Cảnh báo gia tăng số trẻ mắc tay chân miệng

Thứ 5, 23/03/2023 | 00:00:00
432 lượt xem

Bệnh tay chân miệng đã bắt đầu vào mùa. Những ngày gần đây, mỗi ngày bệnh viện Nhi Thái Bình tiếp nhận hàng chục trẻ mắc tay chân miệng đến khám, trong đó có khoảng 10% ca cấp độ 2A phải nhập viện, có trẻ trở nặng phải thở máy. Đã có 4 trẻ phải chuyển tuyến trên.

Nhiều bệnh nhi mắc tay chân miệng thể nặng phải chuyển tuyến điều trị

Bệnh nhi 7 tuổi này mắc tay chân miệng do lây từ em trai. Còn em trai lại lây từ bạn học cùng mẫu giáo. Do bệnh ở thể nặng, trẻ phải chuyển từ tuyến huyện lên điều trị tại Bệnh viện Nhi Thái Bình. 


Anh Vũ Đức Thăng, người nhà bệnh nhi: “Em bị nhẹ hơn nên ở dưới nhà, còn anh sốt trên 39 độ, sốt 2 ngày, chỉ cho uống hạ sốt thôi, chưa biết điều trị như thế nào nên cho đi khám luôn, các bác sĩ chuyển lên trên này.”



Khi trẻ có biểu hiện sốt và có vết loét trong miệng cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời

Theo các bác sĩ, bệnh tay chân miệng có thể xảy ra quanh năm, nhưng chủ yếu tập trung vào 2 mùa là từ tháng 3 đến tháng 5, và từ tháng 9 đến tháng 12. Bên cạnh nguyên nhân do thời tiết thì trẻ mắc tay chân miệng còn là do nhiều phụ huynh vẫn xem nhẹ việc vệ sinh cho con. Khi con sốt nhẹ, có vết loét trong miệng, cha mẹ bỏ qua, nhiều người còn tự mua thuốc về điều trị. Chỉ đến khi bệnh chuyển biến nặng mới cho con nhập viện.


Bác sĩ CKI Hoàng Trung Dũng, Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thái Bình: “Tay chân miệng nặng là độ 2A trở lên, trẻ sốt cao 38,5 đến 39 độ kèm theo dấu hiệu nguy hiểm như giật mình nhiều, trên 2 lần trong 30 phút. Với trẻ sốt cao dẫn đến co giật, bỏ ăn hoàn toàn. Đó là dấu hiệu nguy hiểm phải nhập viện luôn. Tay chân miệng độ nặng có thể dẫn đến tình trạng liên quan đến thần kinh như viêm não, có trường hợp để lại di chứng như giảm vận động các chi, làm trẻ đứng run hoặc cầm đồ vật bị run.”

Tay chân miệng là bệnh dễ lây lan thành dịch nên phòng bệnh là biện pháp quan trọng

Cái khó khi phòng dịch tay chân miệng là bệnh này chưa có vaccine. Trong khi đó, đường lây của tay chân miệng rất rộng, vừa đường hô hấp, vừa đường tiêu hóa. Hơn nữa, độ tuổi mắc bệnh thường nằm ở tuổi còn đi nhà trẻ, chưa có ý thức bảo vệ bản thân và những người xung quanh. 

Bởi vậy, các bậc phụ huynh cần lưu ý thực hiện các biện pháp phòng bệnh chủ động cho con như vệ sinh tay, đồ dùng đồ chơi của trẻ thường xuyên, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ chất. Nếu phát hiện con mắc tay chân miệng, cần cho trẻ nghỉ học từ 7 – 10 ngày và báo ngay với nhà trường để vệ sinh khu vực trẻ học, tránh dịch bệnh lây lan trên diện rộng. 

Hà My

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...