Hiệu quả từ những lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp cho người lao động tại địa phương

Thứ 6, 22/05/2020 | 00:00:00
912 lượt xem

Sau 4 năm thực hiện đề án tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp cho người lao động tại địa phương của Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình, thì các lớp tập huấn mới đang triển khai trong năm nay nhận được sự ủng hộ và tham gia của rất nhiều bà con nông dân.

Lớp tập huấn vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp tại xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư

Tiếp tục kế hoạch 5 năm triển khai đề án tập huấn lao động vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy cơ khí nông nghiệp phục vụ cơ khí hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2015 - 2020 của tỉnh, vừa qua, Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp của tỉnh đã tổ chức khai giảng các lớp tuận huấn ở các địa phương trên toàn tỉnh Thái Bình. Với hiệu quả của các lớp tập huấn trước đây, nên năm nay, rất nhiều bà con nông dân tình nguyện tham gia khóa học này.

Ông Hà Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến công Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình:

Nhìn chung các lớp tập huấn được bà con đón nhận nhiệt tình. Đặc biệt là có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Và khi các địa phương nào có nhu cầu thì trung tâm sẽ phối hợp tổ chức kịp thời. Thời điểm này thì trung tâm đã tổ chức được 15 lớp.


Với hình thức tập huấn truyền đạt lý thuyết kết hợp với hướng dẫn thực hành, sau các lớp tập huấn, các học viên biết vận hành máy móc đúng quy trình và tự sửa chữa được một số hỏng hóc thông thường về phần cơ, điện, nhiệt của máy móc. Nông dân có kiến thức cơ bản về máy móc, vận hành đúng quy trình còn giảm thiểu tai nạn, thương tích trong lao động, bảo vệ sức khỏe, tính mạng và duy trì hoạt động sản xuất thường xuyên.

Các học viên tham gia thực hành sửa chữa đầu máy nông nghiệp

Ông Trần Văn Thuần, xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư: 

Trước đây cũng mua máy nhưng chưa biết sửa chữa. Mỗi lần đi tìm thợ thì cũng rất khó. Thợ ở nông thôn cũng không có điều kiện như các nơi khác, chúng tôi tìm thợ rất khó. Các chi phí cũng bất cập. Cũng có lúc đang vận hành không may sự cố xảy ra thì mình lại phải tìm thợ. Nó ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất. Ảnh hưởng đến công việc, cho nên các lớp tập huấn này tôi đều tình nguyện đăng ký tham gia.


Ông Nguyễn Văn Lỉnh - xã Chi Lăng, huyện Hưng Hà: 

Qua lớp học này chúng tôi cũng nắm bắt được một số kỹ năng để sửa chữa. Đỡ phải mượn thợ, giảm chi phí cho gia đình.



Trong thời gian tập huấn, các học viên được giảng viên truyền đạt các nội dung về nguyên lý cơ bản của động cơ đốt trong, hệ thống phát lực phân phối khí, bôi trơn, làm mát, cung cấp nhiên liệu cho động cơ diezel. Đến nay đã có hàng nghìn nông dân là chủ máy, lao động vận hành máy cơ khí nông nghiệp ở hơn 200 xã trong toàn tỉnh được trang bị các kiến thức về vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa máy nông nghiệp. Nông dân có kiến thức khoa học kỹ thuật góp phần giúp họ khai thác có hiệu quả đầu tư máy móc, tiết kiệm thời gian, giảm sức lao động, tăng năng suất lao động và năng suất cây trồng, vật nuôi. 

Ông Trịnh Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong, huyện Vũ Thư: 

Sự thay đổi của bà con cũng góp phần cho thay đổi của địa phương. Đối với địa phương làm màu thì khi nhiều người sử dụng và biết sửa chữa máy móc  thì sẽ có hiệu quả hơn trong công tác làm đất sản xuất, nhất là vụ Đông hàng năm.


Các lớp tập huấn của năm nay được triển khai muộn hơn so với mọi năm do tác động của dịch Covid 19, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng tới số lượng bà con nông dân tham gia khóa học. Tuy triển khai muộn, nhưng Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp của tỉnh đã nhanh chóng xúc tiến hoạt động tổ chức với các địa phương để đảm bảo hoàn thành tất cả các khóa học trong năm nay.

Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình sẽ tiếp tục mở thêm các lớp tập huấn cho người dân tại các địa phương trong tỉnh tiếp cận

Ông Hà Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Tư vấn phát triển công nghiệp Thái Bình cho biết thêm: “Để đảm bảo kế hoạch thì trung tâm cũng phải giao cho anh em về các địa phương. Trong thời gian giãn cách thì trung tâm cũng chuẩn bị hồ sơ, làm việc và yêu cầu các đơn vị tập hợp danh sách. Thứ hai là đơn xin đăng ký và các thủ tục kèm theo. Và khi hết giãn cách thì trung tâm đã cử cán bộ xuống các địa phương liên tục triển khai từ ngày 15/4 đến giờ. Trung tâm cũng quyết tâm phấn đấu trong năm nay sẽ hoàn thành 82 lớp để đảm bảo kế hoạch được giao."

Kết quả sau mỗi khóa tập huấn, bà con đã thay đổi tư duy về ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, và ngày càng trở thành những người nông dân tiên tiến để làm chủ hoạt động công nghiệp hóa nông nghiệp hiện nay.

Lô Linh

  • Từ khóa
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chiều 11/4, đoàn khảo sát do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình làm trưởng đoàn làm việc với Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...