Làm giàu trên đất khó

Thứ 6, 10/09/2021 | 00:00:00
1,592 lượt xem

Là một trong những người đi tiên phong tích tụ đất sản xuất nông nghiệp ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ, chị Phạm Thị Họa đã tận dụng tốt tiềm năng về đất đai và áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác. Nhờ đó đất đã nhả vàng, mỗi năm người phụ nữ này thu về nửa tỷ đồng tiền lãi.

Chị Họa thu hoạch ổi trên diện tích đất canh tác

Năm nay là năm thứ 8 chị Họa canh tác trên mảnh đất này. Từ những mảnh ruộng bỏ hoang, cỏ rậm um tùm, người phụ nữ này đã đầu tư gần 1 tỷ đồng cải tạo đất, đưa những giống cây ăn quả về trồng và chăm sóc. Vẫn là những cây trồng truyền thống như thanh long, mít, ổi, bưởi, nhưng cách làm thì có nhiều khác biệt. Không trồng xen canh các loại với nhau, trên diện tích gần 5 héc-ta, chị quy hoạch thành 4 vùng, mỗi vùng trồng 1 loại cây. Cách làm này không chỉ thuận tiện cho việc chăm sóc mà còn cho hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chị Phạm Thị Họa, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ:

“Nếu trồng xen kẽ các loại cây ăn quả với nhau thì nó sẽ làm kém chất lượng đi cho nên là loại nào phải trồng riêng với loại đó. Ví dụ như bưởi da xanh thì phải trồng riêng thành vùng bưởi da xanh, nếu mình mà trồng cây cam vào thì lại làm kém chất lượng của bưởi da xanh đi vì nó thụ phấn chéo.” 


Chị Họa chăm sóc cây bưởi trên diện tích đất canh tác

Nhận thấy nếu sản xuất chính vụ thì sản phẩm cùng loại trên thị trường nhiều, khó tiêu thụ, chị Họa tìm tòi, học hỏi các kỹ thuật để cây trong vườn cho ra quả trái vụ. Nhờ nắm bắt được đặc tính của từng loại cây, lựa chọn thời điểm cắt cành, thụ phấn phù hợp nên các loại cây trong vườn sai quả và cho thu hoạch lệch thời điểm chính vụ. Do đó giá bán các sản phẩm này cao gấp đôi so với những sản phẩm cùng loại.

Chị Phạm Thị Họa - xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ:

“Cây ổi mà vào tháng 3, tháng 4 thì có nhiều loại hoa quả nên dẫn đến giá ổi sẽ rẻ. Do vậy, vào thời điểm đó tôi sẽ cắt cành đi và để cho cây ổi nở hoa vào tháng 5, đến tháng 6 hoặc cuối tháng 6 là ra quả. Từ tháng 8 trở đi có gió heo may lên thì quả sẽ ngọt mà giá cũng cao hơn.” 


Thanh long trồng trên diện tích đất canh tác của gia đình chị Họa

Diện tích canh tác rộng, một mình chị Họa không thể đảm đương tất cả công việc tại vườn. Gần chục lao động là những phụ nữ trung tuổi trong thôn, trong xã được chị thuê về làm cỏ, chăm sóc cây cối. Những người phụ nữ nông thôn có thêm việc làm, thêm thu nhập cải thiện cuộc sống.

Bà Vũ Thị Quýt, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Phụ:

“Tôi ra đây làm từ ngày cô Họa bắt đầu nhận ruộng. Công việc của tôi ở vườn này là trồng cây rồi chăm bón, tưới tắm thôi. Công việc cứ đầy đặn thì cô ấy cũng trả tôi hơn trăm một công, có thêm thu nhập cho cuộc sống.” 


Thay đổi cây trồng, tích cực ứng dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, người phụ nữ này đã gặt hái được những quả ngọt. Thành công của chị thêm minh chứng khẳng định luôn có những cơ hội làm giàu từ nông nghiệp nếu người nông dân dám thay đổi tư duy sản xuất. 

Thu Trang

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...