Để nông dân yên tâm tích tụ ruộng đất

Thứ 3, 07/08/2018 | 08:57:49
1,336 lượt xem

Một trong những kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của Thái Bình là nông nghiệp đã phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Trong đó có sự thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của nông dân. Hiện nay tích tụ ruộng đất đang là lời giải để có hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng làm thế nào để người dân mạnh dạn tích tụ và yên tâm sản xuất vẫn là bài toán cần tháo gỡ.

Những vướng mắc nảy sinh trong quá trình tích tụ ruộng đất

Tích tụ ruộng đất giờ đã khá quen thuộc với người nông dân Thái Bình. Không chỉ có các tổ chức, doanh nghiệp lớn mà có cả những người nông dân mạnh dạn đứng ra thuê đất, tổ chức lại sản xuất.

Để đầu tư sản xuất trên diện tích hơn 2ha, gia đình ông Trần Văn Giảng ở xã Tây Tiến, huyện Tiền Hải đã phải dồn hết số tiền tích lũy được hàng chục năm và vay mượn thêm. Ông thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, chăn nuôi nhiều loại con bên cạnh trồng lúa. Theo ông Giảng, càng tích tụ lớn thì nhu cầu về vốn càng nhiều. Ông mong muốn sẽ được nhà nước, chính quyền và ngân hàng quan tâm cho vay vốn để những người như ông có thể phát triển sản xuất

Theo thống kê, Thái Bình hiện có hơn 340 cá nhân tham gia tích tụ, tập trung ruộng đất với quy mô từ 2ha trở lên. Bên cạnh vốn, đầu ra cho sản phẩm thì nút thắt nữa là hạn điền và thời gian thuê đất để sản xuất. Hiện nay tích tụ ruộng đất ở Thái Bình thường thực hiện theo hai cách. Một là nhận chuyển nhượng, thuê đất của các hộ nông dân khác với thời gian thuê từ 10 năm, 20 năm. Giá thuê tùy theo thỏa thuận. Hai là thuê đất công ích của xã, tức đất 5% do UBND xã quản lý.

Tuy nhiên, theo Quy định của Luật Đất đai năm 2013, giới hạn hạn điền với sản xuất cây trồng ngắn ngày là 2-3 ha. Thời gian thuê đất 5% của xã không quá 5 năm mỗi lần thuê. Với thời gian và hạn điền như vậy, nhiều nông dân không dám đầu tư nhà xưởng, máy móc để phát triển công nghiệp chế biến hay ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trên quy mô lớn.

Anh Lại Văn Hòa, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư chia sẻ: Xã chỉ cho thuê trong vòng 5 năm đối với đất 5% của xã. Mà với nông nghiệp thời gian thuê ngắn quá làm không có lãi. Chúng tôi cũng không dám đầu tư lớn. 

Còn anh Hoàng Bá Toản, xã Việt Hùng, huyện Vũ Thư thì mong muốn sẽ được nhà nước cho thuê đất lâu dài vì nếu thời gian thuê có một vài năm thì không yên tâm để làm.

Như vậy có thể thấy, cần có thay đổi và đột phá về chính sách đất đai, hoàn thiện thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho những người mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp. Những vướng mắc trong tích tụ ruộng đất cũng đặt ra bài toán lớn đối với địa phương khi chuyển từ cách làm cũ sang cách làm mới, đòi hỏi từng bước cẩn trọng, đồng thuận và các cơ chế pháp lý chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi của bên thuê đất và cho thuê đất. 

* Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho những người mạnh dạn tích tụ ruộng đất

Từ thành công của các mô hình tích tụ ruộng đất ở tỉnh Thái Bình hiện nay có thể thấy đã manh nha hình thành tư duy của người nông dân mới. Nhưng để họ yên tâm sản xuất, rất cần có những cơ chế chính sách phù hợp, sự vào cuộc và liên kết chặt chẽ giữa người nông dân với nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp, ngân hàng. Bởi tích tụ đã trở thành xu thế và là yêu cầu tất yếu của quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao.

Theo ông Dương Công Động, xã Quỳnh Trang, huyện Quỳnh Phụ: với lĩnh vực nông nghiệp thì phải đi sâu phát triển quy mô sản xuất, vận động bà con tiếp tục tích tụ để làm sao quy mô sản xuất được đồng bộ hơn, đem lại hiệu quả, tiến tới sản phẩm tiêu thụ theo chuỗi.

Cùng với Hà Nam, Thái Bình là địa phương được Chính phủ lựa chọn triển khai thí điểm cơ chế tích tụ đất đai, phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp tập trung. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành các Quyết định nhấn mạnh tích tụ ruộng đất là hướng đột phá, là giải pháp tiến lên nền sản xuất hàng hóa lớn tập trung. Đây là tiền đề để tỉnh phát triển lợi thế sản xuất nông nghiệp vốn có.

Tại Hội nghị về xúc tiến đầu tư cho nông nghiệp của Thái Bình năm 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có những thông điệp rất rõ ràng về định hướng phát triển nông nghiệp Thái Bình. Trong đó phải thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao. Trong lúc chờ có những thay đổi về cơ chế chính sách ở tầm vĩ mô thì các địa phương cũng đang có những cơ chế hỗ trợ riêng để khuyến khích người dân tích tụ ruộng đất. 

Ông Đỗ Văn Đồng - Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vũ Thư cho biết: Thời gian qua tỉnh và huyện Vũ Thư đã có chính sách hỗ trợ cho những người tích tụ từ 10ha trở lên. Trong đó tỉnh hỗ trợ 1 triệu đồng/ha, còn huyện hỗ trợ 300 nghìn đồng/ha.

Mục tiêu đến năm 2020, Thái Bình phấn đấu diện tích được tích tụ, tập trung theo hình thức thuê đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất khoảng 11 nghìn ha. Hình thức liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản nông sản khoảng 15 nghìn ha. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm, cách làm thận trọng và những chính sách khuyến khích phù hợp mà tỉnh đang triển khai, người nông dân sẽ yên tâm tích tụ ruộng đất phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Thái Bình sẽ ngày càng có nhiều mô hình tích tụ ruộng đất sản xuất hiệu quả. Để người dân quê lúa có thể làm giàu có từ sản xuất nông nghiệp.

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...