Từ đầu năm đến nay, ngành nông nghiệp Việt Nam liên tiếp chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai như: Rét đậm, rét hại; hạn hán và xâm nhập mặn; sự cố môi trường biển… Đây là lần đầu tiên ngành nông nghiệp tăng trưởng âm trong hàng chục năm qua. Vậy ngành cần phải làm gì để vượt qua khó khăn, tăng trưởng trở lại?
Tăng trưởng âm do nhiều thiên tai
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, đợt rét đậm rét hại đầu năm 2016 đã khiến gần 20.000 con gia súc, hơn 44.000 gia cầm bị chết. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính từ đầu năm 2016, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã làm khoảng 368.922 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; 249.620ha lúa, 19.203ha hoa màu, 37.369ha cây ăn quả tập trung, 163.768ha cây lâu năm, 6.942ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại... Tổng thiệt hại ước tính hơn 142 nghìn tỷ đồng. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn còn để lại hậu quả khi diện tích cây lâu năm (cây công nghiệp, cây ăn quả) ở địa phương khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ bị chết, gây thiệt hại kéo dài cho nông dân.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2016 giảm 0,18%. Trong đó, nông nghiệp đạt 297,2 nghìn tỷ đồng, giảm 0,7% (cùng kỳ năm 2015 tăng 1,95%), cụ thể: Trồng trọt đạt 203,3 nghìn tỷ đồng, giảm 3%; chăn nuôi đạt 88,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,7%. Lâm nghiệp đạt 13,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% (cùng kỳ năm 2015 tăng 8,3%). Thủy sản đạt 86,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,3% (cùng kỳ năm 2015 tăng 3,45%).
Có thể thấy, trong bối cảnh lĩnh vực trồng trọt, nuôi trồng thủy sản chịu tác động mạnh từ hạn hán và xâm nhập mặn thì chăn nuôi lại là lĩnh vực có nhiều khởi sắc. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, dịch bệnh trên vật nuôi được khống chế tốt, sức mua tăng, giá cả sản phẩm chăn nuôi tăng, giá thức ăn chăn nuôi giảm nên ngành chăn nuôi đạt hiệu quả tốt. Đàn gia súc, gia cầm phát triển nhanh, đàn bò tăng 1,6%; đàn lợn tăng 3,9%; đàn gia cầm tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng thịt hơi các loại tăng 4,1%.
Cây ngô được xem là lựa chọn phù hợp khi thiếu nguồn nước tưới.
Lấy tôm bù lúa
Để lấy lại được đà tăng trưởng, từ nay đến cuối năm 2016, ngành nông nghiệp sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, ngành xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả, tốn nước, sang trồng các cây hằng năm (ngô, đậu tương, vừng, lạc và rau màu khác) có nhu cầu thị trường và cung cấp nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân giảm thiệt hại do thời tiết, sâu bệnh và giảm chi phí sản xuất, tiêu thụ nông sản; chỉ đạo sát thời vụ, cơ cấu giống lúa, tăng cường sử dụng các giống xác nhận, giống chất lượng cao.
Theo nhận định của các chuyên gia nông nghiệp, nếu từ nay đến cuối năm, ngành nông nghiệp có thể tăng sản lượng tôm thêm 60.000 tấn thì sẽ bù đắp được sản lượng lúa bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn (60.000 tấn tôm có trị giá tương đương 1,2 triệu tấn lúa). Thực tế cho thấy, trong năm 2014, sở dĩ ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng vượt bậc phần lớn do được mùa tôm, lúa; riêng sản lượng tôm tăng hơn 100.000 tấn, tương đương hơn 2 triệu tấn lúa. Để có thể tăng được sản lượng tôm thì Bộ NN&PTNT cũng như ngành thủy sản cần phải nỗ lực thực hiện giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; thứ hai là phải kiểm soát chặt nguồn giống; thứ ba, kiểm soát tốt dịch bệnh và việc sử dụng kháng sinh.
Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, 6 tháng đầu năm 2016, ngành thủy sản tăng cả khai thác lẫn nuôi trồng, giá trị xuất khẩu tăng. Vì thế, từ nay đến cuối năm, ngành thủy sản vẫn còn dư địa tăng trưởng và có thể bù đắp thiệt hại cho lĩnh vực trồng trọt.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2016, dứt khoát ngành trồng trọt phải thắng lợi vụ lúa mùa ở miền Bắc. Theo đó, cùng với nâng cao sản lượng cây trồng, cần tập trung giảm chi phí, tăng chất lượng nông sản để tăng giá trị; đồng thời phải thúc đẩy các giống có giá trị cao từ ngô, lúa cho đến các giống cây trồng khác. Riêng ngành chăn nuôi phải tận dụng, khai thác lợi thế đang có để tạo đà phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp. Ngành nông nghiệp cần kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp để phát triển, mở rộng thị trường; nỗ lực cải cách hành chính để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi; triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp trong việc giảm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm.
Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra từ ngày 10/12 đến ngày...
Việc giải quyết KỊP THỜI những ý kiến, kiến nghị của cử Không những giúp...
Từ 1/7 vừa qua, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...