Các doanh nghiệp vận tải đồng loạt giảm giá cước theo giá xăng, dầu

Thứ 6, 11/09/2015 | 08:12:35
1,591 lượt xem

Từ giữa tháng 6/2015 đến nay, giá xăng RON 92 đã giảm 5 lần liên tiếp, tổng cộng gần 3.400 đồng/lít. Tính chung trong năm 2015, giá xăng RON 92 đã trải qua 7 lần giảm (tổng cộng 5.588 đồng) và 4 lần tăng (tổng cộng 5.040 đồng). Như vậy, giá xăng hiện nay đã rẻ hơn so với giai đoạn đầu năm 548 đồng mỗi lít. Để bảo đảm quyền lợi của khách hàng, từ ngày 7/9/2015, các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh giảm giá cước tương ứng theo giá xăng, dầu hiện nay.

Nhân viên Công ty Cổ phần Hoàng Hà niêm yết giá cước vận tải mới.

Ông Lưu Huy Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hoàng Hà cho biết: Là một trong những doanh nghiệp vận tải hành khách chủ lực trong tỉnh, ngay sau khi giá xăng, dầu trong nước được điều chỉnh giảm, Công ty đã chủ động tính toán lại giá thành, giảm giá cước vận tải hành khách từ 4 - 10% đối với xe buýt, tuyến cố định và xe taxi. Với gần 300 đầu xe các loại nên việc tăng hay giảm giá cước đối với doanh nghiệp là rất khó khăn. Trước khi tăng hoặc giảm giá cước, doanh nghiệp phải xem xét sự chênh lệch, nếu như giá xăng, dầu tăng hoặc giảm không quá 10% thì doanh nghiệp chưa tiến hành điều chỉnh giá cước. Hiện nay, Công ty Cổ phần Hoàng Hà đã hoàn thiện thủ tục cho việc giảm giá cước vận tải hành khách cũng như vận tải công cộng và cước taxi. Từ ngày 7/9/2015, Công ty điều chỉnh giảm giá cước vận tải một số tuyến như Thái Bình - Hà Nội từ 77.000 đồng xuống 72.000 đồng/hành khách/lượt, tuyến Thái Bình - Cẩm Phả (Quảng Ninh) từ 85.000 đồng xuống 80.000 đồng/hành khách/lượt, tuyến Thái Bình - Mông Dương (Quảng Ninh) từ 105.000 đồng xuống 100.000 đồng/hành khách/lượt… Đối với các tuyến xe buýt, Công ty đã thực hiện kê khai lại giá cước đối với 6 tuyến như: thành phố Thái Bình - Tiền Hải, thành phố Thái Bình - Hồng Quỳnh (Thái Thụy), thành phố Thái Bình - Triều Dương (Hưng Hà)... với mức giảm từ 5,3 - 10% so với giá cước hiện tại.

Cùng với Công ty Cổ phần Hoàng Hà, Công ty TNHH Một thành viên Mai Linh Thái Bình cũng đang khẩn trương tiến hành điều chỉnh giảm giá cước taxi theo giá xăng, dầu trên thị trường. Theo ông Phạm Thanh Hải, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Một thành viên Mai Linh Thái Bình: Việc giảm giá cước chưa được doanh nghiệp thực hiện ngay khi giá xăng, dầu trong nước giảm là do khi tăng hoặc giảm giá cước, doanh nghiệp phải chủ động in lại vé, hóa đơn vận tải với số lượng lớn, gây tốn nhiều chi phí. Đối với xe taxi, doanh nghiệp phải tiến hành tháo kẹp chì để điều chỉnh lại giá cước. Sau khi điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp phải đưa xe đi kiểm định lại đồng hồ và kẹp chì, dán tem kiểm định. Với mức giá nhiên liệu như hiện nay, Công ty đã sẵn sàng cho việc điều chỉnh giảm giá cước. Công ty giảm giá cước từ ngày 7/9/2015, mức giảm từ 500 - 800 đồng/km đối với các chặng và loại xe khác nhau. Cụ thể, mức giảm dự kiến đối với dòng xe 4 chỗ Kia Morning và Hyundai i10 có giá mở cửa 8.800 đồng/km; từ km tiếp theo đến km 20 là 10.700 đồng/km; km 21 trở đi là 8.600 đồng/km. Dòng xe 4 chỗ Toyota Vios có giá mở cửa 10.000 đồng/km, từ km tiếp theo đến km 20 là 12.800 đồng/km, từ km 21 trở đi là 9.700 đồng/km...

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Huy Quang, Trưởng phòng Quản lý vận tải và An toàn giao thông (Sở Giao thông Vận tải) cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa với nghìn ngàn đầu xe các loại. Trước thực tế giá xăng, dầu liên tục được điều chỉnh, Sở Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh tính toán lại giá thành, thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với biến động của chi phí nhiên liệu và yếu tố đầu vào. Riêng đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách, Sở Giao thông Vận tải yêu cầu phải thu đúng giá cước đã niêm yết, đồng thời thực hiện đăng ký kê khai, niêm yết giá vé theo đúng quy định. Để triển khai đồng bộ việc giảm giá cước vận tải, Sở Giao thông Vận tải đã tuyên truyền, vận động các đơn vị vận tải trên địa bàn thực hiện kê khai và niêm yết giá cước theo quy định, bảo đảm nguyên tắc điều chỉnh giảm giá cước vận tải đường bộ phù hợp theo mức giảm giá nhiên liệu trong nước. Tuy nhiên, tăng hoặc giảm giá cước vận tải phải cần có thời gian chuẩn bị nhất định. Việc thay đổi giá cước đồng thời sẽ phát sinh nhiều loại chi phí khác như chi phí để điều chỉnh đồng hồ cước, in lại bảng giá, thay đổi kế hoạch kinh doanh... Với số lượng xe của mỗi doanh nghiệp lên đến hàng trăm chiếc thì những chi phí trên là con số không nhỏ.

Phạm Hưng

(http://socongthuong.thaibinh.gov.vn)

  • Từ khóa
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV

Chiều ngày 24/4, đồng chí Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có buổi tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...