Vấn đề bao tiêu nông sản

Thứ 3, 23/07/2019 | 19:17:05
996 lượt xem

Nhiều năm nay, nông sản Việt vẫn luôn rơi vào tình trạng được mùa thì mất giá, hoăc bán rẻ như cho. Nông sản của Thái Bình cũng không nằm ngoài vòng quy luật đó mỗi khi mùa thu hoạch cập kề.

*Nông nghiệp tự phát không định hướng

Bà Hoàng Thị Bích- Xã Vũ Phúc, Thành phố Thái Bình: Rau màu chúng tôi tự trồng chứ không theo hướng nào cả

Ông Phùng Văn Sở- xã Song An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình: Nông dân vẫn hay tự trồng, thấy một vụ được giá, lại cứ nghĩ tiếp tục được giá cao lại tiếp tục trồng nên nhiều, khó khăn cho đầu ra…

Đây là chia sẻ của những nông dân chuyên trồng rau màu khi vụ thu hoạch rau màu xuân hè. Hiện nay, tại các cánh đồng màu, nông dân tự ý chọn cây trồng theo phong trào, cứ thấy loại cây nào giá đang cao là tập trung vào trồng hay thấy thị trường  năm trước ưa thích thì năm sau lại ồ ạt tự trồng. Từ đó, cung vượt quá cầu, giá rẻ hơn nhiều lần so với kỳ vọng từ năm trước.

Gia đình bà Hoàng Thị Bích, xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình có 4 sào rau màu. Trên diện tích sẵn có, bà Bích trồng rau cải ngọt và hành. Theo tâm sự của bà Bích vào thời điểm này, vụ cây màu hè thu năm trước, bà Bích trồng rau cải ngọt giá bán khá cao nhưng năm nay giá đã giảm mất 1/3 so với vụ trước. 

Bà Hoàng Thị Bích- Xã Vũ Phúc, Thành phố Thái Bình: Năm nay, gia đình trồng rau nhưng giá lại thấp, năm trước được 6000 đồng/bó. Năm nay, giá chỉ được 2000 đồng…






Thực tế rau màu bán rẻ như cho, giá không ổn định đang trở thành quy luật chung khiến nông dân phải lo lắng mỗi khi mùa vụ thu hoạch đến. Cách đây khoảng 1 năm, thời điểm  đầu năm 2018, tại các cánh đồng trồng rau màu của xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình và các xã Song An, Trung An của huyện Vũ Thư , hàng trăm ha rau bị nông dân cắt mang đổ chất đống bên đường .Việc làm này đã gây tổn thất nặng về kinh tế và công sức cho người nông dân.

Nguyên nhân rau đổ đi và rau rẻ như cho, một phần là do thời tiết làm rau hư hỏng nên không được giá, còn phần quan trọng hơn vẫn là do nông dân tự phát trồng không theo quy hoạch và bán tự do ngoài thị trường bị tư thương ép giá.  

Ông Hoàng Thế Quỳnh- Giám đốc HTX  DVNN Vũ Phúc, thành phố Thái Bình cho biết: Có thời điểm rau rẻ như cho, rau cải bẹ chặt bỏ đống là do nông dân tự ý trồng chưa theo quy vùng… Chúng tôi cũng muốn liên kết với doanh nghiệp để sản xuất nhưng lúc rau đắt họ tranh nhau mua, rẻ thì ép giá lên chưa thể liên kết được.






* Giải pháp nâng giá trị cho nông sản

Việc nông dân  trồng các loại rau màu tự phát mà không theo định hướng của địa phương sẽ dễ  rơi vào tình trạng được mùa mất giá. Do vậy, cần có sự vào cuộc của ngành chức năng địa phương, sự định hướng quy hoạch vùng và hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Việc liên kết, quy vùng sản xuất gắn với bao tiêu nông sản tại xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà là cách làm mà nhiều địa phương có thể tham khảo.

Trong vụ xuân hè này cây dưa chịu nhiệt được đưa vào xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà lần đầu tiên với 5 ha. Mặc dù việc quy vùng chưa được thuận lợi, nhưng hợp tác xã (HTX ) sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Dân Chủ đã tìm được các hộ dân tham gia ký kết sản xuất với diện tích đủ đáp ứng với đối tác là doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm. Hình thức liên kết là hợp tác xã và doanh nghiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng cho các hộ tham gia và bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra.

Ông Nguyễn Huy Lũy- Xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình: Năm nay tôi trồng hơn 1 sào, giá cả 40.000 đồng/1 kg với gần hai tấn tôi thu 8 triệu đồng, trừ chi phí lãi 6 triệu.






Như vậy, chỉ trong 2 tháng, người dân trồng màu đã có thu nhập cao hơn so với cấy lúa. Không chỉ với các loại rau màu, hợp tác xã sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Dân Chủ còn đứng ra ký kết với các đối tác khác nhau để bao tiêu các loại cây màu và lúa cho nông dân. Chính vì vậy, nông dân tích tụ ruộng đất cũng rất yên tâm sản xuất. 

Ông Nguyễn Tiến Nhiên- Xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình cho biết: Vụ mùa trước, tôi cấy 2 mẫu lúa Nhật được đứng ra ký kết với công ty nên tôi rất yên tâm trong vấn đề đầu ra,





Ông Đinh Văn Sâm- Giám đốc HTX sản xuất kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà cho biết: Trước hết chúng tôi chọn doanh nghiệp để bao tiêu nông sản cho địa phương, tiếp đến HTX đứng ra ký kết với doanh nghiệp hợp đồng bao tiêu, chọn hộ tham gia và đôn đốc nông dân thực hiện đúng yêu cầu hợp đồng. HTX cũng yêu cầu doanh nghiệp ứng giống, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân tham gia, thanh toán hợp đồng song phẳng. Từ khi ký kết bao tiêu nông sản với doanh nghiệp đến nay 8 năm, nông dân tham gia mô hình được thanh toán sòng phẳng nên rất vui vẻ hợp tác…

Hiện nay, không chỉ có Dân Chủ mà một số địa phương khác tại huyện Hưng Hà đã làm rất tốt việc bao tiêu nông sản cho nông dân. Huyện Hưng Hà đã có chỉ đạo quy vùng sản xuất và giới thiệu khoảng 25 doanh nghiệp có uy tín nhiều năm trong bao tiêu nông sản cho các xã, thị trấn. Ngoài ra, các vùng liên kết bao tiêu nông sản được huyện có cơ chế hỗ trợ 50% giống và phân bón.  

Ông Phạm Văn Bình- Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hưng Hà cho biết: Bám sát đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh, huyện Hưng Hà cũng đã xây dựng đề án thực hiện và có giải pháp cụ thể, trong đó có giải pháp nâng cao giá trị nông sản qua vấn đề bao tiêu sản phẩm. Huyện tạo điều kiện về hỗ trợ giống, phân bón cho các vùng liên kết, giới thiệu doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho các địa phương,…

Như vậy, với việc quy hoạch cây trồng và hướng liên kết sản phẩm đầu ra, nhiều địa phương tại huyện Hưng Hà đã tìm được giải pháp cho bài toán được mùa thì mất giá, hoặc giá nông sản bán giá rẻ như cho. Thực tế, mỗi năm tỉnh Thái Bình đều có đề án sản xuất về việc trồng cây gì và diện tích như thế nào. Do vậy, các huyện, các xã cần định hướng cụ thể cho người dân trồng các loại nông sản phù hợp, tìm hướng bao tiêu sản phẩm đầu ra để người dân rơi vào cảnh trồng tự phát, nhỏ lẻ và manh mún dẫn đến quy luật cung vượt quá cầu, tư thương ép giá. 

Bùi Minh

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...