Gia tăng rối loạn tâm thần vì áp lực cuộc sống

Chủ nhật, 10/12/2023 | 00:00:00
893 lượt xem

Rối loạn sức khỏe tâm thần nhiều năm trở lại đây đang trở thành nguy cơ tác động không nhỏ tới cuộc sống riêng của cá nhân cũng như cộng đồng và xã hội. Đặc biệt, khi áp lực cuộc sống lớn, từ áp lực học tập, công việc và ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, bệnh dịch..., những rối loạn tâm thần liên quan đến stress càng đáng báo động hơn.

Con trai mất đột ngột, lại thường xuyên bị bạo lực gia đình, nữ bệnh nhân ấy phải nhập viện khi đã suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể trầm trọng. Đáng ngại là trước đó chị từng khám ở rất nhiều chuyên khoa khác nhau, nhưng đều không tìm ra bệnh. Chỉ khi đến đúng chuyên khoa tâm thần, việc điều trị mới dần tiến triển khả quan. 

Bệnh nhân:

Tôi bị áp lực quá, cơn shock đi vào đầu nên không ăn, không ngủ được.. Nó khó chịu, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, suy nghĩ nhiều lắm, gần như bị phát điên luôn ấy, nhiều lần còn muốn đi nhảy cầu chết cơ mà.. Tôi cũng đi nhiều bệnh viện lắm rồi.. Bác sĩ nào cũng chẩn đoán là rối loạn tiền đình nhưng uống thuốc không có tiến triển gì.


Giống như nhiều bệnh nhân rối loạn tâm thần khác, hơn 35% người đến khám tại Bệnh viện Tâm thần Thái Bình mắc các rối loạn có nguyên nhân xuất phát từ áp lực cuộc sống. Thế nhưng, đa phần trong số đó khi gặp những triệu chứng căng thẳng, mất ngủ, lại không biết đó là rối loạn tâm thần, dẫn đến tỷ lệ khám sớm không đạt nổi 20%. Trên thực tế đã có rất nhiều trường hợp tự hủy hoại bản thân, hoặc thậm chí là tự sát với nguyên nhân do trầm cảm, lo âu, sang chấn tâm lý. 

Bác sĩ CKI Phùng Thị Minh Thuận, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thái Bình: 

Hiện tại vấn đề kì thị chuyên khoa tâm thần, chưa hiểu biết về sức khỏe tâm thần vẫn còn, người dân có thể bỏ mặc chưa đi khám chữa bệnh vội, hoặc chữa bệnh bằng phương pháp mê tín như cúng bái, hoặc đi khám chuyên khoa khác.. thì lúc đến Bệnh viện Tâm thần thì đã nặng rồi, quá trình chữa sẽ chậm hơn, tỷ lệ khỏi bệnh sẽ giảm.  


Một số người lại có định kiến rằng, rối loạn tâm tâm thần chỉ có ở người trưởng thành, thiếu quan tâm và bỏ sót các rối loạn tâm thần ở trẻ em, vị thành niên,... dẫn đến hậu quả đáng tiếc khi bệnh nhân không được can thiệp kịp thời. 


Bác sĩ CKI Phùng Thị Minh Thuận, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Thái Bình:

Tại bệnh viện trong 5 – 10 năm trở lại đây, những rối loạn tâm thần liên quan đến áp lực trong cuộc sống ngày càng gia tăng, song song đó liên quan mật thiết đến lạm dụng chất, rượu bia, ma túy. Lứa tuổi ngày càng trẻ hóa. Đó là tình trạng đáng báo động, gây hậu quả nghiêm trọng đến cơ quan, trường học, gia đình và toàn xã hội.


Hiện nay phần lớn các rối loạn tâm thần vẫn chưa có phương pháp dự phòng cấp, dự phòng đặc hiệu. Chính vì vậy, làm giảm yếu tố nguy cơ gây căng thẳng, stress trong cuộc sống là biện pháp hiệu quả nhất, cụ thể như tập thể dục, thể thao, duy trì sức khỏe thể chất, ăn ngủ đúng giờ, sắp xếp cường độ làm việc hợp lý, giữ mối quan hệ tốt với người thân, đồng nghiệp,... Xây dựng lối sống tích cực, nhìn nhận các vấn đề theo nhiều chiều, học cách mở lòng chia sẻ, sẽ giúp tránh được các rối loạn tâm thần. 

Hà My

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...