Tuyên truyền về phòng bệnh cúm gia cầm

Thứ 5, 20/02/2020 | 19:04:17
1,436 lượt xem

Không chỉ lo ứng phó với dịch Covid -19, các địa phương hiện nay cũng đang phải triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm - loại bệnh nguy hiểm không chỉ lây lan trong gia cầm mà còn có nguy cơ lây sang người và các loại động vật khác. Sau đây ông Phạm Văn Lý – Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & Thú y Thái Bình sẽ hướng dẫn rõ hơn về cách phòng chống loại bệnh này.

Bệnh Cúm gia cầm (Avian Influenza) là một bệnh truyền nhiễm ở loài chim (bao gồm cả gia cầm và chim hoang dã) và động vật có vú (bao gồm cả người); gây ra do vi rút cúm típ A thuộc họ Orthomyxoviridae. Ở Việt Nam hiện nay đã xác định chủng vi rút gây bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao là H5N1 và H5N6. Trong chăn nuôi, gà thường bị mắc bệnh rất nặng, vịt thường mang mầm bệnh nhưng ít khi có biểu hiện triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc mầm bệnh ra môi trường. Một số chủng vi rút cúm gia cầm không gây bệnh cho gia cầm nhưng có thể lây truyền bệnh cho người và gây tử vong ở người với tỷ lệ cao (vi rút cúm A/H7N9).

Cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm cấp tính rất nguy hiểm đối với nhiều loại gia cầm như: Gà, vịt, ngan, ngỗng, gà tây, đà điểu, chim cút, các loài chim cảnh và chim hoang dã nhất là vịt trời, ngỗng trời và đặc biệt các loài thủy cầm nuôi (vịt, ngan, ngỗng); bệnh có khả năng lây lan sang người và gây tử vong. 

Gia cầm khi mắc bệnh thường có biểu hiện chính như: giảm ăn, sốt cao, ho, thở mạnh, khó thở, chảy nước mắt, chảy nước dãi ở mỏ, phù đầu và mặt, xuất huyết ở vùng da không có lông đặc biệt ở chân, da tím tái, lông xù, đứng tụm một chỗ, khát nước, bỏ ăn và chết nhanh. Có con có biểu hiện về thần kinh như đi lại không bình thường, loạng choạng, run rẩy, mệt mỏi.

Tại Việt Nam, năm 2019, bệnh CGC xảy ra tại 70 hộ chăn nuôi, 44 xã, 41 huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố, buộc phải tiêu hủy trên 133 nghìn con gia cầm. Từ đầu năm đến nay cả nước có 13 ổ dịch CGC do chủng vi rút A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 39.066 con gia cầm tại 05 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An. Hiện nay, các ổ dịch tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội, Bắc ninh chưa qua 21 ngày. Kết quả chủ động lấy mẫu giám sát tại 26 tỉnh, thành phố (với tổng cộng 3.966 mẫu gộp của 19.830 con gia cầm đã được xét nghiệm). Kết quả, tỷ lệ dương tính với virus cúm A là 37,72%, trong đó có dương tính với virus cúm A/H5N1 là 1,19%; A/H5N6 là 1,82%.

Tại tỉnh Thái Bình, tổng đàn gia cầm hiện rất lớn (khoảng 14,4 triệu con); điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao; do dịch bệnh Covid-19, vịt thịt được vận chuyển từ các tỉnh phía Nam qua Thái Bình ra các tỉnh biên giới để xuất tiểu ngạch đi Trung Quốc bị ứ đọng, tiêu thụ tại Thái Bình nhiều; vi rút cúm gia cầm lưu hành, tồn tại ngoài môi trường; việc tổ chức tiêm vắc xin Cúm gia cầm cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ. Việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở có nơi, có lúc còn lơ là, chủ quan, thiếu sự kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện.

Do đó, nguy cơ dịch bệnh Cúm gia cầm xuất hiện, lây lan rất cao. Để chủ động phòng chống dịch Cúm gia cầm, đề nghị mỗi người dân thực hiện tốt các biện pháp sau đây:

1. Thực hiện đầy đủ các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học như:

- Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gia cầm gồm: vắc xin cúm gia cầm; Niu cat xơn cho gà; dịch tả cho vịt, ngan; vắc xin tụ huyết trùng gia cầm và một số loại vắc xin khác theo thực tế của từng địa phương. Sử dụng vắc xin cúm gia cầm Navet – vifluvac để tiêm phòng cho đàn gia cầm từ 15 ngày tuổi trở lên; liều lượng và tiêm nhắc lại theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Định kỳ thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường xung quanh bằng hóa chất và vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh; Vôi bột được sử dụng rắc xung quanh chuồng nuôi và các lối đi lại trong khu vực chăn nuôi;

- Nhập nuôi đàn gia cầm khỏe mạnh, rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch; Thực hiện nuôi cách ly trước khi nhập đàn; Quản lý chặt chẽ đàn gia cầm, không nuôi thả rông, hạn chế cho người vào thăm chuồng trại; Khi vào chuồng trại phải vệ sinh khử trùng tiêu độc và mang bảo hộ;

- Sử dụng thức ăn, nước uống đảm bảo chất lượng, được vệ sinh sạch sẽ và đủ số lượng cho gia cầm ăn;

- Nuôi đúng mật độ, chuồng nuôi gia cầm phải cao ráo, không bị gió lùa; đảm bảo ấm về mùa đông và mát về mùa hè; ....

2. Thực hiện tốt 05 không trong phòng chống dịch:

-  Không nuôi thả rông gia cầm;

-  Không mua, bán gia cầm bị bệnh;

-  Không ăn thịt gia cầm bị bệnh hoặc không rõ nguồn gốc;

-  Không giấu dịch;

-  Không vứt xác gia cầm bừa bãi.

3. Thực hiện tốt các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh từ động vật sang người như: Không ăn tiết canh gia cầm, gia súc hoặc động vật hoang dại, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, hạn chế đưa tay lên vùng mặt.

Khi xuất hiện có gia cầm ốm, chết trong đàn cần báo ngay cho Ban chăn nuôi thú y xã hoặc chính quyền địa phương hoặc báo trực tiếp vào đường dây nóng của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh 0363.643.640 để có hướng dẫn xử lý kịp thời./.

Hà My ( Theo Chi cục chăn nuôi và thú y Thái Bình)


  • Từ khóa
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV

Chiều ngày 24/4, đồng chí Nguyễn Văn Huy, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình có buổi tiếp xúc với cử tri thành phố trước kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...