Liên kết tiêu thụ nông sản – động lực cho nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp

Thứ 2, 09/05/2016 | 10:34:28
1,019 lượt xem

Nếu như nhiều địa phương còn đang loay hoay với câu chuyện trồng cây gì, nuôi con gì thì ở xã Điệp Nông (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) vẫn là những cây trồng truyền thống nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp liên tục tăng. Bởi ở đây, người nông dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ. Và quan trọng là họ không phải lo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp nên yên tâm sản xuất.

Cánh đồng 4 vụ cây màu ở xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà.

Hơn 20 năm làm nông nghiệp, gắn bó với cây lúa, củ lạc nhưng chưa năm nào ông Lê Xuân Đón thôn Duyên Nông, xã Điệp Nông lại thấy nhàn nhã, thảnh thơi như năm nay. Trước kia, cũng thời điểm này, thu hoạch lạc ngoài bãi về, ông còn phải lo chuyện phơi phóng, bảo quản làm sao để lạc không bị thối, bị hỏng. Rồi lại lo đầu ra bán cho ai? Có được giá không? Nỗi lo ấy giờ không còn nữa. Bởi, năm nay ông tham gia trồng lạc cung cấp giống cho Công ty Giống cây trồng Thái Bình, thu hoạch xong chỉ việc chở đến điểm tập kết, cân lại cho công ty và nhận tiền. Giá cả đã được công ty ký kết ngay từ đầu vụ, luôn bằng và cao hơn giá thị trường nên ông Đón thấy như vậy vừa hợp lý lại cũng thuận cho người nông dân.

 Ông Đón hồ hởi: “Mọi năm gia đình tôi không trồng giống lạc 2 nhân này. Năm nay gia đình nhà tôi trồng 2 sào. Từ khi có dịch vụ nông nghiệp tiêu thụ, tạo đầu ra cho nông dân, chúng tôi rất phấn khởi và thu hoạch cũng thuận lợi. Chuẩn bị đến khi thu hoạch HTX cũng đã báo trước cho chúng tôi trước 3,4 ngày, khi chúng tôi thu hoạch mang lên HTX thu mua cũng rất thuận lợi”.

Ông Lê Xuân Đón đang phân loại lạc để bán cho đơn vị thu mua.

Nhiều nông dân khác trong thôn, trong xã cũng thấy được lợi ích từ mối liên kết giữa doanh nghiệp  với nông dân trong quá trình sản xuất. Theo bà con nông dân ở Điệp Nông, khi tham gia vào chuỗi liên kết, họ không chỉ được công ty thu mua sản phẩm mà còn được cung ứng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật ngay từ đầu vụ, được hướng dẫn kĩ thuật canh tác để có năng suất cao. Cũng chính vì lý do đó, nhiều nông dân trở Điệp Nông hết sức phấn khởi. “Năm nay là  năm đầu tiên chúng tôi trồng lạc lấy giống của công ty, tôi thấy trồng lạc như thế cũng có thuận lợi cho gia đình. Sang năm tôi cũng muốn trồng nhiều thêm nữa để tăng thu nhập cho gia đình” - bà Nguyễn Thị Hậu, thôn Duyên Nông cho biết.

Cảnh thu mua ngô ngọt tại xã Điệp Nông.

Điệp Nông có khoảng 535 ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích chuyên màu 196 ha, diện tích trồng cây vụ đông trên đất hai lúa 310 ha. Là xã thuần nông có truyền thống thâm canh cây màu, Điệp Nông xác định để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo nhất thiết phải phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa. Những năm qua, xã đã mạnh dạn tiếp nhận những giống mới, thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún bằng việc quy vùng sản xuất hàng hóa, liên kết với các doanh nghiệp trong bao tiêu nông sản.

Dưa chuột cũng là một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân Điệp Nông.

Ông Trần Minh Chiêu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp xã Điệp Nông   

 "HTX DVNN xã Điệp Nông liên kết sản xuất với các công ty ở Hải Dương, Hưng Yên và cả trong tỉnhThái Bình. Từ việc liên kết sản xuất chúng tôi cũng đã chủ động được sản xuất, mang lại lợi nhuận cao cho nông dân, chủ động được giá. Đến nay trên mỗi cánh đồng đạt giá trị 160 triệu - 200 triệu/ ha/ năm ".

Trong sản xuất nông nghiệp không tránh khỏi những thiệt hại, tổn thất làm giảm năng suất cây trồng. Khi  đó, các công ty, doanh nghiệp luôn có cơ chế hỗ trợ  kịp thời nhằm chia sẻ trước những khó khăn của nông dân, như hỗ trợ một phần chi phí, nâng giá thu mua nông sản. Bởi vậy, người dân tích cực mở rộng diện tích gieo trồng, đặc biệt là cây xuất khẩu như ngô ngọt, đỗ tương, rau, dưa chuột, ớt...Chỉ tính riêng diện tích trồng ngô ngọt ở Điệp Nông đã gần 300 ha, mỗi năm cung cấp cho thị trường trên 2.200 tấn.

Bà Nguyễn thị Lợi, thôn Canh Nông, xã Điệp Nông cho biết: “Nhiều năm nay trồng ngô ngọt cân cho công ty. Thuận lợi là dù có hạt hay không, công ty cũng cân cho tất, chúng tôi không bán ra ngoài. Trồng ngô không phải lo lắng gì, thu ngô có công ty về thu mua hết rồi”.

Niềm vui của người nông dân khi cây ngô ngọt tiếp tục là cây trồng chủ lực của địa phương.

Tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đến nay, hệ số quay vòng đất ở Điệp Nông đạt 3,2 lần/năm. Năm 2015, thu nhập từ trồng màu đạt khoảng trên 70 tỷ đồng. Tính ra thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 37 triệu đồng/người/năm. Liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như cách mà xã Điệp Nông đang làm góp phần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nông thôn, nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Mô hình này bước đầu đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tiền đề xây dựng nền nông nghiệp bền vững.

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...