Cân đối sản xuất chăn nuôi trong nước đang bị phá vỡ

Thứ 6, 09/12/2016 | 16:15:05
448 lượt xem

Hiện giá lợn hơi trong nước đang xuống trong khi việc nhập nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn còn quá nhiều. Không những thế, có lúc chúng ta vẫn bị ép giá do những nguyên nhân từ bên ngoài.... Điều này có thể sẽ tác động phần nào đến cân đối sản xuất chăn nuôi trong nước đang bị phá vỡ.

Về băn khoăn này, ông Nguyễn Xuân Dương - Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc mất cân đối hay phá vỡ cân đối với một lĩnh vực, ngành hàng nào đó là chuyện bình thường của quá trình phát triển để thiết lập những cân đối mới phù hợp hơn và ngành chăn nuôi cũng vậy....

Sản xuất chăn nuôi nước ta liên tục tăng trưởng cao trong suốt 20 năm qua, bình quân từ 5-6%/năm (tương đương với mức tăng trưởng của GDP hàng năm), đáp ứng cơ bản nhu cầu các loại thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng trong nước và bước đầu có xuất khẩu.

PV: Trong những mất cấn đối, có cân đối cung cầu một số nhóm sản phẩm chủ lực, nhất là mặt hàng thịt lợn, mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu ngày càng gia tăng so với sản xuất trong nước thì sẽ gây nên những bất cập gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT).

Ông Nguyễn Xuân Dương - Cục phó Cục Chăn nuôi (Ông Dương): Mặt hàng thịt lợn là chủ đạo, là xương sống của ngành chăn nuôi nước ta, với thị phần trong sản xuất cũng như trong cơ cấu tiêu dùng thực phẩm của người Việt Nam nên sự phát triển hay trì trệ của lĩnh vực chăn nuôi lợn sẽ có tác động trực tiếp đến ngành chăn nuôi cả nước. Hiện nay, chăn nuôi lợn nước ta đang được các thành phần kinh tế tham gia đầu tư khá mạnh và đã có được những tiến bộ rất đáng kể về chất lượng con giống, thức ăn dinh dưỡng, kỹ thuật chuồng trại và quản lý. Những thành tựu này đã góp phần tăng trưởng về quy mô và năng suất của ngành chăn nuôi lợn của nước ta, với quy mô đàn lợn 28,3 triệu con có mặt thường xuyên, trong đó, có 3,8 triệu lợn nái đã đưa Việt Nam đứng hàng thứ 4 trên thế giới về tổng đàn và thứ 6 thế giới về sản lượng thịt lợn. Tuy vậy so với dung lượng thị trường thì quy mô này đã quá lớn, chúng ta không nên khuyến khích mở rộng quy mô đầu lợn mà nên tập trung thay đổi cơ cấu giống, phương thức chăn nuôi theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng thịt lợn của Việt Nam thì nhất định sẽ không mất cân đối về cung cầu trong nước và vẫn đáp ứng tốt nhu cầu xuất khẩu trong thời gian trước mắt và những năm gần đây.

PV :Vì sao vậy thưa ông?

Ông Dương: Vì năng suất chăn nuôi lợn của chúng ta còn thấp, bình quân chung trong sản xuất đại trà của các giống lợn ngoại của chúng ta mới đạt từ 1,7-1,8 tấn lợn thịt/nái/năm, trong khi ở Pháp, ở Mỹ là 2,3-2,5 và Đan Mạch là 3,0-3,2. Như vậy, nếu chúng ta đưa được năng suất thịt lên khoảng 0,5 tấn/nái/năm thì đã có thêm 2 triệu tấn thịt lợn mà chưa cần phải tăng thêm đầu lợn nái, điều này là hoàn toàn khả thi, vì khi đó năng suất chăn nuôi lợn của Việt Nam cũng chưa bằng năng suất chăn nuôi lợn của nhiều nước hiện nay và với trình độ chăn nuôi và khả năng đầu tư cho chăn nuôi lợn trong sản xuất hiện nay thì không lâu nữa chúng ta sẽ đạt được. Do đó, theo tôi các địa phương cần khuyến cáo không để tình trạng tăng quy mô đàn lợn ồ ạt như hiện nay. Vì điều này sẽ gây nên những hệ lụy không tốt là cung vượt cầu và chất lượng con giống không được kiểm soát tốt sẽ làm giảm hiệu quả chăn nuôi. Mặt khác suất đầu tư cho chăn nuôi lợn nái rất cao (đối với lợn ngoại có thể từ 20 - 30 triệu đồng/nái) và thời gian khai thác ít nhất là 3 năm, nếu giống kém chất lượng thì quả là lãng phí vô cùng trong đầu tư mà nhiều khi người chăn nuôi không thấy được hết được vấn đề này.

PV: Chúng tôi cho rằng, để sản phẩm chăn nuôi của chúng ta luôn là thế mạnh cạnh tranh, nhất là những thị trường luôn có những biến động thì người chăn nuôi cần phải chủ động và người quản lý cần linh hoạt trong điều hành để chúng ta không bị ép giá hoặc các tác động khác?

Ông Dương: Tôi cho rằng, chủ động và linh hoạt để đối phó với các tác động từ bên ngoài, chúng ta đã từng làm rồi. Về vấn đề này, theo tôi có một số mấu chốt sau: Một là, ngoài con giống thì chúng ta cũng cần phải khuyến cáo đa dạng hơn về phương thức chăn nuôi, không quá chú trọng nhiều đến chăn nuôi công nghiệp mà phải quan tâm ngay đến chăn nuôi hữu cơ, đến chăn nuôi kết hợp giữa công nghiệp và chăn nuôi truyền thống để có những sản phẩm chất lượng, ngon, tận dụng được không gian, lao động, phụ phẩm rất phù hợp với loại hình chăn nuôi nông hộ của nước ta. Hai là, về vấn đề nhập khẩu nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Cái này theo tôi cũng không có vấn đề gì là bất cập lớn cả! Vì rằng phần lớn các loại nguyên liệu nhập khẩu lớn là những nguyên liệu mà sản xuất cần nhưng trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất với giá thành quá cao, chưa kể đến là những thứ mà chúng ta không có lợi thế thì không nhất thiết phải sản xuất bằng mọi giá trong nền kinh tế mở như hiện nay, ví dụ: đậu tương, các loại khô dầu, lúa mỳ, thậm chí là ngô. Mặt khác, hầu hết các loại sản phẩm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước sản xuất ra đều được sử dụng hết, nếu có thừa thì chỉ là một số không đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm mà thôi. Tôi xin nói thêm là nhờ chính sách mở cửa hội nhập chúng ta đã sớm có ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi phát triển nhanh và lớn đứng số 1 trong ASEAN về sản lượng (khoảng 20 triệu tấn năm 2016). Năm 2016 đã xuất khẩu được trên 500 triệu USD sản phẩm thức ăn chăn nuôi đến cả các thị trường phát triển, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…

PV: Như vậy, ngành chăn nuôi đang đi đúng hướng và thuận lợi?

Ông Dương: Về cơ bản là như vậy, bởi ngành chăn nuôi đã có sự cơ cấu lại sản xuất khá lâu rồi, khi kinh tế Việt Nam hội nhập với kinh tế thế giới từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Khi đó so với những ngành kinh tế nông nghiệp khác thì ngành chăn nuôi gặp khó khăn hơn, do xuất phát điểm thấp và Việt Nam không có nhiều lợi thế tự nhiên cho chăn nuôi so với trồng trọt, nuôi trồng thủy sản… lại xuất hiện dòng đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chăn nuôi nhiều, nên áp lực càng lớn hơn cho những người làm chăn nuôi trong nước.

 PV: Xin cảm ơn ông!... 

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...