Điểm mới về địa bàn hoạt động hải quan, phối hợp chống buôn lậu

Thứ 3, 19/08/2014 | 14:34:17
1,218 lượt xem

Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định địa bàn hoạt động hải quan; quan hệ phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và các hành vi khác vi phạm pháp luật hải quan.

Ảnh minh họa

Bộ Tài chính cho biết, ngày 23/12/2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2002/NĐ-CPquy định về phạm vi địa bàn hoạt động hải quan; quan hệ phối hợp trong phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới và các hành vi vi phạm pháp luật hải quan.

Tổng kết quá trình thực hiện Nghị định trong 12 năm qua cho thấy Nghị định đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Một số quy định của Nghị định về phạm vi địa bàn hoạt động hải quan không còn phù hợp với thực tiễn đã gây khó khăn cho hoạt động kiểm soát hải quan; thiếu chặt chẽ, dễ bị lợi dụng để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; công tác phối hợp giữa cơ quan hải quan với các lực lượng chức năng khác đạt hiệu quả chưa cao, đôi khi còn thiếu thống nhất, gây nên tình trạng chồng chéo, công tác phối hợp trao đổi thông tin với các lực lượng chức năng trên địa bàn còn nhiều hạn chế.

Thêm vào đó, chưa có các quy định cụ thể về trang bị phương tiện, sử dụng cờ hiệu trong địa bàn kiểm soát hải quan nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động quản lý hải quan tại các địa bàn.

Bên cạnh đó, Luật Hải quan năm 2014 có nhiều điểm mới về địa bàn hoạt động hải quan, phạm vi trách nhiệm và thẩm quyền của cơ quan hải quan trong công tác phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Vì vậy, Bộ Tài chính đã dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 107/2002/NĐ-CP hiện hành.

Mở rộng địa bàn hoạt động cụ thể

Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất cơ bản giữ nguyên phạm vi địa bàn hoạt động hải quan như quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, Bộ đề xuất bổ sung cụ thể thêm các địa bàn hoạt động hải quan phù hợp Điều 7 Luật Hải quan sửa đổi tại Điều 9 và Điều 10 dự thảo. Cụ thể, Điều 9 dự thảo quy định phạm vi cụ thể địa bàn hoạt động hải quan tại các khu vực ngoài cửa khẩu có thực hiện quản lý hải quan, bổ sung một số quy định phù hợp với Luật Hải quan như: Trụ sở của các đơn vị hải quan; địa điểm thu gom hàng lẻ (CFS); kho của doanh nghiệp bán hàng miễn thuế; khu vực tổ chức hội chợ, triển lãm hàng hoá nhập khẩu; khu vực địa điểm kiểm tra thực tế hàng hoá tại cơ sở sản xuất, công trình; địa điểm kiểm tra thực tế hàng hoá tập trung theo quyết định của Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan.

Tại Điều 10 dự thảo quy định phạm vi cụ thể các địa bàn hoạt động hải quan, bổ sung 5 loại địa bàn khác phù hợp với Luật Hải quan 2014, gồm: 1- Khu vực, địa điểm có ranh giới xác định đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, được phép xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hoá, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh phương tiện vận tải theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 2- Các khu vực được xác định là cửa khẩu phụ, lối mở, điểm thông quan có đủ 3 lực lượng Hải quan, Biên phòng, Kiểm dịch hoạt động, có cơ sở hạ tầng đám bảo quản lý Nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở đề xuất của Bộ Công thương; 3- Trụ sở người khai hải quan, kho bãi, nhà xưởng lưu giữ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của người khai hải quan khi kiểm tra sau thông quan; 4- Khu vực đang lưu giữ hàng hoá chịu sự giám sát hải quan; 5- Tuyến đường nơi đang vận chuyển hàng hoá đang chịu sự giám sát hải quan.

Tăng cường phối hợp phòng, chống buôn lậu

Tại dự thảo, về cơ bản, nội dung phối hợp của các cơ quan Nhà nước hữu quan trong việc phối hợp phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới được giữ nguyên như quy định tại Nghị định 107/2002/NĐ-CP.

Tuy nhiên, dự thảo đã cụ thể từng nội dung phối hợp nhằm tạo thuận lợi cho công tác hiệp đồng phối hợp của các cơ quan Nhà nước hữu quan có trách nhiệm trong công tác phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

Bộ Tài chính cho biết, để nâng cao trách nhiệm chủ trì của UBND và hiệu quả trong công tác phối hợp, dự thảo bổ sung thêm nội dung “UBND tỉnh chủ trì thực hiện chế độ giao ban định kỳ hoặc đột xuất với các cơ quan Nhà nước hữu quan tại địa phương để phân tích, đánh giá tình hình và lập kế hoạch đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới trên địa bàn”.

Bên cạnh đó, để thuận lợi cho công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu và phù hợp quy định của Luật Hải quan, dự thảo Nghị định cũng bổ sung trách nhiệm của cơ quan Công an, Bộ đội biên phòng: Hỗ trợ cơ quan Hải quan khi có yêu cầu được gửi người bị tạm giữ hành chính ở nhà tạm giữ của lực lượng Công an hoặc Quân đội.

Đối với trách nhiệm của cơ quan hải quan, dự thảo Nghị định cũng đã quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan hải quan trong địa bàn kiểm soát hải quan, ngoài địa bàn kiểm soát hải quan, tại vùng nội thuỷ, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải để tránh sự chồng chéo trong hoạt động làm ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu.

Tuệ Văn

Theo: Chinhphu.vn

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...