Trung Quốc giảm nhập, xuất khẩu gạo của Việt Nam trở nên khó khăn

Thứ 3, 25/06/2019 | 18:33:59
1,083 lượt xem

Các nước nhập khẩu gạo lớn như Trung Quốc giảm nhập. Trong khi các nước xuất khẩu gạo lại gia tăng sản lượng khiến gạo Việt Nam gặp nhiều khó khăn trên thị trường.

Gạo xuất khẩu của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm 2019.

Xuất khẩu gạo tại nhiều thị trường giảm “sâu”

Hôm qua (24/6) tại hội nghị sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 do Bộ Công thương tổ chức, Bộ này cho rằng, tình hình xuất nhập khẩu gạo trên thế giới đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian qua.

"Các nước nhập khẩu đã có những sự thay đổi về thuế hóa mặt hàng gạo, cho nhiều nguồn cung tham gia các đợt thầu mở quốc tế nhằm tìm kiếm nguồn cung gạo giá cạnh tranh nhất. Các nước nhập khẩu cũng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất hướng đến sự tự chủ về lương thực", Bộ Công Thương đánh giá.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, tình hình xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn do nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu gạo trên thế giới sụt giảm, trong đó có Trung Quốc - quốc gia có lượng nhập khẩu gạo lớn.

Thứ trưởng Bộ Công thương chia sẻ, nguồn cung lúa, gạo trên thế giới được dự báo là sẽ tăng do sản lượng của các nước sản xuất lớn tăng như: Ấn Độ tăng 2,87 triệu tấn, Thái Lan tăng 138 ngàn tấn, Campuchia tăng 79 ngàn tấn…Những nguyên nhân này khiến cho việc xuất khẩu gạo của Việt Nam trở nên “ảm đạm”.

Trong 5 tháng đầu năm 2018, lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang 3 thị trường Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đạt 1,44 triệu tấn thì trong 5 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 239 ngàn tấn, giảm hơn 85%.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, trị giá đạt khoảng 1,18 tỷ USD, giảm 20,4%.

Giá gạo xuất khẩu trung bình 5 tháng đầu năm 2019 đạt khoảng 427,5 USD/tấn, giảm khoảng 76,8 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2018.

Về thị trường, xuất khẩu gạo sang khu vực thị trường châu Á và châu Đại Dương giảm so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu, châu Mỹ và châu Phi ghi nhận mức tăng mạnh.

Gạo Việt Nam xuất khẩu giảm ở nhiều nước thị trường Châu Á. 

Trong 5 tháng đầu năm, Philippines trở thành thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm 38,6% trong tổng xuất khẩu cả nước. Xuất khẩu sang Philippines đạt 1,06 triệu tấn, tăng 296,6% so với cùng kỳ năm 2018 và đạt trị giá 423,3 triệu USD, tăng 239,5%.

Thị trường Châu Phi cũng nhập khẩu gạo với sự tăng trưởng mạnh, điển hình như: Bờ Biển Ngà, Ghana, Nam Phi, Mozambique, Angola.

Về chủng loại gạo xuất khẩu, xuất khẩu gạo trắng các loại chiếm khoảng 56,7% tổng lượng gạo xuất khẩu. Trong đó, gạo IR50404 là 35%. Xếp thứ hai là gạo thơm, chiếm 28,6% tổng lượng gạo xuất khẩu. Xếp thứ ba là gạo nếp, chiếm khoảng 5% tổng lượng gạo xuất khẩu.

Nhiều Bộ cùng "gỡ" khó

Đại diện Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới, đơn vị này sẽ phối hợp cùng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước và nhiều đơn vị, hiệp hội để điều hành xuất khẩu gạo.

Trong đó, Bộ NN và PTNT sẽ thống kê sát thực cơ cấu, chủng loại gạo gieo trồng và năng suất thu hoạch trong từng mùa vụ, phục vụ cho công tác điều hành xuất khẩu gạo; thống kê cập nhật gửi Bộ Công thương tình hình sản xuất gạo hàng hóa vụ hè thu để đánh giá cung cầu, điều hành xuất khẩu gạo, chủ động trước diễn biến thị trường.

Các Bộ ngành và nhiều cơ quan liên quan đang khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng gạo.

Bộ Tài chính cũng chuẩn bị công bố giá thóc gạo định hướng vụ hè thu năm 2019 để Bộ NN và PTNT và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan theo dõi thị trường, kịp thời đề xuất các biện pháp.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tiếp tục tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp cận nguồn vốn vay có lãi suất hợp lý để tăng cường thu mua lúa gạo cho người nông dân.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam đôn đốc tất cả các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo báo cáo đầy đủ, đúng thực tế lượng lúa, gạo hàng hóa tồn kho; theo dõi tình hình thực hiện quy định về dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp hội viên.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu gạo tăng cường công tác thông tin thị trường, theo dõi tình hình thực hiện các Bản Ghi nhớ về thương mại gạo đã ký với các quốc gia, vùng lãnh thổ. Trao đổi, đề nghị phía bạn thúc đẩy sớm việc nhập khẩu gạo, đặc biệt là các thị trường có hợp đồng tập trung.

Bộ này cũng đã yêu cầu các Sở Công Thương của các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng cần thường xuyên theo dõi biến động giá lúa, gạo trên địa bàn. Rà soát, đánh giá nguồn lúa, gạo trên địa bàn và kiểm tra việc thu mua thóc, gạo hàng hóa để duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu 5% của các thương nhân trên địa bàn, định kỳ hàng tuần cho đến hết tháng 7/2019 báo cáo Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương cũng yêu cầu các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo thực hiện nghiêm trách nhiệm duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu (5%) theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP.

Theo dantri.com.vn

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...