Những thủ đoạn đặc biệt của cướp biển Đông Nam Á

Thứ 7, 11/10/2014 | 11:26:29
1,882 lượt xem

Cướp biển ở Malacca và eo biển Singapore có phương thức hành động hết sức đặc thù. Giới chuyên gia quốc tế đã đưa ra các đề xuất chống nạn cướp biển Đông Nam Á.

Tàu hải quân các nước Malaysia, Indonesia và Singapore tuần tra thường xuyên ở Malacca và eo biển Singapore, nhưng các vụ tấn công cướp biển vẫn liên tục xảy ra - Ảnh: Reuters

Theo các chuyên gia Cục Hàng hải quốc tế (IMB) và Tổ chức chống cướp biển châu Á ReCAAP, cướp biển Đông Nam Á không hề giống với hải tặc Somalia, những kẻ chuyên săn đuổi, đánh cướp tàu và bắt cóc thủy thủ để đòi tiền chuộc.

"Chúng cũng tấn công các tàu chở kim loại nhưng chủ yếu nhắm vào mặt hàng nhiên liệu lỏng. Hải tặc Đông Nam Á ưa thích sự kín đáo” - tài liệu của IMB cho biết. Chúng là những nhóm tội phạm có tính tổ chức cao.

Cướp giữa ban ngày

 
Bản đồ vị trí một số vụ cướp biển ở Đông Nam Á nửa đầu năm 2014 - Ảnh: IMB

IMB và ReCAAP cho biết mục tiêu ưa thích nhất của cướp biển Đông Nam Á là những chiếc tàu nhỏ chở kim loại hoặc nhiên liệu di chuyển trên eo biển Malacca và eo biển Singapore.

Bọn cướp biển moi tin từ rất nhiều nguồn, từ các thủy thủ biến chất, người nhà công nhân hải cảng, thậm chí từ các quan chức chính phủ và quân đội tham nhũng.

Hãng tin CBC dẫn lời chuyên gia Nicolas Teo, phó giám đốc Trung tâm Chia sẻ thông tin của ReCAAP, đánh giá các vụ tấn công trên biển ở Đông Nam Á đòi hỏi thông tin tình báo chính xác cao độ. Con tàu mục tiêu chở hàng gì, thời gian di chuyển, các biện pháp an ninh trên tàu, thông tin về các thủy thủ…

Ông Teo khẳng định bọn cướp biển moi tin từ rất nhiều nguồn, từ các thủy thủ biến chất, người nhà công nhân hải cảng, thậm chí từ các quan chức chính phủ và quân đội tham nhũng.

Trước đây, hải quân phương Tây khi trấn áp cướp biển Somalia cho biết vùng biển Sừng châu Phi quá rộng nên khó truy đuổi bọn tội phạm. Ngược lại eo biển Malacca và eo biển Singapore là những vùng biển hẹp và đông đúc. Tuy nhiên đó lại là điều kiện lý tưởng để cướp biển hoạt động.

Chuyên gia IMB Pottengal Mukundan cho biết việc tàu bè di chuyển đông đúc trên biển giúp tàu hải tặc dễ dàng lẩn trong đám đông hoặc cướp hàng giữa ban ngày. “Các tàu đi qua và thấy hai tàu chuyển hàng hóa. Đó chẳng phải là hiện tượng gì lạ. Trên rađa đó chỉ là hai chấm nhỏ” - ông Mukundan nhấn mạnh. Từ đầu năm nay đã có bốn vụ tấn công tàu trên eo biển Singapore ngay giữa ban ngày.

Các thủy thủ của tàu hàng khi bị gí súng vào đầu chắc chắn không dám nhấn còi báo động, kể cả khi tàu tuần tra của hải quân Malaysia, Indonesia hoặc Singapore đi qua.

Sau khi cướp xong nhiên liệu và hàng hóa, bọn cướp biển thường đập phá hệ thống liên lạc của tàu và thu giữ điện thoại di động của các thủy thủ. Và trên vùng biển có hàng trăm tàu bè qua lại, tàu của chúng dễ dàng lẩn vào đám đông rồi biến mất.

Bọn hải tặc còn có yếu tố địa lợi đặc biệt. Hải quân Indonesia, Malaysia và Singapore quản lý từng khu vực, sự hợp tác và chia sẻ thông tin không phải lúc nào cũng diễn ra thuận lợi. Ngoài khơi Indonesia và Malaysia có hàng nghìn đảo lớn nhỏ với vô số làng mạc, hang động, vịnh, ngách khuất… giúp bọn cướp biển dễ dàng lẩn trốn và vận chuyển hàng hóa cướp được vào đất liền.

Đối phó như thế nào?

Để đối phó với cướp biển ở Malacca và eo biển Singapore, các chuyên gia IMB và ReCAAP cho rằng trước mắt các hãng vận tải biển cần đầu tư tiền bạc và thời gian để đào tạo thủy thủ kỹ năng chống cướp biển tấn công.

Ví dụ như báo động nhanh, điều khiển tàu di chuyển khéo léo để canô cướp biển không thể áp sát, bởi các thủy thủ là hàng phòng ngự đầu tiên bảo vệ tàu.

“Cách tốt nhất để chống cướp biển là cảnh giác cao độ, đào tạo đội ngũ thủy thủ có tính chuyên nghiệp cao và luôn cẩn trọng” - IMB nhấn mạnh. Ở eo biển Malacca và eo biển Singapore, sự cảnh giác là vũ khí quan trọng nhất. Các tàu sớm phát hiện cướp biển, bật đèn hiệu báo động và di chuyển theo cách khó bị áp sát sẽ khiến bọn hải tặc nản lòng không truy đuổi.

Nguyên nhân đơn giản là bởi trên vùng biển Đông Nam Á có quá nhiều mục tiêu để cướp biển tấn công. “Bọn cướp biển nghĩ rằng tại sao lại phải tốn công truy đuổi một tàu khi có hàng loạt tàu khác gần đó, dễ dàng đánh cướp hơn” - chuyên gia David Watkins thuộc Hãng Swire Group’s China Navigation nhấn mạnh.

Phần lớn chuyên gia đều phản đối việc triển khai bảo vệ có vũ trang trên các tàu bởi đây là biện pháp nguy hiểm và tốn kém. Chính quyền Singapore, Indonesia và Malaysia cũng cấm súng đạn trên tàu thương mại.

Một số tàu di chuyển ngoài khơi Somalia đã trang bị bảo vệ có vũ trang. Nhưng ở Malacca và eo biển Singapore có tới hàng chục nghìn tàu di chuyển. Việc trang bị bảo vệ có vũ trang trên mọi tàu là bất khả thi.

 Sẽ còn tồi tệ hơn

Các chuyên gia IMB và ReCAAP dự báo nạn cướp biển ở Malacca và eo biển Singapore sẽ còn trở nên tồi tệ hơn trước khi lực lượng an ninh các nước khu vực trấn áp được bọn tội phạm.

Và mô hình tội phạm này có thể sẽ lan ra nhiều khu vực khác trên thế giới, ví dụ như châu Phi, Trung Đông, Caribbean hoặc Nam Mỹ.

“Nếu các vùng nghèo khác trên thế giới thấy rằng cướp biển Đông Nam Á đang ăn nên làm ra thì nạn hải tặc sẽ lan rộng” - chuyên gia David Watkins thuộc Hãng Swire Group’s China Navigation dự báo.

 

NGUYỆT PHƯƠNG

Tuoitre.vn


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...