Không khí trong nhà có thể ô nhiễm hơn ngoài trời

Thứ 6, 03/03/2023 | 00:00:00
1,113 lượt xem

Thời gian gần đây, ô nhiễm không khí ngoài trời bắt đầu được quan tâm hơn, nhiều cảnh báo được đưa ra, nhất là ở những thành phố lớn hoặc các khu công nghiệp. Thậm chí trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh đường hô hấp được khuyến cáo hạn chế ra ngoài, nên ở trong nhà để tránh ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe. Thế nhưng, vấn đề đáng lo ngại là không chỉ ngoài trời mà ngay cả không khí trong nhà cũng có thể bị ô nhiễm, thậm chí còn gây hại nhiều hơn.

Người dân thường xuyên quét dọn nhà cửa nhưng vẫn không yên tâm về chất lượng không khí trong nhà

Có con nhỏ nên chị Tuyết ngày nào cũng dọn dẹp vệ sinh, đảm bảo cho con gái có không gian sạch sẽ để vui chơi. Nhưng có những ngày dù lau dọn đến thế nào, chị vẫn chưa yên tâm với chất lượng không khí trong nhà. 



Chị Bùi Ánh Tuyết, Thành phố Thái Bình: “Đóng cửa vào rồi mà quét nhà 2 -3 lần vẫn cảm thấy bụi, rất nhiều bụi.” 



Chất lượng không khí ảnh hưởng nhiều đến người có tiền sử về bệnh hô hấp

Bệnh nhân Nguyễn Minh Thư gần 80 tuổi, dù rất ít ra ngoài nhưng vẫn thường xuyên mắc bệnh hô hấp tái đi tái lại. Một trong những nguyên nhân là tình trạng ô nhiễm không khí trong nhà, ảnh hưởng từ khói thuốc lá thuốc lào, khói bếp rạ và cả lông động vật. 



Ông Nguyễn Minh Thư, xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ:Sức khỏe của tôi hiện nay cứ phải đi bệnh viện. Tự nhiên tức thở, không thở được, bị tắc nghẽn phải đi bệnh viện luôn.”


Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thu Hương, phó trưởng khoa Nội hô hấp, BVĐK tỉnh Thái Bình:Khi chúng ta hít phải không khí ô nhiễm sẽ làm gia tăng bệnh lý về hô hấp như viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phổi, phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn. Đặc biệt có thể gặp cả ung thư phổi. Khi hít nhiều khí than có thể làm giảm nồng độ oxy trong máu, tổn thương thần kinh, dẫn đến nhức đầu, buồn nôn.”

Hít phải không khí ô nhiễm sẽ làm gia tăng bệnh lý về hô hấp

Các nghiên cứu đã chỉ ra, môi trường trong nhà có khoảng 100 hợp chất hữu cơ bay hơi từ sàn, bàn ghế, mỹ phẩm, vật liệu xây dựng... có thể gây kích ứng cho mắt, mũi và họng. Bên cạnh đó, các sản phẩm có mùi nồng như sơn, nước xịt phòng, chất tẩy rửa cũng đều thải ra khí gây hại âm thầm. Đáng ngại hơn, bụi mịn không chỉ tồn tại ở bên ngoài, mà các hoạt động hàng ngày trong nhà như nấu nướng, sưởi ấm, làm mát… cũng phát sinh bụi mịn. Khi nồng độ bụi mịn ở mức độ nặng có thể dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm như suy tim, đột quỵ, suy giảm trí tuệ.


Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Thu Hương, Phó trưởng khoa Nội hô hấp, BVĐK tỉnh Thái Bình: “Chúng ta nên đảm bảo vệ sinh nhà cửa thường xuyên. Trong và sau khi nấu ăn nên sử dụng thiết bị hút mùi, thu khói hỗ trợ. Không hút thuốc lá trong nhà, hạn chế sử dụng hóa chất như chất tẩy rửa, chất làm mát không khí. “


Tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra ngày càng nhiều gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tiếp xúc với không khí bẩn mang lại nguy cơ tử vong cao không thua kém bất kỳ một loại virus thế kỷ nào. Trong khi hệ miễn dịch của con người cần được tăng cường để đối mặt với những đợt sóng dịch bệnh còn tiềm ẩn phía trước, thì chính không khí ô nhiễm lại là nguyên nhân đang “bào mòn” sức khỏe mỗi ngày. Vì vậy, việc chủ động cải thiện chất lượng không khí nên là biện pháp được quan tâm thực hiện ngay từ mỗi gia đình.  

Hà My

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...