Ngày mùa trên quê hương nông thôn mới

Thứ 6, 18/10/2019 | 09:30:05
1,601 lượt xem

Những ngày này, cũng như nhiều làng quê ở ở Thái Bình nông dân xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy hối hả, tất bật vào mùa thu hoạch. Vẫn là những ngày bận rộn nhất, mong chờ nhất trong năm chỉ có điều với nông dân ngày mùa bây giờ không còn nhiều lo toan và vất vả như trước.

Đã lâu rồi, vào vụ gặt, ông Nguyễn Tiến Hóa, thôn Bái Thượng, xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy không phải tất bật dậy từ khi gà chưa gáy để ra đồng, cũng chẳng còn phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi để mượn người gặt, thuê máy tuốt nữa. Ngày trước, cách buổi gặt nửa tháng, nhà nào nhà ấy rục rịch lo rẽ liềm cho sắc, sửa lại đôi quang, cái đòn gánh. Còn bây giờ chỉ việc chuẩn bị một ít bao tải, đi xe ra chỉ ruộng cho chủ máy gặt rồi đứng ở đầu bờ đợi mang lúa về phơi.


Ông Nguyễn Tiến Hóa - thôn Bái Thượng, xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy :Trước kia ngày mùa đến là lo về công sức, lao động không có mà đi gặt. Vất vả lắm, gặt thì phải lo xa, phương tiện máy móc thì không có. Bây giờ chỉ nửa ngày là xong.



Mùa gặt ngày nay không còn thấy những chiếc nón trắng nhấp nhô trong biển lúa vàng, không còn thấy các bà, các chị tay liềm tay hái thoăn thoắt cắt lúa, không còn những bữa cơm ăn vội giữa đồng. Máy móc đã thay thế sức người. Với sự xuất hiện của những chiếc máy gặt đập liên hợp, mùa gặt chỉ còn kéo dài từ 7-10 ngày.

Anh Ngô Hữu Chiến - thợ lái máy gặt : Ở đây mấy anh em đội máy có khoảng 3, 4 chiếc, chúng tôi gặt từ 8h đến 20 h. Chỉ khoảng 1 tuần là thu hoạch xong




Xây dựng nông thôn mới ở Thụy Phúc không chỉ đường làng được cải tạo, nâng cấp mà cả những con đường nội đồng cũng được mở rộng và cứng hóa. Những con đường đất, nhỏ, hẹp vốn chỉ đủ cho xe thồ và đôi chân người gánh lúa được thay bằng những con đường bê tông rộng dài, thẳng tắp. Việc thu hoạch rồi vận chuyển lúa của bà con vì thế cũng thuận lợi hơn nhiều so với trước.

Vào mùa gặt, nông dân sợ nhất khi ông trời bất chợt đổ cơn mưa. Hễ cứ gặp mưa, là lúa ướt và lên mộng hết cả nên ai nấy đều gắng chạy đua với thời gian. Ở Thụy Phúc, sân đình, sân nhà văn hóa và đường nội đồng khá là rộng. Mọi người tận dụng từng khoảnh sân, khoảng trống làm chỗ phơi thóc. Khắp thôn, xóm nhuộm màu vàng của lúa.

Bà Vũ Thị Dung, thôn Bái Thượng, xã Thụy Phúc, huyện Thái Thụy chia sẻ: Trước kia gặt lúa về chúng tôi phải vác thóc lên mái nhà để phơi. Bao thóc nặng, vác lên cao, cực nhọc lắm. Từ ngày xây dựng nông thôn mới thì chúng tôi gặt xong phơi ở sân đình, sân nhà văn hóa, chỉ một, hai nắng là khô mà  trời có mưa cũng dễ thu.

Trước kia cuộc sống còn nhiều khó khăn. Hầu hết người dân ở Thụy Phúc dùng rơm, rạ làm chất đốt, chăn nuôi trâu bò. Phơi thóc xong là lại quay ra phơi rơm rồi chở rạ từ ngoài đồng về đánh đống khắp vườn. Giờ đây nhà nào cũng dùng bếp ga, bếp điện, rơm rạ được người dân tận dụng để trồng cây vụ đông chứ không đốt bỏ như các địa phương khác.

Theo thời gian, dù đã có nhiều sự đổi thay nhưng ngày mùa đối với những người dân xã nông thôn mới Thụy Phúc vẫn náo nhiệt và tràn đầy khí thế. Không khí bận rộn làm cho cuộc sống no ấm hiện hữu trong từng đôi mắt của người dân quê.

Thu Trang


  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...