Vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 7, 09/11/2019 | 09:55:53
1,059 lượt xem

Sau 8 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, một trong những bài học kinh nghiệm then chốt giúp các địa phương triển khai thuận lợi chính là “lấy dân làm gốc”. Nhân dân, mà cụ thể trong phong trào này là nông dân phải là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Là người luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương từ việc hiến đất, góp quỹ đến việc tham gia các hoạt động chỉnh trang đường giao thông thôn làng, ông Xuân luôn là người gương mẫu đi đầu, làm trước.

Ông Vũ Thanh Xuân - Thôn Ngọc Thịnh, xã Thái Nguyên huyện Thái Thụy: Xây dựng nông thôn mới là làm đẹp cho quê hương mình, nơi mình sinh sống nên mình phải ủng hộ, phải nhiệt tình tham gia. Làng có đẹp thì nhà mới sạch đẹp được.


Thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở các địa phương cho thấy nơi nào huy động được trí tuệ, tâm huyết, tiền của, công sức của mỗi người dân cùng với Nhà nước và địa phương thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới thì ở đó chất lượng và việc giữ vững các tiêu chí đã đạt được sẽ dễ dàng hơn.

Ông Hà Duy Thiện - Chủ tịch UBND xã Thái Nguyên, huyện Thái Thụy: Phải khơi dậy được quyền làm chủ của nhân dân. Nhân dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới có như thế mới huy động được nội lực cả về trí tuệ, tiền của và công sức trong dân.


Các cấp chính quyền cần tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm mục đích phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của chính dân cư nông thôn. Trong xây dựng nông thôn mới, người dân vừa là người làm vừa là người thụ hưởng.

Ông Trần Xuân Thành - Thôn Giang Bắc xã Tây Giang, huyện Tiền Hải: Xây dựng nông thôn mới theo quan niệm của dân chúng tôi là có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Những gì đã đạt được thì phải duy trì để giữ vững và phát huy phục vụ cho nhân dân.


Để phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân, các cấp chính quyền trong tỉnh đã biết phát huy dân chủ, tạo điều kiện để nhân dân tự quản, tự bàn bạc quyết định chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Chỉ khi nào cán bộ chính quyền lấy công khai, minh bạch làm đầu, phát huy tính dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện cho người dân có quyền quyết định việc sử dụng nguồn vốn do mình đóng góp, giám sát việc sử dụng nguồn vốn đó thì người dân mới tích cực, hăng hái đóng góp tiền của để xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Xuân Tuyển - Thôn Tân Dân, xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà: Đảng viên trong chi bộ luôn nêu gương trong các phong trào thi đua, tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới. Vì vậy mà phong trào xây dựng nông thôn mới ở thôn Tân Dân đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của nhân dân.


Kinh nghiệm từ các địa phương thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới cũng cho thấy, cán bộ chính quyền khi huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới không được làm quá sức dân. Người dân không phải trong một sớm một chiều được thụ hưởng những kết quả từ việc xây dựng nông thôn mới nên ngay từ đầu kêu gọi họ đóng góp quá sức sẽ tạo cho họ cảm giác chương trình nông thôn mới là một gánh nặng. Vì vậy, cán bộ chính quyền khi huy động sức dân phải vừa sức, từng bước, tránh nóng vội.

Ông Tô Quý Bôn - Trưởng Ban dân vận Huyện ủy, Chủ tịch UBMTTQ huyện Tiền Hải: Nhiều dự án lớn trên địa bàn huyện được triển khai thực hiện thuận lợi chính là nhờ sự đồng thuận cao của nhân dân. Chỉ có dân chủ thực sự mới huy động và phát huy hết được sức dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính ở địa phương.


Rõ ràng, xây dựng nông thôn mới được xác định là “của dân, do dân và vì dân”, nhưng trong quá trình triển khai, không phải nơi nào, địa phương nào cũng làm được điều đó, do cách làm và phương pháp còn chưa đúng, chưa phát huy hết dân chủ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của nhân dân. 

Bài học lấy nhân dân làm gốc, lấy nông dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới cần được các cấp ủy, chính quyền phát huy nhiều hơn nữa. Lấy người nông dân làm trung tâm trong triển khai mọi công việc từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất, chăm lo sức khỏe, giáo dục, văn hóa. Các công việc đó cần được thực hiện trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng của chính nhân dân, để người dân thấy rõ lợi ích của mình và tham gia xây dựng nông thôn mới.

Hữu Phước

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...