Theo quy định tại Thông tư 43/2014/TTLT-BGTVT-BCT,  từ 1.1.2015,  các loại ô tô  du lịch (từ 7 chỗ trở xuống)  được sản xuất, lắp ráp hoặc nhập khẩu, chưa qua sử dụng,  phải thực hiện việc dán nhãn năng lượng trước khi xe được bàn giao đến tay người tiêu dùng.  Có 2 loại tem là xanh và vàng.

Tem năng lượng màu xanh lá cây thể hiện số liệu về tiêu thụ nhiên liệu của chiếc xe đã được cơ quan quản lý nhà nước (mà ở đây là Cục Đăng kiểm) tiến hành thử nghiệm và cấp xác nhận.Tem màu vàng tuy cũng thể hiện các số liệu tiêu thụ nhiên liệu của xe, nhưng lại do doanh nghiệp (DN) tự công bố. Cục Đăng kiểm chỉ kiểm tra mức độ hợp lệ của hồ sơ được nộp và phương pháp thử nghiệm được sử dụng, chứ không tiến hành bất cứ thử nghiệm nào để kiểm chứng mức tiêu thụ nhiên liệu mà DN công bố trên tem màu vàng.

Phạt chủ xe ôtô không sang tên đổi chủ

Theo Nghị định 171/2013, thay thế Nghị định 71 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, từ 1.1.2015, chủ xe ôtô các loại khi mua, được tặng, thừa kế... mà không sang tên đổi chủ sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng với cá nhân, 2-4 triệu đồng với tổ chức.

CSGT chỉ được xử phạt chủ phương tiện không sang tên đổi chủ qua công tác đăng ký, giải quyết tai nạn giao thông chứ không được kiểm tra xử lý lỗi này với các chủ phương tiện đang lưu thông trên đường.

Tăng mức phạt xe chở quá tải

Theo Nghị định 107/2014 của Chính phủ, người điều khiển xe ôtô tải, máy kéo và các loại xe tương tự chở hàng vượt trọng tải cho phép trên 100% sẽ bị phạt tiền từ 7 đến 8 triệu đồng, đồng thời phải hạ phần hàng quá tải và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 3 tháng.

Chủ xe ôtô để người làm công, người đại diện điều khiển xe chở hàng quá tải sẽ bị phạt tiền 32-36 triệu đồng với tổ chức, 16-18 triệu đồng với cá nhân. Trường hợp tổng trọng lượng xe vượt tải trọng cho phép của cầu, đường trên 100% cũng sẽ bị phạt với mức như trên, trừ trường hợp có Giấy phép lưu hành còn giá trị sử dụng.

TP.HCM bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ

Sáng 30.12.2014, HĐND TP.HCM tổ chức kỳ họp thứ 17 (kỳ họp bất thường) và thông qua tờ trình của UBND TP.HCM về việc thu phí đường bộ xe máy trên địa bàn TP.HCM. Việc kê khai, nộp phí bắt đầu từ 1.1.2015 và không truy thu phí phải nộp trong 2 năm 2013 – 2014 theo Thông tư số 197/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Cụ thể mức thu phí là 50.000 đồng/năm đối với loại xe có dung tích xylanh đến 100 cm3; 100.000 đồng/năm đối với loại xe trên 100 cm3 - 175 cm3; 150.000 đồng/năm đối với loại xe trên 175 cm3.

Các trường hợp không nộp phí sử dụng đường bộ sẽ bị xem xét xử phạt theo quy định tại Điều 6 của Thông tư số 186/2013/TT-BTC. Theo đó, phạt cảnh cáo đối với hành vi không thực hiện đúng thông báo nộp tiền phí, lệ phí của cơ quan thuế; thời hạn nộp tiền phí, lệ phí. Phạt tiền từ 1 đến 3 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định; mức phạt tối đa là 50.000.000 đồng.

Laodong.com.vn