra sức học tập, phấn đấu trên mọi lĩnh vực. Nhiều người đã trở thành doanh nhân, nhà nghiên cứu khoa học, phục vụ đất nước ngày càng giàu mạnh.


Là nơi sinh ra, lớn lên, học tập, trưởng thành của nhà bác học danh tiếng trong lịch sử, Khu lưu niệm nhà bác học Lê Quý Ðôn lưu giữ những chứng tích liên quan trực tiếp đến con người và cuộc đời danh nhân văn hoá kiệt xuất này. Nơi đây đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, góp phần quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Thái Bình với bạn bè trong nước và quốc tế.


Hà My

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...